Cam Ranh có thêm “vòm sắt” Israel bảo vệ

VietTimes -- Theo truyền thông Việt Nam, các tổ hợp radar hiện đại của Israel ELM-2288ER được trang bị cho hai trung đoàn radar là trung đoàn 295 thuộc sư đoàn phòng không số 363 có địa bàn tác chiến chủ chốt ở Hải Phòng, trung đoàn radar 292 thuộc sư đoàn phòng không 377 đóng quân tại Cam Ranh.
Cam Ranh có thêm “vòm sắt” Israel bảo vệ

Nhiệm vụ của các đơn vị được trang bị radar Israel

Sư đoàn phòng không 363 có nhiệm vụ bảo vệ bầu trời và mặt nước quân khu 3, trọng tâm là khu vực thành phố cảng Hải Phòng. Sư đoàn phòng không 377 có nhiệm vụ bảo vệ không phận tỉnh Khánh Hòa, mục tiêu quan trọng là Quân cảng quân sự Cam Ranh, có vị trí chiến lược trên tuyến phòng thủ biển đảo và quần đảo Trường Sa.

Trong biên chế của sư đoàn phòng không 363 có các loại vũ khí chủ yếu là tên lửa SAM-2 S-75 Dvina, S-125 "Pechora", 9K31 "Strela-1", xe tên lửa phòng không tự hành 9K35 "Strela-10", xe phòng không tự hành  ZSU-23-4 "Shilka". Hầu hết các loại vũ khí trang bị đều có từ thời kỳ chống Mỹ.

Biên chế của sư đoàn phòng không 377 mạnh hơn, theo thống kê của trang mạng xã hội Nga, có thể là các tổ hợp tên lửa S-75 “Dvina”, S-125 “Pechora”, “Buk – M2”, “2K12 Kub” , “Pantsir-S1.

Do tầm quan trọng của khu vực mục tiêu cần bảo vệ cũng như không gian tác chiến rộng lớn, trong đó có quân cảng Cam Ranh và quần đảo Trường Sa, nên biên chế của sư đoàn 377 có ưu thế mạnh hơn hẳn so với các đơn vị phòng không cùng cấp khác ngoại trừ hai thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng, được trang bị S-300 PMU1.

Hướng phòng không chủ yếu của sư đoàn 363 là hướng Vịnh Bắc Bộ. Theo kinh nghiệm tác chiến trong chiến tranh đường không chống Mỹ, mũi nhọn tấn công của lực lượng không quân chiến thuật đánh vào Hải Phòng tập trung từ hướng Vịnh Bắc Bộ, bay trên không phận  ngoại vi đảo Hải Nam Trung Quốc và tấn công phong tỏa cảng Hải Phòng.

Khoảng cách từ Hải Phòng đến đảo Hải Nam là 415 km. Hải Nam là căn cứ quân sự then chốt của Hạm đội Nam Hải, lực lượng không quân của hạm đội có 2 sư đoàn không quân tiêm kích và hai trung đoàn không quân độc lập đa nhiệm, bao gồm cả máy bay ném bom và máy bay tiêm kích đa nhiệm, trong đó có Su-27, 30.

Hướng phòng không then chốt của sư đoàn 377 là hướng đảo Đá Chữ Thập. Đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa có diện tích 2,74 km2 (tính đến tháng 7/2015). Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10 anten liên lạc vệ tinh và một trạm radar. Một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa hành trình, có thể tấn công trên một không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ Mỹ) đến Ấn Độ Dương.  Khoảng cách từ quân cảng Cam Ranh đến đảo Đá Chữ Thập là 480 km.

Từ góc độ chiến dịch - chiến thuật, có thể thấy cả sư đoàn 363 và và sư đoàn 377 phòng không phải đối mặt với lực lượng không quân rất mạnh, có tầm tấn công gần và số lượng rất lớn. Theo biên chế trang bị hiện nay, các vũ khí phòng không của sư đoàn tương đối lỗi thời, ngoại trừ Buk-M2 và Pantsir-S1 trên khu vực quân cảng Cam Ranh là hiện đại nhất.

Tổ hợp radar và tên lửa Israel trong hệ thống phòng không khu vực

Trong tình huống bùng xung đột, cả hai cảng Hải Phòng và Cam Ranh đều đứng trước nguy cơ bị tiến công bởi lực lượng không quân của đối phương có số lượng các phương tiện bay rất lớn.

Để tấn công phủ đầu, đối phương sẽ xuất kích hàng trăm máy bay chiến đấu các loại, được trang bị tên lửa hành trình, bom có điều khiển, tấn công dữ dội vào hai cảng lớn của miền Bắc và miền Trung.

Đòn tập kích đường không bất ngờ có nhiệm vụ phá hủy càng nhiều càng tốt các phương tiện cơ động đường thủy, đặc biệt ở Cam Ranh. Lực lượng tấn công sẽ phóng hàng trăm tên lửa hành trình đánh vào các hạm tàu, các công trình hạ tầng cơ sở quân sự, làm tê liệt mọi hoạt động của cảng, đồng thời cùng tiến hành phong tỏa cảng biển.

Do đã lỗi thời, các tổ hợp S- 75, S-125 và các loại vũ khí phòng không khác khó có thể đánh chặn tương xứng đòn tấn công tổng lực bằng tên lửa hành trình, sau đó là bom có điều khiển, trong đó có cả các loại bom dẫn đường quán tính và định vị mục tiêu. Hầu hết các tên lửa đều được phóng từ xa trên khoảng cách hàng trăm km.

Có trong biên chế vũ khí trang bị tổ hợp radar tầm xa ELM-2288ER của Israel, các đơn vị phòng không hai cảng chiến lược kiểm soát được không phận khu vực có tầm quan sát xa và phát hiện mục tiêu ngay từ khi đối phương cất cánh.

Với tầm kiểm soát đến 480 km , ELM-2288ER có khả năng kiểm soát mọi hoạt động của không quân PLA trên đảo Hải Nam và trong không phận đảo Đá Chữ Thập.

Một điều khá thú vị là ELM-2288ER từng được quảng bá sang Nga trong việc hợp tác sản xuất các loại vũ khí, đặc biệt là vũ khí phòng không. Do đó, các kỹ sư tên lửa có thể tích hợp các loại vũ khí, từ S-125 Pechora đến Pantsir – S1 và ELM-2288ER vào hệ thống phòng không khu vực đơn nhất.

Điểm đặc biệt chú ý là các tổ hợp tên lửa kể trên, sử dụng nguồn thông tin cảnh báo sớm từ các tổ hợp radar phòng không ELM-2288ER, tiếp nhận thông tin về các hoạt động của lực lượng không quân đối phương ngay từ lúc cất cánh.

Lợi thế này giúp các đơn vị tên lửa, pháo binh tên lửa có khả năng theo dõi đối phương, đeo bám các mục tiêu và chiến đấu trong điều kiện tối ưu nhất. Khả năng phát hiện các phương tiện bay tàng hình, bay thấp cho phép các đơn vị, mặc dù với trang bị cũ hơn vẫn có thể tấn công tiêu diệt các mục tiêu trên khoảng cách tầm bắn hiệu quả.

Một yếu tố gây khó khăn  cho hoạt động phòng ngự là năng lực phòng không tầm gần. Đoàn 363 hoàn toàn không có các loại vũ khí tiêu diệt tên lửa hành trình, bom có điều khiển. Đoàn 377 có vũ khí trang bị mạnh hơn, nhưng khả năng phòng thủ chống tên lửa hành trình còn hạn chế do thiếu các phương tiện phòng không tầm thấp .

Sư đoàn 377, được trang bị Pantsir –S1 có khả năng chống tên lửa hành trình, nhưng phải thực hiện nhiệm vụ phòng không trên một không gian chiến trường rộng lớn, bao gồm cả đảo Trường Sa và bảo vệ mục tiêu then chốt – quân cảng Cam Ranh.

Để bảo vệ hiệu quả cảng Hải Phòng và quân cảng Cam Ranh chống tên lửa hành trình, hai sư đoàn phòng không  cần được trang bị các tổ hợp phòng không Spyder – SR Israel. Với các tổ hợp tên lửa mới này, các đơn vị được tăng cường thêm khả năng đánh chặn tên lửa hành trình bảo vệ mục tiêu.

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần Spyder – SR sử dụng cơ sở dữ liệu và tích hợp thông tin tham số 3 chiều thời gian thực từ hệ thống radar ELM-2288ER, có thể theo dõi mục tiêu trên không gian chiến trươngf mở rộng, xác định rõ hướng tấn công, số lượng mục tiêu và độ cao các nhóm mục tiêu. Từ đó có thể phóng đạn tiêu diệt các mục tiêu tập kích đường không với hiệu quả cao.

Tổ hợp tên lửa phòng không tầm gần Spyder - SR có khả năng tiêu diệt được các tên lửa hành trình phóng từ máy bay, bao gồm cả tên lửa hành trình có điều khiển quang điện tử, dẫn đường vệ tinh và quán tính. Có khả năng tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc theo nguyên tắc “ Bắn – Quên”.

 
Cam Ranh có thêm “vòm sắt” Israel bảo vệ ảnh 6

Tổ hợp tên lửa Spyder, tích hợp với hệ thống radar ELM-2288ER và các tổ hợp tên lửa khác có trong trang bị của sư đoàn phòng không 377 như Pantsir – S1, Buk – M2, Kub có thể tạo thành một “Vòm sắt” phòng không vững chắc trên quân cảng Cam Ranh.