Khoảng 50-60% trong số 210.000 người điều khiển phương tiện tại TPHCM và Bình Dương được phỏng vấn trả lời rằng họ vẫn điều khiển xe chạy bình thường khi sử dụng điện thoại di động. Đa phần tin vào khả năng kiểm soát tay lái. Theo thống kê, việc sử dụng điện thoại trong khi điều khiển phương tiện gây ra 6%- 8% tổng số vụ tai nạn giao thông.
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất cấm hoàn toàn hành vi sử dụng điện thoại di động cầm tay khi điều khiển phương tiện giao thông. Cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao mức phạt hành chính để tăng mức răn đe; tăng cường tuần tra xử phạt...
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, Luật Giao thông Đường bộ 2008 không cấm sử dụng điện thoại trên ôtô mà mới chỉ cấm với người đi xe máy. Tuy vậy, hành vi sử dụng điện thoại cầm tay khi điều khiển phương tiện cơ giới bị cấm trong Công ước quốc tế về Giao thông đường bộ mà Việt Nam tham gia và cam kết thực hiện.
"Qua nghiên cứu này, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ chuyển kết quả nghiên cứu tới các cơ quan có liên quan phục vụ cho việc nghiên cứu các giải pháp phù hợp, bao gồm hoàn thiện quy định pháp luật, tuyên truyền giáo dục và kiểm tra giám sát, cưỡng chế thực thi", ông Hùng nói.
Có thể nói, tính mạng con người khi tham gia giao thông mà trong đó có cả tài xế là quan trọng hàng đầu. Vì thế, cần phải có quy định rõ ràng với các tài xế để cấm sử dụng điện thoại di động khi đang lái. Tuy nhiên, vấn đề lại nảy sinh với loại hình taxi công nghệ như Uber, Grab vì trong khi đang lái xe, rất có thể các tài xế sẽ nhận được các yêu cầu của khách hàng có nhu cầu ở gần đó. Nên chăng, cần cho phép họ được nhận cuộc gọi thông qua tai nghe thay vì vừa lái vừa trực tiếp cầm điện thoại di động để tiếp nhận cuộc gọi.