Cận cảnh nợ vay của các đại gia địa ốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại ngày 31/12/2022, tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính của 20 doanh nghiệp bất động sản lớn niêm yết đạt hơn 159.000 tỉ đồng. Trong đó, nợ vay trái phiếu chiếm gần một nửa, ở mức 78.200 tỉ đồng.

Báo cáo nhà ở và thị trường bất động sản quý 4/2022 và cả năm 2022 của Bộ Xây dựng cho biết, tính đến hết năm 2022, tổng dư nợ vay bất động sản toàn nền kinh tế đạt hơn 1,2 triệu tỉ đồng.

Trong đó, nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp địa ốc là khoảng 800.000 tỉ đồng, dư nợ trái phiếu là khoảng 419.000 tỉ đồng.

Thống kê từ 20 doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy, tại ngày 31/12/2022, tổng vay nợ tài chính của nhóm này đạt hơn 159.000 tỉ đồng, tăng 22,2% so với đầu năm.

Trong đó, nợ vay trái phiếu chiếm gần một nửa, ở mức 78.200 tỉ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Nợ vay ngắn hạn tăng tới 61,2% lên 59.984,4 tỉ đồng; nợ vay dài hạn tăng 6,6% lên 99.094,4 tỉ đồng.

Tính đến cuối năm 2022, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – Mã CK: NVL) là doanh nghiệp có số dư nợ vay tài chính lớn nhất với 64.576,8 tỉ đồng, tăng hơn 4.000 tỉ đồng so với đầu năm.

Phần vay nợ tăng thêm của Novaland chủ yếu đến từ nợ vay trái phiếu, với số dư tăng thêm 7.279,6 tỉ đồng so với đầu năm lên 44.170 tỉ đồng. Vay bên thứ ba của doanh nghiệp này tăng 2.792,5 tỉ đồng, trong khi giá trị vay nợ ngân hàng giảm 5.928,3 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Novaland tương đối cao, ở mức 1,43 lần. Số dư nợ vay của Novaland cũng chiếm tới 25% tổng nguồn vốn của công ty.

Một ông lớn bất động sản khác là CTCP Vinhomes (Mã CK: VHM) ghi nhận tổng nợ vay tăng mạnh trong năm 2022, lên tới 81,6%, từ 19.918,8 tỉ đồng lên 36.177,1 tỉ đồng.

Tuy nhiên, cơ cấu nợ vay của Vinhomes có sự khác biệt khi quy mô nợ vay trái phiếu giảm nhẹ từ mức 10.290 tỉ đồng xuống 9.809 tỉ đồng. Bên cạnh đó, công ty này đã tất toán toàn bộ số nợ từ các bên liên quan (bao gồm cả dư nợ cũ và phát sinh trong kỳ).

Ở chiều ngược lại, vay nợ ngân hàng của Vinhomes tăng mạnh gấp 19,7 lần so với đầu năm, lên mức 17.593 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty còn tăng cường vay nợ từ các đối tác với số dư tại ngày 31/12/2022 đạt 8.775 tỉ đồng, tăng 13,7% so với đầu năm.

Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Vinhomes là 0,24 lần. Số dư nợ vay chiếm 10% tổng nguồn vốn của công ty.

CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã CK: KDH) là một trong những doanh nghiệp ghi nhận số dư nợ vay tăng mạnh nhất trong năm 2022, gấp 2,65 lần so với đầu năm lên 6.771 tỉ đồng.

Trong đó, tổng vay nợ ngân hàng được KDH ghi nhận tại ngày 31/12/2022 là 5.612,5 tỉ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với đầu năm; số dư nợ vay trái phiếu tăng gấp 2,2 lần lên 1.100 tỉ đồng.

Đáng chú ý, toàn bộ 1.100 tỉ đồng nợ vay trái phiếu của KDH đều không có tài sản đảm bảo, chịu lãi suất 12%/năm. Trong đó, có 300 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn vào tháng 6/2025 và 800 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn vào tháng 8/2025.

Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của KDH tại ngày 31/12/2022 là 0,57 lần; số dư nợ vay chiếm 31,3% tổng nguồn vốn.

SSH cũng ghi nhận số dư nợ vay tăng mạnh trong năm 2022, với mức tăng hơn gấp đôi từ 3.989,4 tỉ đồng lên 8.346,1 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ vay trái phiếu tăng 93,1% lên hơn 7.700 tỉ đồng.

Ngoài các ông lớn nêu trên, phần đa các doanh nghiệp địa ốc khác đều ghi nhận vay nợ tăng trong năm 2022, kể đến như: CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã CK: DXG) tăng 28,8% lên 5.771,4 tỉ đồng; CTCP Nam Long (Mã CK: NLG) tăng 43,5% lên 5.179,3 tỉ đồng; CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã CK: PDR) tăng 29,5% lên 4.439,9 tỉ đồng; CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (Mã CK: VPI) tăng 25,8% lên 3.966,3 tỉ đồng.

Ở chiều ngược lại, những doanh nghiệp ghi nhận vay nợ giảm trong năm 2022 gồm: CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã CK: HDG) giảm 16,9% xuống 6.123,2 tỉ đồng; Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (Mã CK: DIG) giảm 21,6% xuống 3.845,1 tỉ đồng; CTCP Đầu tư LDG (Mã CK: LDG) giảm 3,7% xuống 1.222,7 tỉ đồng./.