Gần đây, một số độc giả liên tục gửi những thắc mắc không hiểu một công ty “tỷ đô” như Hoàng Anh Gia Lai (HAG- HSX) của bầu Đức lại lần lữa mãi trong việc công bố báo cáo tài chính quý 4/2015 của mình.
Anh Thành – Một nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu HAG như ngồi trên đống lửa khi những ngày qua một loạt các thông tin “không vui” liên quan đến Bầu Đức và HAG dày đặc trên các mặt báo.
Lật qua những số liệu mà công ty này đã công bố chúng tôi cũng không khỏi giật mình và có những dấu hỏi đối với hoạt động của HAG. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích ít nhiều cho những bạn đọc đang quan tâm đến bầu Đức và các cổ phiếu liên quan đến ông.
Những khoản phải thu “bất thường”?
Theo BCTC hợp nhất quý 3/2015 được HAG công bố gần đây nhất, mặc dù công ty đang gánh tổng nợ là 30.723 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với đầu năm trong đó các khoản vay nợ ngắn và dài hạn lên tới 25.449 tỷ đồng nhưng nếu nhìn vào các khoản phải thu của HAG, không ít NĐT hay chính các chủ nợ (bao gồm ngân hàng và các trái chủ) đang cho HAG vay phải đặt dấu hỏi lớn về những khoản mà HAG đang cho các các nhân viên, đối tác của mình vay mà đa phần lại bằng hình thức tín chấp:
Trích BCTC hợp nhất quý 3/2015 HAG - HSX
Thứ nhất, HAG và các công ty con đang cho Công ty cổ phần đầu tư Bất động sản An Phú (“An Phú”) vay với tổng số tiền là 3.994 tỷ đồng với 04 hợp đồng cho vay. Trong thuyết minh BCTC ghi rõ “Hợp đồng 1” được đảm bảo bởi Ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty, khoản vay này có thời hạn ba năm kể từ ngày cho vay (ngày 1/10/2013) và có lãi suất trong kỳ là 9,5%/năm (2014: 13%/năm).
Đáng chú ý, mục đích của khoản vay này là để hỗ trợ tài chính cho An Phú trong việc mua lại các công ty con và các dự án bất động sản của Tập đoàn theo kế hoạch tái cấu trúc của Tập đoàn. Theo thỏa thuận với An Phú số 1510/2013/HĐCC/HAGL-AP ngày 15/10/2013, cổ phần và vốn góp của An Phú trong các công ty con của An Phú sẽ được sử dụng để đảm bảo cho các khoản vay này và Công ty có quyền thu tiền từ khoản thanh lý tài sản và các dự án của An Phú.
Điều này có nghĩa, HAG đang cho “đối tác” là An Phú vay để mua lại chính những dự án và công ty con của mình, đồng thời ngoài việc được đảm bảo bởi bầu Đức thì khoản vay này còn được đảm bảo bằng chính cổ phần và vốn góp của An Phú trong các công ty con.
Ngoài ra, 3 hợp đồng còn lại với An Phú, HAG đang cho vay tín chấp với số tiền lên đến 1.650 tỷ đồng.
Theo thông tin công bố trên Công thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia của Bộ kế hoạch và đầu tư, hiện bà Đoàn Thị Nguyên Thảo đang là người đại diện pháp luật tại Văn phòng Công ty cổ phần đầu tư bất động sản An Phú có trụ sở tại Tp HCM. Thật trùng hợp khi bà Thảo chính là em gái của bầu Đức.
Một câu hỏi lại được đặt ra là liệu An Phú có được bầu Đức ưu ái hay không khi HAG cho công ty này vay tín chấp nhiều như vậy hay đây chỉ là một trong những phương pháp “chuyển khẩu” những dự án, công ty con của HAG sang các công ty thân hữu để thực hiện những hoạt động tài chính khác(?)
Thứ hai, mặc dù HAG đang vay nợ món tiền khủng trên nhưng nếu nhìn vào BCTC hiện Tập đoàn này cũng hào phóng cho nhân viên của mình vay rất nhiều và đa phần cũng là hình thức vay tín chấp.
Trích báo cáo tài chính công ty mẹ Quý 3/2015 của HAG
Cụ thể, HAG đang cho nhân viên công ty vay 545 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 237 tỷ đồng và vay dài hạn là 208 tỷ đồng.
Trong BCTC công ty mẹ Quý 3/2015 của HAG chỉ rõ, các khoản vay 141 tỷ (cho vay ngắn hạn nhân viên) và bất ngờ xuất hiện số tiền 208 tỷ (cho vay dài hạn nhân viên) đều là vay tín chấp.
Chưa dừng tại đó, HAG còn cho vay các công ty và cá nhân khác số tiền 2.431 tỷ đồng (công ty mẹ - bao gồm cho vay các công ty khác ngắn hạn và dài hạn) còn nếu tính cả các đơn vị thành viên số tiền này lên tới 5.195 tỷ đồng, và hình thức đảm bảo cho các khoản vay nghìn tỷ này đa phần cũng là tín chấp.
Bài học nhãn tiền từ vụ BLĐ ngân hàng ACB của Bầu Kiên, ủy thác cho 19 nhân viên của mình đi gửi số tiền 718 tỷ đồng tại các tổ chức tín dụng khác vẫn còn đó. Và hậu quả của nó đến giờ vẫn chưa được khắc phục.
NĐT của HAG có quyền đặt câu hỏi: Hàng nghìn tỷ cho vay tín chấp trên đang sử dụng với mục đích gì và cơ chế giám sát những khoản cho vay đó ra sao? Bởi xét cho cùng Bầu Đức cũng chỉ là một cổ đông của HAG và lấy gì để đảm bảo cho những khoản vay nghìn tỷ kia.
Thương vụ có một không hai
Liên quan đến một công ty khác của bầu Đức, giới đầu tư hiện cũng như chưa thể giải thích được tiền ở đâu để 2 công ty mới thành lập từ năm 2014 là Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh (“An Thịnh”) và Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh (“Cường Thịnh”) với số vốn vỏn vẹn là 30 tỷ đồng lại có thể bỏ ra số tiền 1.652 tỷ đồng mua lại 59 triệu cổ phiếu của Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG- HAGL Agrico) với giá 28.000đ/cp. Nếu so với thị giá, hai công ty này đã lỗ gần 1.100 tỷ đồng trong thương vụ này.
Chưa đầy mười ngày sau, HAGL Agrico lại chóng vánh hoàn tất việc mua lại Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Cao su Đông Dương (“Đông Dương”) từ chính hai cổ đông lớn là An Thịnh và Cường Thịnh với tổng trị giá là 1.650 tỷ, theo đó Đông Dương sẽ trở thành công ty con của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai với tỷ lệ sở hữu 100%.
Được biết, giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Cao su Đông Dương là ông Lê Hồng Phong. Hiện tại, ông Phong đang là Trưởng ban Kiểm soát của HAGL Agrico đồng thời giữ chức Phó phòng Kiểm toán nội bộ - CTCP Hoàng Anh Gia Lai.
Kịch bản dần hé lộ khi chỉ bằng đấy con người tay không có thể “dệt” lên những thương vụ nghìn tỷ. Ở bài viết sau chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn những “tổ hợp” các công ty con và công ty thân hữu của HAG và HNG.
Cùng với việc HAG được thu xếp vốn như thế nào, ai đang cho HAG vay + quy trình giám sát mà HAG có thể thực hiện những thương vụ trên và mục đích thật sự là gì?
Hoàng Nguyên