Cặp đôi Bí thư – Chủ tịch thành phố ở Nội Mông, Trung Quốc đã bị bắt

VietTimes -- Cặp đôi nam-nữ này đã xuất hiện như hình với bóng, đều là quan tham "ăn khoáng sản, ăn bất động sản" ở thành phố Ulaanchab, khu tự trị Nội Mông, đã bị bắt và điều tra.
Vương Học Phong, Bí thư thành ủy Ulaanchab, khu tự trị Nội Mông Cổ, Trung Quốc đã bị bắt. Ảnh: Bành Bái.
Vương Học Phong, Bí thư thành ủy Ulaanchab, khu tự trị Nội Mông Cổ, Trung Quốc đã bị bắt. Ảnh: Bành Bái.

Tờ Đa Chiều ngày 1/10 cho hay Viện Kiểm sát Trung Quốc công bố thông tin cho biết Vương Học Phong - bí thư thành ủy Ulaanchab thuộc Khu tự trị Nội Mông Cổ đã bị bắt.

Vài ngày trước, Đào Thục Cúc - chủ tịch thành phố Ulaanchab cũng đã bị lập hồ sơ điều tra. Ông Vương Học Phong và bà Đào Thục Cúc đã làm việc với nhau trong thời gian hơn 5 năm.

Trước khi bà Đào Thục Cúc làm chủ tịch thành phố, ông Vương Học Phong từng là chủ tịch thành phố này.

Mặc dù thời gian bị cơ quan tư pháp khống chế gần nhau, nhưng việc ông Vương Học Phong "gặp chuyện" bất ngờ hơn. Ngày 5/9, ông vẫn tham gia công tác, ủy ban kiểm tra kỷ luật cũng không hề công bố thông tin ông bị điều tra.

Ngày 13/9, ông Vương Học Phong bị cơ quan kiểm sát địa phương cưỡng chế đưa đi, việc ngã ngựa lần đầu tiên được công khai.

Đối với vấn đề này, Đại hội đại biểu nhân dân khóa 3 thành phố Ulaanchab cũng đã xem xét thông qua "Dự thảo quyết định về cho phép áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với đại biểu Nhân đại thành phố Vương Học Phong".

Tháng 4/2016, ủy ban kiểm tra kỷ luật thông báo bà Đào Thục Cúc bị ngã ngựa, sau đó bà Đào Thục Cúc bị loại tư cách đại biểu Nhân đại toàn quốc.

Đào Thục Cúc, chủ tịch thành phố Ulaanchab, khu tự trị Nội Mông Cổ, Trung Quốc đã bị điều tra. Ảnh: Đa Chiều.
Đào Thục Cúc, chủ tịch thành phố Ulaanchab, khu tự trị Nội Mông Cổ, Trung Quốc đã bị điều tra. Ảnh: Đa Chiều.

Sau khi bà Đào Thục Cúc gặp chuyện, đã liên tục xuất hiện tin đồn cho rằng ông Vương Học Phong sẽ ngã ngựa. Hai người này đều là cán bộ tương đối lâu năm của chính trường Nội Mông, nhưng uy tín đều không tốt.

Một mặt thành tích chính trị của họ rất bình thường, mặt khác đều có quan hệ rất gần gũi với một số thương nhân, có tư lợi cá nhân khi làm chính trị. Nguyên nhân hai người này bị cơ quan tư pháp khống chế cũng đã xác nhận điểm này: liên quan đến vấn đề phạm tội nhận hối lộ.

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng quan hệ hai người này mất thiệt, khi tham gia các hoạt động chung luôn như hình với bóng, "có thể nhìn thấy hoạt động của bí thư thì hầu như đều có thể nhìn thấy chủ tịch thành phố".

Đầu năm 2016, hai lãnh đạo địa phương này đều phát biểu chúc mừng năm mới, tuyên bố "nỗ lực để thành phố này tạo ra một cục diện sinh động với mọi nguồn vốn được phát huy, mọi nguồn lực tạo ra của cải xã hội được tuôn chảy".

Nhưng, đằng sau câu nói này là những tin đồn cho rằng khi có quyền lực trong tay, hai người này đã "ăn khoáng sản", "ăn bất động sản" rất kinh khủng.

Tài liệu cho hay, Đào Thục Cúc vốn là nữ cán bộ dân tộc thiểu số rất có tiền đồ, năm 1989 làm phó bí thư thành đoàn Bao Đầu thuộc Khu tự trị Nội Mông, khi đó bà ta mới 27 tuổi.

Sau đó, bà ta lần lượt giữ các chức vụ lãnh đạo ở các đô thị quan trọng thuộc Nội Mông Cổ như Bao Đầu, Xích Phong, Nhị Liên Hạo Đặc (Erlianhaote). Bà này có trải nghiệm phong phú. Do thuộc dân tộc thiểu số, đường làm quan của bà được cho là rất có triển vọng.

Trong khi đó, ông Vương Học Phong công tác lâu dài ở Ordos thuộc Nội Mông Cổ. trước khi đến Ulaanchab, Vương Học Phong từng đứng đầu Đông Thắng, một khu vực khai thác than nổi tiếng trực thuộc Ordos. Khi đó, ông đã bị cho là quan tham "ăn khoáng sản, ăn bất động sản".

Lận Kiện, chủ tịch khu Đông Thắng, Nội Mông Cổ, Trung Quốc ngã ngựa. Ảnh: ds.gov.cn
Lận Kiện, chủ tịch khu Đông Thắng, Nội Mông Cổ, Trung Quốc ngã ngựa. Ảnh: ds.gov.cn

Điều đáng chú ý là, Đông Thắng là khu vực bị khoang vùng lớn nhất trong chống tham nhũng của Nội Mông Cổ, Lận Kiện – chủ tịch khu Đông Thắng và Viên Chí Cương - phó bí thư khu ủy Đông Thắng đã lần lượt ngã ngựa.

Từ khi Trung Quốc khởi động cuộc chiến chống tham nhũng đợt này, đã có nhiều "cặp" bí thư - chủ tịch thành phố làm việc cùng nhau và cùng bị sa lưới như Vương Mẫn và Dương Lỗ Dự ở Tế Nam (tỉnh Sơn Đông), Dương Vệ Trạch và Quý Kiến Nghiệp ở Nam Kinh (tỉnh Giang Tô), Cái Như Ngần và Hàn Học Kiện ở Đại Khánh (tỉnh Hắc Long Giang), Cốc Xuân Lập và Vương Dương ở An Sơn (tỉnh Liêu Ninh).

Điều có ý nghĩa là, những "cặp đôi" này có quan hệ rất tế nhị, có đấu tranh nội bộ, có người nhìn thấy người ta ngã ngựa thì vẫn dương dương tự đắc.

Trên thực tế, bất kể là cùng tham nhũng hay mỗi người tham riêng thì đều thể hiện sự suy yếu của chức năng ê kíp (ban lãnh đạo) - ý nói thiếu sức mạnh tập thể.

So với các tỉnh có nhiều quan chức cấp cao ngã ngựa như Sơn Tây, Liêu Ninh, Quảng Đông, dư luận quốc tế không mấy quan tâm đến việc chống tham nhũng và làm trong sạch ở Nội Mông Cổ.

Tân bí thư đảng ủy Khu tự trị Nội Mông Cổ, ông Lý Kỷ Hằng mới lên được nửa tháng, khu tự trị đã xét xử cả Hà Vĩnh Lâm - bí thư thành ủy Bayan Nur và Vương Học Phong - bí thư thành ủy Ulaanchab, mức độ lớn như vậy lập tức đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Lý Kỷ Hằng, tân bí thư đảng ủy Khu tự trị Nội Mông Cổ, Trung Quốc. Ảnh: báo Phượng Hoàng.
Lý Kỷ Hằng, tân bí thư đảng ủy Khu tự trị Nội Mông Cổ, Trung Quốc. Ảnh: báo Phượng Hoàng.

Dư luận đã rất quen với công tác chống tham nhũng của Lý Kỷ Hằng ở tỉnh Vân Nam, vì vậy đã thể hiện sự kỳ vọng hơn vào việc ông này nắm quyền ở Nội Mông Cổ.

Số liệu công khai cho thấy, cuộc chiến chống tham nhũng ở Nội Mông Cổ đã được tiến hành liên tục. Năm 2014, khu tự trị này đã xử lý 39 cán bộ cấp địa khu, sở. Năm 2015, các cơ quan kiểm tra kỷ luật của khu tự trị này cùng lập 5.142 hồ sơ vụ án, xử lý 5.307 người.

Ngoài ra, cấp 1 của khu tự trị này có các cán bộ cấp sở như Vương Tố Nghị, Phan Dật Dương, Triệu Lê Bình, Hàn Chí Nhiên bị xét xử.

Ông Vương Học Phong - bí thư thành ủy Ulaanchab bị bắt đánh dấu 4 quan chức cấp cao của thành phố này đã ngã ngựa.