Theo tờ trình của Chính phủ về định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tăng khoảng 7-8%/năm.
Đánh giá về mức tăng này, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải cho rằng, đề xuất tăng mức lương cơ sở 7% (đạt mức 1.300.000 đồng/tháng) là hợp lý, đề nghị Chính phủ cân nhắc bố trí nguồn để thực hiện đề án cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, ông Hải cho biết thêm, cũng có ý kiến cho rằng, giai đoạn 2011-2015, chưa thực hiện được lộ trình cải cách tiền lương đã đưa ra, do vậy, đề nghị giai đoạn 2016 - 2020, cần tăng mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công lên 10-12%/năm, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương.
Ngoài ra, Ủy ban TCNS cũng góp ý Chính phủ cần lưu ý tăng cường công tác quản lý và chú trọng đến sự an toàn và hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần đưa chỉ tiêu này thành mục tiêu thực hiện, không mang tính chất định hướng, gắn với yêu cầu kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp lại bộ máy, đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trước đó, đầu tháng 8/2016, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương năm 2017 để trình Chính phủ với mức đề xuất tăng chỉ 7,3%, tức 213.000 đồng.
Với mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 so với lương tối thiểu vùng năm trước như sau: Vùng 1 tăng thêm 250.000 đồng, tức tăng 7,1%; Vùng 2 tăng 220.000 đồng, tăng 7,1%; Vùng 3 tăng 200.000 đồng, tăng 7,4%; và Vùng 4 tăng 180.000 đồng, tăng 7,5%.
Tính bình quân chung 4 vùng, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 được Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất là 213.000 đồng, tức tăng 7,3% so với năm 2016. Kết quả bỏ phiếu 13/14 đồng ý (1 thành viên vắng), bằng 92,85%.