|
Ảnh minh họa. (Nguồn: BBA) |
Thông cáo có tựa đề “Sau 6 tháng bay, doanh thu quý 2/2019 của Bamboo Airways gấp hơn 3 lần quý 1” dẫn nguồn từ UBND tỉnh Bình Định cho biết: Nếu so sánh với lợi nhuận sau thuế -329,4 tỉ đồng tại thời điểm 30/4/2019, thì theo số liệu tại bảng cân đối kế toán tại thời điểm 30/6/2019 của Bamboo Airways, có thể thấy lợi nhuận âm đã giảm dần theo từng tháng."
Nhưng mức lỗ (lợi nhuận âm) cụ thể qua các tháng cũng như con số lỗ lũy kế đến thời điểm hiện nay của Bamboo Airways là bao nhiêu thì thông cáo không đề cập, mà chỉ nhấn mạnh: “Đặc biệt, tính theo tổng thể từng quý thì kết quả kinh doanh đang ngày càng cải thiện theo chiều hướng tích cực. Doanh thu quý 2/2019 của Bamboo Airways cũng tăng mạnh, đạt 1.115,1 tỷ đồng, tăng tới hơn 242% so với quý 1”.
Nguồn tin từ UBND tỉnh Bình Định được hãng bay này dẫn dường như muốn giải thích sâu hơn: “Bamboo Airways mới đi vào hoạt động nên trong 3 tháng đầu tiên, hãng hàng không này ở giai đoạn mới thâm nhập thị trường, nên hãng có những chính sách giảm giá, ưu đãi cho các dịch vụ vận chuyển để thu hút khách hàng. Cùng với đó là những khoản đầu tư ban đầu như xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất trang thiết bị, đặt cọc thuê mua máy bay cũng sẽ phải chi trả trong thời gian này.
Do đó, chi phí biến đổi trong 3 tháng đầu hoạt động theo nguyên tắc kế toán sẽ ghi nhận bằng doanh thu, phần còn lại sẽ phân bổ đều trong các tháng còn lại. Điều này chứng minh hoạt động của Bamboo Bamboo Airways ngày càng hiệu quả, hoàn toàn đủ năng lực huy động vốn đầu tư từ nguồn doanh thu khai thác để bù đắp khoản vốn đầu tư tăng thêm”.
Cũng theo UBND tỉnh Bình Định, khoản cho vay ngắn hạn của Bamboo Airways tại thời điểm 30/6/2019 là 986,49 tỷ đồng, đã giảm 7% so với thời điểm 30/4/2019 (1.062 tỉ đồng).
“Các khoản cho vay này đều là các khoản cho các đối tác thường xuyên của Tập đoàn FLC vay, với mục đích tối ưu dòng tiền của Bamboo Airways và Tập đoàn FLC. Ngay khi Bamboo Airways cần sử dụng đến nguồn tiền này, việc thu hồi sẽ tương đối đơn giản, với sự hỗ trợ và đảm bảo của Tập đoàn FLC”, thông cáo viết.
Một đại diện Bamboo Airways cho biết, hầu như tất cả các hãng hàng không mới ra đời đều sẽ phải chịu lỗ trong những năm đầu tiên. “Với Bamboo Airways, khoản lỗ trong thời gian đầu vận hành khai thác đều là nằm trong dự kiến. Tập đoàn FLC đã có văn bản giải trình cụ thể về kế hoạch phát triển đội tàu, năng lực khai thác tàu bay và tài chính”, vị này nói.
Trước đó, như VietTimes đã thông tin, góp ý hồ sơ điều chỉnh dự án vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), Bộ Tài chính đã đặt nhiều vấn đề về tình hình tài chính của hãng.
Dẫn số liệu từ Bảng cân đối kế toán, Bộ Tài chính cho biết: Tại ngày 30/4/2019, Bamboo Airways có vốn góp là 1.300 tỷ; tổng nguồn vốn là 2.200,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn lại đạt tới 1.062,4 tỷ đồng (chiếm 48,27% tổng tài sản).
“Như vậy, số vốn góp chủ sở hữu của Công ty Tre Việt chủ yếu đang được Công ty sử dụng một phần để cho vay ngắn hạn. Song chưa có thuyết minh cụ thể về đối tượng vay, tài sản đảm bảo, phương án thu hồi các khoản vay, vì vậy có thể có những khó khăn trong việc thu hồi để đáp ứng tiến độ triển khai Dự án”, Bộ Tài chính viết trong văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định.
Theo Bộ Tài chính, Công ty FLC và Công ty Tre Việt cần thiết phải có báo cáo làm rõ, giải trình về năng lực, khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nghĩa vụ có liên quan, cũng như khả năng huy động vốn đầu tư được thuyết minh trong hồ sơ điều chỉnh Dự án. Bộ này đề nghị nhà đầu tư bổ sung phương án huy động, thu hồi vốn (vốn chủ sở hữu, vốn vay) để triển khai Dự án theo phương án triển khai Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chưa rõ các “góp ý” của Bộ Tài chính sau đó đã được Bamboo Airways và cơ quan nhà nước chủ trì tiếp thu ra sao. Nhưng hôm nay (14/8), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 1014/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Tre Việt.
Quyết định đã “bật đèn xanh” cho Bamboo Airways được tăng lên quy mô đội bay lên 30 máy bay đến năm 2023, bao gồm cả máy bay thân rộng và thân hẹp.
Một năm trước, tại Quyết định số 836/QĐ-TTg ngày 09/7/2018 – cũng được ký bởi Phó Thủ trướng Trịnh Đình Dũng – Bamboo Airways mới chỉ được giới hạn: “Quy mô Dự án: Đầu tư đến năm 2023 là 10 tàu bay loại A320/A321 hoặc B737.”
Nhưng thực tế, không phải chờ đến năm 2023, Bamboo Airways đã gần như ngay lập tức đạt tới hạn về quy mô 10 tàu bay.
Lãnh đạo Bamboo Airways – ngay từ những chuyến bay đầu tiên (đầu năm 2019) – đã tuyên bố về việc mở rộng đôi bay đạt mốc 40 tàu vào cuối năm 2019. Do đó, không bất ngờ khi Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (viết tắt: Bamboo Airways; thành viên của Tập đoàn FLC) đã lại sớm trình hồ sơ xin điều chỉnh dự án – chỉ ít tháng sau ngày có Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (Bộ Giao thông Vận tải cấp ngày 12/11/2018).
Bên cạnh việc đề xuất quy mô dự án ở mức khiêm tốn (10 tàu bay) khi xin thành lập hãng hàng không Bamboo Airways vào năm ngoái, tỷ phú Trịnh Văn Quyết cũng được thị trường đánh giá là rất "nhạy" khi lựa chọn Cảng hàng không Phù Cát (Bình Định) làm sân bay căn cứ (air base)./.