Máy ảnh trên Google Pixel và Google Pixel XL được cấu tạo từ rất nhiều thành phần. Năm ngoái, Dxomark (website đánh giá camera smartphone uy tín trên thế giới) đã gọi camera Pixel và Pixel XL là "những chiếc camera smartphone tốt nhất từng được sản xuất".
Pixel XL có camera sau 12MP sử dụng cảm biến Sony IMX378, và camera trước 8MP sử dụng cảm biến S5K4H8 của Samsung và OV8856 của Omnivision. Sở dĩ Google có thể khai thác các bộ cảm biến khác nhau là do hãng này đã viết một phần mềm đặc biệt. Hóa ra, phần mềm đặc biệt đó lại là di sản của kính Google Glass.
Có một vấn đề mà Google phải giải quyết đối với Google Glass là kích thước của nó. Google muốn camera trên kính Google Glass có chất lượng ảnh tương đương như ảnh chụp bằng camera điện thoại. Nhưng cảm biến trên Google Glass nhỏ hơn so với cảm biến được sử dụng trên một chiếc điện thoại. Điều đó có nghĩa là các kỹ sư của Google đã phải tìm cách để bộ cảm biến nhỏ hơn vẫn thu đủ ánh sáng, để người dùng kính Google Glass không phải đội mũ bảo hiểm của thợ mỏ trên đầu!. Cuối cùng, một giải pháp được đưa ra, đó là Gcam.
Vì không thể thay đổi phần cứng, Google đã tập trung vào phần mềm để xử lý hình ảnh. Gcam tương tự như HDR với nhiều tấm ảnh được chụp liên tiếp và sau đó nhập lại với nhau. Tấm ảnh sau khi sáp nhập mang đến một hình ảnh tốt nhất so với từng tấm ảnh chụp riêng rẽ. HDR trên smartphone Pixel cũng vậy, nó được gọi là HDR +. Công nghệ này đang tìm cách hiện diện trong các mẫu điện thoại Android và các ứng dụng do Google sở hữu như YouTube và Google Photos.
Chiếc BlackBerry Keyone sắp có mặt trên thị trường cũng sử dụng cảm biến giống hệt smartphone Google Pixel và Pixel XL. Khi chiếc KEYone chính thức có mặt, chúng ta sẽ có dịp so sánh chất lượng ảnh chụp từ Pixel và KEYone để kết luận với cùng cảm biến thì công nghệ xử lý ảnh trên smartphone nào ưu việt hơn.
Theo 9to5Google