Hãng hàng không trẻ nhất thị trường – Bamboo Airways - đang thể hiện một tham vọng và một tốc độ phát triển ấn tượng.
Bắt đầu từ chuyến bay đầu tiên vào ngày 16/1/2019, tính đến giữa năm 2019, hãng bay của Tập đoàn FLC đã thực hiện 6.700 chuyến bay tuyệt đối an toàn, vận chuyển gần 0,8 triệu hành khách và kịp có cho mình kịp có 4,2% thị phần.
Với tỷ lệ bay đúng giờ (OTP - On Time Performance) lên đến 93,8%, tân binh trên bầu trời Việt và cũng là hãng bay hybrid (mô hình hàng không lai giữa giá rẻ và truyền thống) đầu tiên của Việt Nam trở thành quán quân thị trường về OTP, bỏ xa mức trung bình 84,8% của toàn ngành.
Bamboo Airways - tân binh của thị trường hàng không Việt - đang tỏ ra đầy tham vọng. (Ảnh: FLC)
|
Dĩ nhiên, những gì đã đạt được mới chỉ là bước khởi đầu của Bamboo Airways. Tham vọng của hãng bay này và tỷ phú Trịnh Văn Quyết còn lớn hơn nhiều. Nhưng để nuôi tham vọng ấy, Bamboo Airways bắt buộc phải mở rộng đội bay. Mà việc này phải thực hiện càng nhanh càng tốt, bởi quy mô thị trường và nhất là năng lực hạ tầng, năng lực giám sát của nhà chức trách hàng không là giới hạn. Trong khi bên ngoài, hàng loạt “ông lớn” khác đang xếp hàng để chia lại miếng bánh hàng không, mà nổi bật hơn cả là Vinpearl Air của Vingroup.
Quyết định số 836/QĐ-TTg ngày 09/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) nêu rõ: “Quy mô Dự án: Đầu tư đến năm 2023 là 10 tàu bay loại A320/A321 hoặc B737”. Nhưng thực tế, không phải chờ đến năm 2023, Bamboo Airways đã gần như ngay lập tức đạt tới hạn về quy mô 10 tàu bay.
Xin điều chỉnh dự án ngay sau khi có giấy phép
Lãnh đạo Bamboo Airways – ngay từ những chuyến bay đầu tiên – đã tuyên bố về việc mở rộng đôi bay đạt mốc 40 tàu vào cuối năm 2019 và không bất ngờ khi Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (viết tắt: Bamboo Airways; thành viên của Tập đoàn FLC) đã lại sớm trình hồ sơ xin điều chỉnh dự án – chỉ ít tháng sau ngày có Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (Bộ Giao thông Vận tải cấp ngày 12/11/2018).
Tại hồ sơ, Bamboo Airways đề nghị điều chỉnh quy mô đầu tư đến năm 2019 là 22 máy bay và đến năm 2023 đến trên 30 máy bay và tổng mức đầu tư Dự án lên 8.300 tỷ đồng (tăng 7.600 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 11,8 lần).
Việc tăng quy mô đội bay là nhu cầu bức thiết của Bamboo Airways theo cả những khía cạnh khác.
Trong một dòng trạng thái đăng tải trên facebook cá nhân mới đây, Chủ tịch hãng Trịnh Văn Quyết đã viết: “Bamboo Airways hiện có 300 phi công, và gần 80% trong số đó là các phi công người nước ngoài”. Ngoài ý nghĩa về mặt truyền thông, việc “khoe khéo” về đội ngũ phi công của tỷ phú Quyết còn thầm phát đi thông điệp phản bác lại những cáo buộc câu kéo phi công từ đối thủ.
Đặc biệt, con số 300 phi công mà ông Trịnh Văn Quyết công bố cũng cho thấy sự sốt sắng và cả sự chuẩn bị sẵn sàng của Bamboo Airways trong việc bổ sung tàu bay.
Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho hay Bamboo Airways đang có 300 phi công. Nhưng nên nhớ, hãng này mới chỉ đang khai thác 10 tàu bay - cũng là mức tối đa theo giấy phép được cấp hơn nửa năm trước.
|
Trao đổi với VietTimes, một phi công kỳ cựu cho biết, để khai thác một tàu bay cần 6 đến 8 tổ bay, trong đó mỗi tổ có 2 người. Tương ứng, mỗi tàu bay sẽ cần từ 12 – 16 phi công để đảm bảo khai thác. Như vậy, với 300 phi công hiện có, Bamboo Airways đã sẵn sàng nhân sự cho việc khai thác tới 25 tàu bay.
Nhưng như đã đề cập, Bamboo Airways hiện đang khai thác 10 tàu – cũng là mức tối đa theo Giấy phép được cấp. Có nghĩa, nếu không sớm được Bộ GTVT điều chỉnh Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, hãng bay của FLC sẽ chịu áp lực và rủi ro rất lớn về chi phí trả lương, khi đội ngũ phi công quá “cồng kềnh” so với quy mô tàu bay khai thác. Chưa kể, Bamboo Airways trước nay vẫn được đánh giá là hãng bay chào đãi ngộ hấp dẫn bậc nhất thị trường cho các phi công. Và dĩ nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, hàng loạt phi công cũng sẽ phải rời Bamboo Airways, bởi số giờ bay ít cũng đồng nghĩa với phụ cấp bay thấp.
Nhu cầu điều chỉnh Giấy phép vì thế trở nên rất “nóng”, ở phía Bamboo Airways. Còn về phía cơ quan quản lý, đề nghị của Bamboo Airways cũng đặt ra nhiều vấn đề cân nhắc.
Là một ngành kinh doanh có điều kiện, việc điều chỉnh quy mô khai thác cho một hãng hàng không không chỉ được quyết bởi Bộ GTVT – dù lãnh đạo Bộ này là người ký Giấy phép. Việc điều chỉnh cần phải có sự chấp thuận về mặt chủ trương của lãnh đạo Chính phủ, trên cơ sở góp ý của nhiều bộ ngành liên quan.
Theo nguồn tin của VietTimes, bên cạnh sự đồng thuận của nhiều bộ ngành, thì hồ sơ điều chỉnh dự án vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đang có một chút “mắc” ở Bộ Tài chính. Văn bản góp ý của Bộ Tài chính cũng hé lộ một số thông tin về tình hình tài chính của Bamboo Airways và đánh giá của Bộ này.
Bức tranh tài chính của Bamboo Airways
Theo số liệu tại Bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 30/4/2019, Bamboo Airways vó vốn chủ sở hữu là 981,47 tỷ đồng (trong đó: vốn góp là 1.300 tỷ; lợi nhuận chưa phân phối là -318,5 tỷ đồng); tổng nguồn vốn là 2.200,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tổng nợ phải trả ngắn hạn là 1.219 tỷ đồng (trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 700,6 tỷ đồng, doanh nghiệp không có nợ dài hạn); Tỷ lệ Nợ phải trả/Tổng nguồn vốn là 55,4%; Lợi nhuận sau thuế là -329,4 tỷ đồng.
(Trích văn bản góp ý của Bộ Tài chính)
|
“Do doanh nghiệp mới bắt đầu khai thác kinh doanh từ đầu năm 2019, do đó tại thời điểm này chưa có đủ cơ sở để đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và năng lực huy động vốn đầu tư từ nguồn doanh thu khai thác để bù đắp khoản vốn đầu tư tăng thêm như trong thuyết minh điều chỉnh Dự án (huy động 7.000 tỷ đồng, chiếm 84,34% tổng mức đầu tư)”, Bộ Tài chính đánh giá.
Cũng theo Bảng cân đối kế toán, tại ngày 30/4/2019, Bamboo Airways có vốn góp là 1.300 tỷ; tổng nguồn vốn là 2.200,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản phải thu về cho vay ngắn hạn lại đạt tới 1.062,4 tỷ đồng (chiếm 48,27% tổng tài sản). Cấu trúc này khiến Bộ Tài chính đặt vấn đề: “Như vậy, số vốn góp chủ sở hữu của Công ty Tre Việt chủ yếu đang được Công ty sử dụng một phần để cho vay ngắn hạn. Song chưa có thuyết minh cụ thể về đối tượng vay, tài sản đảm bảo, phương án thu hồi các khoản vay, vì vậy có thể có những khó khăn trong việc thu hồi để đáp ứng tiến độ triển khai Dự án”.
Không chỉ “soi” báo cáo tài chính (BCTC) của Bamboo Airways, Bộ Tài chính tham chiếu cả BTCTC đã được kiểm toán độc lập năm 2008 của CTCP Tập đoàn FLC – công ty mẹ của Bamboo Airways.
Dẫn số liệu nợ phải trả đạt 13.697 tỷ đồng của FLC tại thời điểm 31/12/2018, chiếm 59,3% tổng tài sản (nguồn vốn), tỷ lệ Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu là 146%, Bộ Tài chính nhận xét “hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty FLC phụ thuộc nhiều vào hình thức huy động vốn bằng vay nợ.”
“Do vậy trong trường hợp Công ty FLC (chủ sở hữu của Công ty Tre Việt) cam kết bảo lãnh thực hiện mọi nghĩa vụ của Công ty Tre Việt phát sinh từ các hợp đồng thuê, mua máy bay (như Nghị quyết của Hội đồng quản trị Công ty FLC đã thực hiện trong năm 2018 để Công ty Tre Việt thuê máy bay) hoặc bất kỳ một nghiệp vụ kinh tế nào làm thay đổi sở hữu của Công ty Tre Việt thì Công ty FLC và Công ty Tre Việt cần thiết phải có báo cáo làm rõ, giải trình về năng lực, khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nghĩa vụ có liên quan, cũng như khả năng huy động vốn đầu tư được thuyết minh trong hồ sơ điều chỉnh Dự án”, Bộ Tài chính phân tích và đề nghị nhà đầu tư bổ sung phương án huy động, thu hồi vốn (vốn chủ sở hữu, vốn vay) để triển khai Dự án theo phương án triển khai Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
"Thời gian hoàn vốn khoảng 5 - 6 năm" Đó là theo tuyên bố của nhà đầu tư - Bamboo Airways. Hồ sơ dự án tính toán, đến năm thứ 5 khai thác (2023), NPV của dự án khoảng 51,3 triệu USD, IRR (giai đoạn 2019-2023) là 28%, thời gian hoàn vốn khoảng 5-6 năm. Nhà đầu tư dự kiến tiếp tục tăng số tàu bay và vốn đầu tư cho giai đoạn 2023-2028 lên tới 150 tàu bay với mức vốn điều lệ khoảng 8.343 tỷ đồng (tương đương 355 triệu USD). Tuy nhiên, về mặt hiệu quả kinh doanh, Dự án đề xuất điều chỉnh quy mô khai thác (tăng gấp 3 lần số tàu bay) do thay đổi phương án đầu tư kinh doanh chưa có thuyết minh cụ thể tính hiệu quả của Dự án, phương án đảm bảo cân đối dòng tiền trong thời gian doanh thu chưa đủ bù đắp chi phí... "Do đó, đề nghị bổ sung các nội dung trên làm cơ sở đánh giá về hiệu quả kinh tế và tính khả thi của Dự án. Đồng thời, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh và kế hoạch tài chính của Dự án", Bộ Tài chính góp ý. |
Ngày 12/8/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành hàng không. "Đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quản lý đầu tư phát triển ngành hàng không phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về năng lực giám sát của nhà chức trách hàng không và năng lực của các doanh nghiệp hàng không theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 214/TB-VPCP ngày 20/6/2019 của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không", văn bản nêu rõ. Trước đó, ngày 11/7/2019, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Thủ tướng, báo cáo tổng thể nguồn nhân lực ngành hàng không./. |