Thống kê từ báo cáo tài chính quý 4/2022 của 20 doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy, tổng giá trị hàng tồn kho của nhóm này đã vượt mốc 290.000 tỉ đồng, tăng 4,8% so với thời điểm cuối quý 3 và tăng 31% so với cuối năm 2021.
Dẫn đầu danh sách là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – Mã CK: NVL) với lượng hàng tồn kho lên tới 134.484,8 tỉ đồng, tăng 24.327,9 tỉ đồng (+22%) so với đầu năm và chiếm 52% tổng tài sản.
Trong đó, Novaland ghi nhận 122.558,7 tỉ đồng tồn kho là bất động sản để bán đang xây dựng (chủ yếu bao gồm các khoản chi phí tiền sử dụng đất, tư vấn thiết kế, xây dựng và chi phí khác), 11.806,7 tỉ đồng là bất động sản để bán đã xây dựng hoàn thành và 104,7 tỉ đồng là hàng hóa bất động sản.
Tại ngày 31/12/2022, giá trị hàng tồn kho của Novaland được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay là 57.674,9 tỉ đồng, tăng 65,1% so với cuối năm 2021.
Đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách này là CTCP Vinhomes (Mã CK: VHM) với giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm 2022 đạt hơn 65.800 tỉ đồng, tăng 130% so với cuối năm 2021.
Tương tự Novaland, lượng hàng tồn kho của Vinhomes chủ yếu nằm ở các dự án bất động sản dở dang với giá trị đạt 62.367,7 tỉ đồng (cao gấp 2,5 lần so với đầu năm), chủ yếu bao gồm tiền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng và phát triển dự án Vinhomes Grand Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire, Vinhomes Ocean Park 3 – The Crown và các dự án khác.
Trong khi đó, bất động sản để bán đã xây dựng hoàn thành của doanh nghiệp này là 478,8 tỉ đồng, bất động sản mua để bán là 147,8 tỉ đồng, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang là 2.186,8 tỉ đồng, còn lại là hàng tồn kho khác.
Vinhomes cho biết, giá trị hợp đồng ký mới (doanh số) trong năm 2022 đạt mức kỷ lục 128.200 tỉ đồng, tăng 62% so với năm 2021. Doanh số chưa bàn giao là 107.600 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021.
CTCP Đầu tư Nam Long (Mã CK: NLG) ghi nhận giá trị hàng tồn kho tại cuối năm 2022 ở mức 14.828,5, giảm 7,9% so với đầu năm, song vẫn chiếm tới 55% tổng tài sản.
Tồn kho của NLG chủ yếu nằm ở các dự án dở dang, bao gồm: Dự án Izumi (8.299,8 tỉ đồng), Southgate (3.516,4 tỉ đồng), Waterpoint (1.454,2 tỉ đồng), Cần Thơ (507,1 tỉ đồng), Akari (409,5 tỉ đồng), Phú Hữu (239,5 tỉ đồng), Nguyên Sơn (106,1 tỉ đồng) và một số dự án khác.
Trong khi đó, lượng hàng tồn kho được CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã CK: DXG) ghi nhận tại thời điểm 31/12/2022 là 14.238 tỉ đồng, tăng 26,7% so với cuối năm 2021 và chiếm hơn 46% tổng tài sản. Trong đó, bất động sản dở dang chiếm 83,5%, đạt hơn 11.900 tỉ đồng; bất động sản thành phẩm là 1.598,2 tỉ đồng.
CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã CK: KDH) ghi nhận hàng tồn kho tại cuối năm 2022 đạt hơn 12.440 tỉ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm cuối quý 3/2022, nhưng tăng hơn 60% so với cuối năm 2021.
Hàng tồn kho của KDH chủ yếu là bất động sản xây dựng dở dang, bao gồm: Dự án Khang Phúc - Khu Dân cư Tân Tạo (5.316 tỉ đồng), Đoàn Nguyên - Khu nhà ở Đoàn Nguyên (3.257,9 tỉ đồng), Bình Trưng - Bình Trưng Đông (1.077,9 tỉ đồng) và một số dự án khác.
Một doanh nghiệp khác có lượng hàng tồn kho trên 10.000 tỉ đồng là CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã CK: PDR).
Tại ngày 31/12/2022, hàng tồn kho của PDR đạt 12.131 tỉ đồng, chủ yếu là các dự án The EverRich 2 (3.597,8 tỉ đồng), Bình Dương Tower (2.340 tỉ đồng), Tropicana Bến Thành Long Hải (1.993,9 tỉ đồng), Phước Hải (1.518,7 tỉ đồng), The EverRich 3 (877 tỉ đồng), Trần Phú Đà Nẵng (636,4 tỉ đồng),…
Hàng tồn kho của một số doanh nghiệp bất động sản niêm yết (Đơn vị: Tỉ đồng) |
Một số doanh nghiệp bất động sản ghi nhận lượng hàng tồn kho tăng mạnh trong năm 2022 có thể kể đến như: CTCP Tập đoàn C.E.O (1.467,6 tỉ đồng, tăng 142%); Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng – DIC Corp (5.923,2 tỉ đồng, tăng 54%); CTCP Đầu tư LDG (1.205,9 tỉ đồng, tăng 15,4%); CTCP DRH Holdings (1.056,6 tỉ đồng, tăng 16,7%).
Trong khi đó, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Mã CK: AGG), CTCP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Mã CK: HQC), CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Mã CK: CRE), CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã CK: QCG) lại có hàng tồn kho giảm so với đầu năm./.