Tờ Đại kỷ nguyên phiên bản tiếng Trung tại Mỹ dẫn tờ Thời báo Học tập của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng đang có cuộc "đấu tranh quyết liệt giữa các lực lượng chính trị khác nhau".
Theo bài viết, từ đầu năm đến nay nhất là thời gian gần đây diễn ra một đợt thanh lọc lớn liên quan đến người có quan hệ với ông Giang Trạch Dân. Bài viết ám chỉ nguyên nhân nhà lãnh đạo Tập Cận Bình thanh lọc những người thuộc ảnh hưởng của thế hệ lãnh đạo cũ.
Chuyên gia nổi tiếng Mỹ là Ross Trier đã chủ biên cuốn sách "Tập Cận Bình phục hưng Trung Quốc: Sứ mệnh lịch sử và chiến lược nước lớn". Bài viết giải thích nguyên nhân ông Tập Cận Bình phải kiểm soát Đảng Cộng Sản Trung Quốc một cách toàn diện và nghiêm khắc.
Bài viết trước tiên đề cập đến vụ việc luận tội nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff xảy ra vào tháng 4/2016. Ngày 17/4, Hạ viện Brazil tiến hành bỏ phiếu về khả năng luận tội Tổng thống Dilma Rousseff.
Ở ngoài tòa nhà Quốc hội, những người dân ủng hộ và phản đối bà Dilma Rousseff đều tiến hành biểu tình. Từ đó có thể nhìn thấy bóng dáng của "cuộc đấu quyết liệt" giữa các lực lượng chính trị khác nhau cũng như những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc đấu này.
Việc luận tội đối với Tổng thống Brazil Dilma Rousseff là vụ việc xảy ra lần đầu tiên ở Brazil trong 25 năm qua. Bà Dilma Rousseff tuyên bố việc luận tội là một loại "lừa dối và đảo chính".
Bài viết cho rằng khi lên nhậm chức, ông Tập Cận Bình công khai tuyên bố trong tình hình mới Trung Quốc đối mặt với rất nhiều thách thức nghiêm trọng, trong Đảng tồn tại rất nhiều vấn đề cần cấp bách giải quyết.
Ông Tập yêu cầu ra sức giải quyết các vấn đề như tham ô, tham nhũng, thoát ly quần chúng, chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan liêu.
Tập Cận Bình nhấn mạnh đến "kỷ luật", một mặt muốn lập ra quy củ để đưa quyền lực vào sự quản lý của chế độ, để quan chức không thể tham nhũng, mặt khác dám làm mạnh tay trong việc chống tham nhũng và thúc đẩy sự trong sạch, thông qua chống tham nhũng quyết liệt, để quan chức không dám tham nhũng.
Hiện nay, vấn đề đối mặt chính của Trung Quốc đã chuyển đổi thành đấu đá lợi ích giữa các nhóm lợi ích khác nhau đang dần dần hình thành trong cải cách.
Cải cách trong tương lai sẽ không thể tránh được đụng chạm đến các quan hệ xã hội ở tầng sâu và việc điều chỉnh cục diện lợi ích đã có, lực cản cũng sẽ ngày càng lớn.
Từ khi lên cầm quyền đến nay, ông Tập Cận Bình đã triển khai cuộc chiến chống tham nhũng "đả hổ" và thúc đẩy các cải cách, luôn đụng phải sự chống đối mạnh mẽ của nhóm lợi ích thuộc ảnh hưởng của ông Giang Trạch Dân.
Bài báo đề cập đến vấn đề cuộc chiến chống tham nhũng là một cuộc chiến gay go, quyết liệt. Thế lực tham nhũng có thể liên kết, có mưu đồ chính trị, thậm chí có thể âm mưu "đảo chính".
Gần đây, quyền Bí thư thành ủy Thiên Tân, ông Hoàng Hưng Quốc đã bị ngã ngựa, làm chấn động chính trường Trung Quốc. Hơn nữa, gần đây, nhà cầm quyền Trung Quốc tập trung điều chỉnh nhân sự cấp cao các tỉnh, những người liên quan đến ông Giang Trạch Dân liên tục bị ngã ngựa.
Cuối tháng 8/2016, ông Tập Cận Bình khởi động toàn diện hoạt động thanh tra đối với 31 tỉnh thành và cơ quan liên quan của Quốc vụ viện. Liên hệ với việc gần đây nhiều tỉnh của Trung Quốc thay đổi nhân sự, tờ Đại kỷ nguyên cho rằng ông Tập Cận Bình thi hành chính sách không thuận lợi, do đó, đã liên tục tấn công vào nhóm lợi ích liên quan ông Giang Trạch Dân.
Bài báo cho rằng, trong thời kỳ cầm quyền, các thân tín của ông Giang Trạch Dân đã nắm chắc chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực như viễn thông, dầu mỏ, tài chính, giải trí.
Sau khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình một mặt ra sức chống tham nhũng, một mặt tiến hành cải cách toàn diện, động chạm đến lợi ích cốt lõi của nhóm lợi ích liên quan ông Giang Trạch Dân, do đó lực cản rất lớn. Cuộc chiến "đã hổ" đã được ông Tập Cận Bình đẩy mạnh và khiến cho các con "hổ lớn" liên tiếp bị sa lưới.