|
Ngày 30/6, Cảng Sài Gòn (CSG) sẽ tiến hành đấu giá IPO. Điểm hấp dẫn nhà đầu tư nhất của CSG chính là quỹ đất lớn và có vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố. Tuy nhiên, triển vọng hoạt động kinh doanh chính của CSG – một trong những thương cảng tổng hợp loại I có quy mô lớn nhất trong hệ thống cảng biển Việt Nam - có thực sự tích cực?
Các cảng hiện tại vị trí không đắc địa, sản lượng hàng hóa qua cảng chiếm thị phần khiêm tốn
CSG sở hữu 4 cảng: Cảng Nhà Rồng Khánh Hội (Quận 4), Cảng Tân Thuận, Cảng Tân Thuận 2 (Quận 7) và chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó, Cảng Nhà Rồng Khánh Hội chiếm 50% cơ sở vật chất khai thác của CSG, đóng góp khoảng 50% doanh thu, lợi nhuận hàng năm. Cảng Tân Thuận và Chi nhánh Bà Rịa Vũng Tàu đóng góp khoảng 25% sản lượng hàng hóa CSG.
Bản đồ một số khu vực cảng tại Tp Hồ Chí Minh
Nguồn: Google Map
Trong cơ cấu hàng hóa qua CSG, hàng rời chiếm trên 50% sản lượng hàng hóa qua cảng, còn lại là hàng container. Biên lợi nhuận hàng rời thấp hơn hàng container. Tuy nhiên, hàng container qua CSG chủ yếu là container nội, có suất sinh lời không cao bằng hàng container ngoại.
Nguyên nhân khiến hàng hóa qua CSG không phải là các mặt hàng có mang lại lợi nhuận cao một phần bởi vì vị trí hai cảng Nhà Rồng – Khánh Hội và Tân Thuận không thực sự lý tưởng so với các khu vực cảng khác tại Tp HCM. Xu hướng của các hãng tàu là dịch chuyển hàng hóa về khu vực hạ lưu sông Sài Gòn và Cát Lái do thuận tiện giao thông và công tác hậu cần sau cảng tốt (trong đó có cảng VICT, Tân Cảng Cát Lái).
Cần lưu ý thêm là Tân Cảng Cát Lái chiếm 80% thị phần sản lượng container xuất nhập khẩu thông qua khu vực Tp HCM, dẫn đầu cả nước về sản lượng container xuất nhập khẩu và đứng trong top 34 cảng container hiện đại và có sản lượng qua cảng lớn nhất thế giới
Nguồn: Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn
Vấn đề trong tương lai của CSG chính là việc hoạt động kinh doanh chính của CSG sẽ vấp phải nhiều khó khăn do bên cạnh vị trí cảng không thực sự đắc địa. Hiện tại, các cảng như Tân Thuận, Tân Thuận 2, Bà Rịa Vũng Tàu đã hoạt động tối đa công suất và không còn dư địa để tăng trưởng.
Theo quy hoạch của thành phố về việc dịch chuyển các cảng ra khỏi nội thành, Cảng Nhà Rồng Khánh Hội sẽ buộc phải di dời về khu vực Hiệp Phước. Do đó, Cảng Nhà Rồng Khánh Hội chỉ hoạt động đến hết nửa đầu năm 2016. Tại khu vực Hiệp Phước, CSG cũng đang trong quá trình xây dựng cảng mới, chưa thể đi ngay vào hoạt động.
Do đó, trong ngắn hạn, vấn đề sản lượng và doanh thu của CSG cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Các cảng liên doanh của CSG hoạt động chưa thực sự hiệu quả
Bên cạnh sở hữu 4 cảng lớn, CSG còn sở hữu cổ phần tại một số cảng nằm trong khu vực cảng Cái Mép Thị Vải, đó là Cảng CMIT (15%), Cảng SSIT (34%) và Cảng SP-PSA (47%). Tuy nhiên tại khu vực này, các cảng lâm vào trình trạng dư thừa công suất. Công suất thiết kế toàn khu vực khoảng trên 7 triệu TEU/năm trong khi sản lượng container thực tế mỗi năm chỉ trên 1 triệu TEU.
Do đó, áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cảng khu vực Cái Mép Thị Vải diễn ra vô cùng gay gắt. Ngay cả trong khu vực Cái Mép Thị Vải, phần lớn hàng hóa cũng chỉ đi qua Tân Cảng Cái Mép, khiến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp còn lại trở nên khốc liệt hơn. Hầu hết các doanh nghiệp ở trong tình trạng thua lỗ kéo dài khi giá vốn cao hơn doanh thu.
Sản lượng hàng hóa qua khu vực Cái Mép – Thị Vải năm 2013
Nguồn: Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA)
Như vậy, nhìn chung các cảng liên doanh của CSG cũng không đóp góp được sản lượng, cải thiện doanh thu lợi nhuận cho CSG.
Những khó khăn của Cảng mới tại khu vực Hiệp Phước
Theo quy hoạch của thành phố về việc di dời cảng ra nội thành, Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội sẽ được di dời đến khu vực cảng Hiệp Phước. Khu vực này có vị trí chiến lược khi nằm giữa vùng phía nam của thành phố và Biển Đông, kết nối với đường vành đại và hàng loạt các khu công nghiệp.
Do đó, đây sẽ là khu vực tập trung hàng hóa của Đồng bằng Sông Cửu Long và các KCN phía Nam Tp Hồ Chí Minh. Khu cảng Hiệp Phước có thể tận dụng lợi thế của luồng Soài Rạp thay cho luồng Lòng Tàu trước đây, có khả năng tiết kiệm đến 2h tàu và một nửa chi phí hoa tiêu, nhiên liệu. Như vậy, nếu di dời cảng đến khu vực này, về dài hạn CSG sẽ được hưởng lợi nhờ vị trí thuận lợi cho trung chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, Cảng Sài Gòn Hiệp Phước đến cuối năm 2016 mới cơ bản hoàn thành. Thêm vào đó, hiện tại trong khu vực cảng Hiệp Phước, có hai cảng đang hoạt động khá hiệu quả , có kinh nghiệm điều hành cảng container và có uy tín trên thị trường là Cảng Container Quốc tế Việt Nam (SPCT) và Tân Cảng Hiệp Phước (dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 2 trong tháng 6/2015).Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước chưa xây dựng, ra đời sau sẽ ít ưu thế hơn hai cảng còn lại.
Như vậy, CSG – nếu nhìn vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là cảng biển – trong các năm tới, khó có nhiều yếu tố hấp dẫn khi mất đi cảng Khánh Hội Nhà Rồng, các cảng còn lại không còn dư địa tăng trưởng. Trong khi đó, các cảng liên doanh của CSG vẫn phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn tại khu vực Cái Mép Thị Vải, khó có khả năng sinh lời và cảng mớ tại Hiệp Phước đang trong quá trình xây dựng dở dang, mặc dù có vị trí đắc địa nhưng khó mang lại tăng trưởng kinh doanh của CSG trong một vài năm tới.
Theo Trí thức trẻ