Theo đó, 3 cá nhân đại diện cho nhóm cổ đông này gồm các ông bà: Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Thị Hồng Phượng.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, ông Hùng là cổ đông sáng lập và hiện giữ chức vụ Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư BĐS Hưng Thịnh Phát (Hưng Thịnh Phát). Như vậy, khả năng nhóm cổ đông mới nắm giữ 19,02% cổ phần SRC này có liên quan đến Hưng Thịnh Phát.
|
Dự án tại "đất vàng" tại số 231 Nguyễn Trãi mang lại sự hấp dẫn cho phiên đấu giá SRC. (Ảnh: Internet)
|
Kịch bản này càng có cơ sở hơn, khi cái tên Hưng Thịnh Phát cũng đã xuất hiện cùng CTCP Tập đoàn Hoành Sơn và SRC để hợp tác đầu tư dự án bất động sản (BĐS) tại số 231 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) thông qua pháp nhân dự án là Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn.
Vậy Hưng Thịnh Phát là ai? Để trả lời câu hỏi, trước tiên cũng cần phải nhìn lại vai trò của Hoành Sơn tại dự án này.
Mối lương duyên với Vinachem
Kế hoạch đầu tư xây dựng một dự án bất động sản cao cấp trên khu đất “đắc địa” 231 Nguyễn Trãi của SRC “nóng” lên từ năm 2010 khi có chủ trương di dời các nhà máy, cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô.
Trong nhiều năm, khu đất rộng hơn 6,2 ha này đã lọt vào tầm ngắm của nhiều đại gia địa ốc. Năm 2012, SRC đã trình các cổ đông phương án 2 nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ và Công ty CP Bất động sản Việt Hưng có chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, phương án này đã không có sự đồng thuận của cổ đông nội bộ, đã vấp phải sự phản đối của cổ đông lớn nhất của SRC là Vinachem (sở hữu 51%), với nhiều lý do, trong đó có lý do là khu đất chưa được định giá rõ, năng lực đối tác chưa được thẩm định, tính khả thi của liên doanh này (Việt Hưng và Phú Mỹ)…
Đến gần cuối 2015, đối tác được SRC “chọn mặt gửi vàng” để cùng triển khai dự án là CTCP Tập đoàn Hoành Sơn (Hoành Sơn). Sự lựa chọn của SRC mang đến nhiều bất ngờ cho giới đầu tư, bởi lẽ Hoành Sơn dù là một Công ty có tiềm lực tài chính nhưng còn khá ít tên tuổi tại thị trường địa ốc thủ đô.
|
Doanh nhân Phạm Hoành Sơn - ông chủ Tập đoàn Hoành Sơn - là đại gia nức tiếng khắp dải đất Bắc Trung Bộ. (Ảnh: Internet)
|
Tuy vậy, đây không phải là lần đầu tiên Hoành Sơn bắt tay cùng với một công ty con của Vinachem để cùng triển khai dự án BĐS.
Nên biết, vào năm 2015, Hoành Sơn cũng được Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina – Mã CK: CSM) – một doanh nghiệp do Vinachem sở hữu 51% lúc bấy giờ – lựa chọn để cùng thực hiện Dự án Cao ốc văn phòng số 180, Nguyễn Thị Minh Khai, TP HCM. Đây cũng cũng chính là địa chỉ trụ sở chính của Casumina.
Tuy nhiên, mối hợp tác này lại chẳng bền lâu. Tháng 7/2016, HĐQT Casumina đã thông qua việc chuyển đổi tên đối tác thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án Tòa nhà cao ốc văn phòng 108 Nguyễn Thị Minh Khai từ Hoành Sơn sang cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4.
Và để thay thế Hoành Sơn, Cienco 4 sẽ phải trả một khoản phí (có thể là khoản đặt cọc vì được phân loại vào Khoản phải thu của Cienco 4 tại Casumina) để nhận chuyển nhượng phần vốn góp của Tập đoàn Hoành Sơn. Tính đến ngày 30/6/2018, giá trị khoản phí này được Cienco4 ghi nhận là 20 tỷ đồng.
Quay trở lại câu chuyện tại Dự án 231 Nguyễn Trãi, theo cập nhập của VietTimes, sát cánh cùng Hoành Sơn và SRC lần này còn có Công ty TNHH Đầu tư BĐS Hưng Thịnh Phát (Hưng Thịnh Phát). Và để góp mặt, Hưng Thịnh Phát cũng đã phải có những hiệp đồng với Hoành Sơn về việc mua phần vốn góp tại pháp nhân dự án.
|
Đằng sau Hưng Thịnh Phát là Đông Thịnh Phát, chủ đầu tư của dự án Imperial Plaza trên khu đất 3,6ha tại vị trí đắc địa 360 Giải Phóng, Hà Nội. (Ảnh: Internet)
|
Hưng Thịnh Phát là ai?
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Hưng Thịnh Phát là một pháp nhân còn khá non trẻ trong lĩnh vực BĐS khi chỉ mới được thành lập vào tháng 9/2016. Vốn điều lệ tại thời điểm thành lập là 50 tỷ đồng, do 3 cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Văn Hùng, Trần Sỹ Hùng và Phạm Văn Thủy.
Sau nhiều lần thay đổi, hiện vốn điều lệ của Công ty đã tăng lên thành 500 tỷ đồng. Đáng chú ý, quyền sở hữu Công ty đã được chuyển giao từ các cá nhân về chung một mối là CTCP Đầu tư và Phát triển Đông Thịnh Phát (Đông Thịnh Phát).
Trong suốt giai đoạn hoạt động của Hưng Thịnh Phát, chức vụ Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty vẫn luôn được giao cho ông Nguyễn Văn Hùng.
Khác với Hưng Thịnh Phát, Đông Thịnh Phát lại là một doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc phát triển các dự án BĐS.
Đông Thịnh Phát tiền thân là CTCP Xây dựng Hạ tầng Ticom, được thành lập đầu năm 2008 bởi các cổ đông sáng lập gồm CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Tincom Group), Công ty TNHH Đầu tư OGX và hai cá nhân Lê Văn Đua và Nguyễn Nam Trung. Chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty được trao cho ông Nguyễn Văn Hùng.
Dấu ấn của Đông Thịnh Phát trên thị trường BĐS hạng sang phải kể đến dự án Imperial Plaza trên khu đất 3,6ha tại vị trí đắc địa 360 Giải Phóng, Phường Phương Liệt, Quận Thanh Xuân, Hà Nội với sự đồng hành cùng Tincom Group.
|
Khu đất 360 Giải Phóng vốn nền nhà máy cũ của Cơ khí Quang Trung.
|
Đáng chú ý, khu đất 360 Giải Phóng, một mặt giáp với Định Công – nơi đang được hình thành toàn nhà Imperial Plaza – vốn là đất của Công ty TNHH Nhà nước MTV Cơ Khí Quang Trung. Chính xác hơn, đấy là nền nhà máy cũ của Cơ khí Quang Trung trước khi được di dời về Cụm công nghiệp Quất Động, Thường Tín.
Còn Tincom Group – doanh nghiệp do ông Thang Văn Lương làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Văn Hùng là người đại diện theo pháp luật - cũng là chủ đầu tư một vài dự án BĐS khác như Tincom City Pháp Vân và Paragon Tower Phạm Hùng.
Được biết, đồng hành cùng Đông Thịnh Phát, Tincom Group, Hưng Thịnh Phát và một số doanh nghiệp khác được cho là cùng một hệ sinh thái này, trong các thương vụ mua cổ phần, đầu tư BĐS là Ngân hàng PVComBank.
Tài liệu của VietTimes cho thấy, hồ sơ của Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thị Hồng Phượng – những cá nhân liên quan đến nhóm cổ đông nắm giữ 19,02% cổ phần SRC - từng được ký xác nhận bởi ông Thang Văn Lương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tincom Group./.