Cơ cấu cổ đông của Cảng Sài Gòn (CSG) dự kiến Nhà nước nắm giữ 64%, người lao động và công đoàn gần 3%, nhà đầu tư chiến lược 16,51% và bán ra bên ngoài 16,51% tức 35,7 triệu cổ phiếu.
Đầu tư theo kinh doanh cốt lõi: đắt
Theo bản công bố thông tin dành cho công chúng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2014 của CSG có 61 tỉ đồng. Mức này đã gấp đôi năm trước đó. Tính ra EPS 282 đồng/cổ phiếu và với giá khởi điểm, chỉ số P/E lên tới 41 lần, trong khi các công ty kinh doanh, khai thác cảng cùng ngành nghề đang niêm yết có P/E khoảng 10-12 lần, thấp hơn đáng kể.
Đã thế CSG cũng không hứa hẹn một kết quả kinh doanh đột biến sau cổ phần hóa, không kỳ vọng mức cổ tức trả hàng năm cao. Thành ra những nhà đầu tư dài hạn khó mà theo đợt IPO này nếu chỉ đơn thuần nhìn vào mức lợi tức tiền mặt họ có thể có được mỗi năm.
Hãy xem kế hoạch kinh doanh được đưa ra đối với các cảng là hoạt động chính. Theo bản công bố thông tin (trang 84-85), năm 2015 với cảng Nhà Rồng - Khánh Hội sản lượng hàng rời, hàng container tăng từ 1-3%, giá dịch vụ tăng 1-3%. Lượng hàng qua cảng Tân Thuận dự kiến năm năm tới không tăng do đã chạy hết công suất, giá dịch vụ tăng 2%/năm. Tân Thuận 2 là cảng duy nhất có sản lượng hàng tăng 10%/năm, nhưng giá dịch vụ lại không thay đổi. Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng cũng trong tình trạng tương tự. Ngoài kinh doanh cảng, các dịch vụ khác như cơ sở hạ tầng, bất động sản, vận tải, xây dựng công trình... nhìn chung doanh thu thấp. Chưa kể, từ năm 2017 doanh thu dịch vụ cảng sẽ sụt giảm nghiêm trọng do di dời.
Trong khi đó, chi phí tài chính (trang 87), sẽ tăng đều từng năm, khoảng 10-20%/năm và đạt 206 tỉ đồng năm 2020 từ mức 121 tỉ đồng năm 2015. Trang 89 cho thấy dự phòng đầu tư tài chính dài hạn phải trích lập tăng rất mạnh từ năm sau cho các khoản đầu tư vào các công ty con, liên doanh, liên kết. Có những đơn vị đến tận năm 2020 lợi nhuận dự kiến vẫn còn âm hàng trăm tỉ đồng/năm.
Cũng cần lưu ý ý kiến của kiểm toán trong báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2014 của CSG, nêu rõ: “Khoản đầu tư vào hai liên doanh là Công ty Dịch vụ Container Quốc tế SSA và Công ty Cảng Quốc tế SP-PSA chưa thực hiện hợp nhất theo phương pháp vốn chủ. Nếu thực hiện hợp nhất và tính theo tỷ lệ sở hữu của CSG tại liên doanh, thì kết quả lợi nhuận sau thuế trên báo cáo kết quả kinh doanh năm 2014 lỗ thêm 154 tỉ đồng”. Điều đó có nghĩa lợi nhuận năm ngoái của CSG có thể đã âm nếu tính hợp nhất với hai liên doanh kể trên.
Dấu hỏi đất
Sức hấp dẫn của CSG nằm ở đất. Nhưng giống như vấn đề định giá đất đai đã tồn tại vướng mắc hàng chục năm qua trong tiến trình cổ phần hóa, người ta không biết số phận đất của CSG sẽ như thế nào.
Đã có thời, cơ chế xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa áp dụng đối với đất đai là tính theo giá thị trường. Lập tức giá trị doanh nghiệp các công ty được mang ra đấu giá tăng vọt, giá khởi điểm trên trời, và đương nhiên là không ai mua. Sau này thay đổi, chỉ đưa vào giá trị doanh nghiệp giá trị quyền sử dụng đất. Giá trị quyền sử dụng đất lại phụ thuộc nhiều vào cách thức được giao đất hay thuê đất, mà thuê thì trong thời hạn bao lâu, có được chuyển đổi mục đích sử dụng đất không...
Theo bản công bố thông tin (trang 25), CSG có diện tích đất đang sử dụng 183 héc ta, trong đó 55,8 héc ta là thuê, còn lại được giao. Giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp là 246,5 tỉ đồng. Đất thuê chủ yếu nằm ở quận 1, quận 4, quận 7 với thời gian thuê ngắn hạn hoặc đến hết năm 2020. Một số diện tích nhỏ văn phòng có thời hạn thuê đến năm 2046.
Đất thuê trên danh nghĩa là đất của Nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân. Được thuê ngắn hạn thì thời gian thường 3-5 năm hoặc từng năm một. Khi còn là doanh nghiệp nhà nước, việc kéo dài thời gian thuê đất đối với CSG không thành vấn đề. Nhưng khi đã chuyển thành công ty cổ phần, thuê đất giá nào, thời hạn nào là chuyện khác. Việc Nhà nước có thể không cho thuê tiếp, thu hồi, hay cho thuê nhưng không được chuyển đổi chức năng sử dụng, hoàn toàn có thể xảy ra. Đất vì thế, vừa là “miếng mồi” vừa là “cái bẫy” đối với nhà đầu tư, phụ thuộc vào “ông chủ” Nhà nước!
Trang 26 nêu rõ “giá trị quyền sử dụng đất mới nhận giao phải nộp ngân sách nhà nước: không có”. Tổng giá trị thực tế doanh nghiệp của CSG được xác định 3.955 tỉ đồng (tăng 1.142 tỉ đồng so với giá trị sổ sách); nợ thực tế phải trả 1.792 tỉ đồng. Giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn 2.163 tỉ đồng, đúng bằng vốn điều lệ.
Một số tổ chức lớn đã đăng ký mua tổng cộng hơn 100% vốn cổ phần của CSG. Đăng ký có lẽ chỉ là đăng ký để minh chứng cho sự thành công đã có thể nhìn thấy trước của đợt IPO. Chứ phần nhà đầu tư có thể mua tối đa chỉ là 16,51% bán ra ngoài. Có chăng là một tỷ lệ bằng ấy nữa sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược sau khi IPO xong. Khi Nhà nước vẫn còn nắm giữ 64% cổ phần của CSG, khó mà dự đoán một sự thay đổi căn bản trong hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp.
Theo TBKTSG