'Nút thắt' khiến doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận room tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định không thiếu room tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản, điều quan trọng là các dự án phải đủ điều kiện pháp lý để cho vay.
Hội nghị tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 8/2 (Ảnh: SBV)
Hội nghị tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 8/2 (Ảnh: SBV)

Doanh nghiệp bất động sản kêu khó

Trong cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng 8/2, các doanh nghiệp bất động sản lớn như Vingroup, Sungroup, Novaland, Hưng Thịnh Land cùng Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đưa ra 17 kiến nghị đối với ngành Ngân hàng.

Trong số những kiến nghị này, có những kiến nghị thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng, có những kiến nghị thuộc thẩm quyền của NHNN, song nhiều nhất vẫn là các vấn đề liên quan đến tín dụng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh, 2023 là năm quyết định sống còn của các doanh nghiệp bất động sản, trong đó nút thắt về dòng tiền để đảm bảo thanh khoản là vấn đề cấp thiết nhất.

“Tất cả các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đều mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua giai đoạn khó khăn. Chúng tôi không sợ lãi suất cao, chỉ cần được tiếp cận khoản vay mới”, ông Châu nói.

Chủ tịch HoREA cũng cho rằng, việc nhảy nhóm nợ khiến các doanh nghiệp bất động sản không thể vay được tín dụng. Do đó, nếu ngân hàng nới lỏng đối với nợ nhóm 2-3 mà dự án có khả thi thì nên giải ngân cho doanh nghiệp.

Ông Lê Trọng Khương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land kiến nghị NHNN xem xét nới lỏng room cho vay.

“Nới room để doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư, phát triển dự án. Bởi trong bối cảnh hiện nay, các trái chủ đang rất lo ngại liệu doanh nghiệp có tồn tại được hay không, có bán được sản phẩm không?”, ông Khương chia sẻ.

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes, cho biết vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay là mục đích vay vốn.

Theo ông Hoa, khi triển khai các dự án bất động sản, mỗi dự án có nhiều chi phí phát sinh, nhưng không phải khoản nào cũng được ngân hàng chấp nhận giải ngân.

"Trước đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thuận lợi, các doanh nghiệp thường sử dụng nguồn vốn huy động này để giải quyết chi phí ban đầu. Nhưng nay thị trường trái phiếu khó khăn, nên mong muốn ngân hàng xem xét giải ngân chi phí ban đầu", lãnh đạo Vinhomes nói.

Ngân hàng nói không thiếu "room" tín dụng

Trước những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp bất động sản, đại diện các ngân hàng đều khẳng định sẽ dành nguồn vốn lớn để cho vay trong lĩnh vực này, tuy nhiên sẽ tập trung cho vay các dự án có tính pháp lý rõ ràng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết tính đến ngày 31/12/2022, dư nợ bất động sản tại Vietcombank chiếm trên 20%. Tăng trưởng tín dụng bất động sản khoảng 17%. Điều này cho thấy Vietcombank vẫn luôn đáp ứng đủ "room" tín dụng cho bất động sản và đây là lĩnh vực không bị hạn chế.

Theo ông Tùng, nguồn tài trợ tín dụng trung và dài hạn của doanh nghiệp bất động sản trước đây đến từ ngân hàng và phát hành trái phiếu. Tuy nhiên thời gian qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn.

"Nếu bây giờ ngân hàng dồn cho vay dài hạn thì chắc chắn sẽ rất khó, nên chúng tôi kiến nghị Chính phủ hỗ trợ làm thế nào để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, an toàn, hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển trong thời gian tới", ông Tùng nói.

Về đề xuất bỏ giấy phép xây dựng khi giải ngân của HoREA, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV, cho rằng đây là quy định của nhà nước. Khi giải ngân bắt buộc phải có giấy phép xây dựng, còn trước đó thì có thể không cần.

“Ngân hàng cho vay cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật, nếu những vướng mắc từ các thủ tục đầu tư, ngân hàng không thể cấp vốn. Khi vướng mắc thủ tục ở đâu thì các doanh nghiệp nên kiến nghị ở các cơ quan liên quan cho phù hợp”, ông Lâm nhấn mạnh.

Về ý kiến của doanh nghiệp đối với chi phí đền bù, lãnh đạo BIDV cho rằng việc này tuỳ thuộc "khẩu vị" của từng ngân hàng. BIDV sẵn sàng ngồi với doanh nghiệp để xem xét tháo gỡ.

Về kiến nghị cần xem xét có room tín dụng riêng cho bất động sản, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định không có quy định room tín dụng riêng cho lĩnh vực ngành nghề, chỉ có room tín dụng chung hay hạn mức tín dụng đặt ra để phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, ông Tú cũng cho biết sẽ không có chuyện thiếu room tín dụng vào thời điểm đầu năm, doanh nhiệp không cần kiến nghị sớm.

“Việc thiếu room tín dụng, nếu có, thường rơi vào thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp nói không vay được vốn tín dụng vì thiếu room tín dụng là không đúng”, ông Tú nhấn mạnh.

Trong năm 2023, đại diện các ngân hàng cho biết sẽ dành khoảng 20% nguồn vốn của mình để cho vay bất động sản. Những doanh nghiệp phát triển các dự án khu đô thị, đất ở, nhà ở để bán có uy tín, tình hình tài chính minh bạch, phương án kinh doanh rõ ràng hoàn toàn có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý.

Bên cạnh đó, các ngân hàng lớn cũng đồng thuận giảm lãi suất huy động từ 9,5% về khoảng 8,5%, qua đó, ngân hàng sẽ giảm được lãi suất cho vay bất động sản, giảm bớt sự khó khăn cho các doanh nghiệp.

NHNN nói gì?

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, việc NHNN kiểm soát rủi ro đối với lĩnh vực bất động sản và chứng khoán không chỉ là vấn đề rủi ro tín dụng thuần túy.

"Việc kiểm soát rủi ro ở đây có nghĩa là kiểm soát rủi ro kỳ hạn. Mong các doanh nghiệp bất động sản hiểu tại sao ngân hàng phải kiểm soát rủi ro, là vì rủi ro chênh lệch kỳ hạn", Thống đốc nói.

Bên cạnh đó, bà Hồng cũng khẳng định NHNN chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu thắt chặt tín dụng bất động sản, việc này tùy thuộc vào các ngân hàng.

Thống đốc chỉ đạo, trong thời gian tới, các ngân hàng cần ngồi lại với doanh nghiệp để tìm hiểu những khó khăn cụ thể; chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền; đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà; tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau.

Tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.

Thực hiện các giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và cá nhân, tổ chức mua, nhận chuyển nhượng bất động sản tiếp cận vốn khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định./.