Những chuyển biến bên trong Cao su Sao Vàng trước phiên bán vốn của Vinachem

VietTimes -- Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của CTCP Cao su Sao Vàng (Mã CK: SRC) ngày 27/4, có một nhóm cổ đông nắm giữ tới 19,02% vốn đã thành công trong việc đề cử người của mình nắm giữ 2/5 ghế Hội đồng Quản trị (HĐQT) và 1/3 ghế Ban Kiểm soát (BKS) tại doanh nghiệp này.
CTCP Cao su Sao Vàng (Mã CK: SRC).
(Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
CTCP Cao su Sao Vàng (Mã CK: SRC). (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Ngày 4/6 tới, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sẽ thực hiện bán đấu giá cổ phần nắm giữ tại tại CTCP Cao su Đà Nẵng (Mã CK: DRC) và CTCP Cao su Sao Vàng (Mã CK: SRC), qua đó sẽ giảm tỷ lệ sở hữu 2 doanh nghiệp này từ mức 51% xuống còn 36% vốn.

Dù có quy mô nhỏ hơn, nhưng thương vụ thoái vốn tại SRC lại được chú ý hơn cả, bởi mức giá khởi điểm đưa ra (46.452 đồng/cổ phần) cao hơn nhiều so với thị giá cổ phiếu SRC đang được giao dịch trên thị trường (khoảng 26.000 đồng/cổ phiếu).

Nhìn từ kết quả kinh doanh, cũng như thương hiệu SRC trên thị trường sản xuất lốp xe, nhiều nhà đầu tư cũng không khỏi băn khoăn liệu mức giá chào bán trên có quá cao (!?).

Đơn giản nhất, một nhà đầu tư chỉ ra, với mức thu nhập trên một cổ phần (EPS) năm 2018 là 433 đồng, cổ phiếu SRC đang được định giá ở mức P/E lên đến 107 lần.

Tuy nhiên, sẽ khó có thể lý giải giá trị của SRC nếu chỉ căn cứ đơn thuần dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh và tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp này. Theo một số chuyên gia, một trong những giá trị của SRC, nằm tại  khu đất 6,2ha tại số 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, thuộc sở hữu của doanh nghiệp này.

Nhưng câu hỏi được đặt ra, giả sử một nhà đầu tư nào đó mua trọn số cổ phần đấu giá của SRC (tương đương 15% vốn điều lệ) thì mức độ ảnh hưởng thế nào tại SRC và tại khu đất trên (!?).

Để trả lời câu hỏi này có lẽ cần phải nhìn lại cơ cấu cổ đông của SRC. Ngoài Vinachem hiện đang nắm giữ 51% SRC, được biết rằng, tại ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra ngày 27/4, có một nhóm cổ đông nắm giữ lên đến 19,02% vốn của SRC đã thành công trong việc đề cử người của mình nắm giữ 2/5 ghế Hội đồng Quản trị (HĐQT) và 1/3 ghế Ban Kiểm soát (BKS).

Những chuyển biến bên trong SRC

Theo chia sẻ của một cổ đông nắm giữ 4,6% cổ phần SRC, ngay khi tài liệu họp được gửi vào ngày 10/4 thì ngay ngày hôm sau 11/4/2019, một nhóm cổ đông nắm giữ 19,02% SRC đã gửi đơn đề cử người của mình gồm những cá nhân Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Thị Hồng Phượng vào HĐQT và BKS. Bên cạnh đó, họ cũng kiến nghị miễn nhiệm tư cách TV HĐQT đối với ông Nguyễn Công Tuấn.

Ông Tuấn vốn là đại diện của CTCP Đầu tư Cao Su Quảng Nam - một cổ đông lớn từng nắm giữ 19,88% cổ phần SRC nhưng hiện chỉ còn nắm giữ 4,99%.

Quay trở lại câu chuyện nhân sự SRC, tại ĐHĐCĐ thường niên, có 3 thành viên khác cũng có đơn từ nhiệm HĐQT và BKS, gồm Ngô Tuấn Anh, Hoàng Đức Dũng và Trần Đình Tùng. Được biết các cá nhân này đều liên quan đến cổ đông Vinachem.

Kết quả, đơn đề cử của nhóm cổ đông trên đã được ĐHĐCĐ thông qua, qua đó, nắm giữ 2/5 ghế HĐQT và 1/3 ghế BKS.

Lưu ý rằng, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 của SRC được tiến hành khi số lượng cổ đông đến tham dự đại diện cho 22.427.980 cổ phần trên tổng số 28.063.368 cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 79,9272%. Với số lượng cổ phần nắm giữ lên tới 14.313.915 cổ phần, chiếm tới 63,8% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Đại hội, kết quả bỏ phiếu tất yếu phải nhận được sự chấp thuận của Vinachem.

Được biết, ông Nguyễn Văn Hùng – người được nhóm cổ đông mới để cử TV HĐQT là giám đốc Công ty TNHH Đầu tư BĐS Hưng Thịnh Phát (Hưng Thịnh Phát). Như vậy, không ngoại trừ nhóm cổ đông nắm giữ 19,02% SRC có liên quan đến doanh nghiệp này. 

Bên cạnh câu chuyện ghế "nóng" về nhân sự, SRC cũng xuất hiện một cổ đông lớn khác bên cạnh Vinachem là Nguyễn Tiến Ngọc, nắm giữ 6,22% cổ phần SRC.

Được biết ông Ngọc đang đồng hành cùng CTCP Tập đoàn Hoành Sơn (Tập đoàn Hoành Sơn) tại CTCP Điện mặt trời Hà Tĩnh - chủ đầu tư Dự án điện mặt trời 1.500 tỷ đồng tại Hà Tĩnh. Còn Tập đoàn Hoành Sơn như đã biết là đối tác được SRC lựa chọn để cùng thực hiện dự án 231 Nguyễn Trãi. 

Theo cập nhập của VietTimes, tham gia dự án này hiện còn có Hưng Thịnh Phát.

Về chủ đầu tư dự án 231 Nguyễn Trãi 

Thực hiện chủ trương di dời các nhà máy, cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô thành phố, năm 2010, SRC đã rục rịch tìm đối tác để cùng thực hiện xây dựng một dự án BĐS cao cấp trên khu đất “đắc địa” 6,2 ha tại 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Năm 2012, SRC đã trình các cổ đông phương án 2 nhà đầu tư là CTCP Tập đoàn Phú Mỹ và CTCP bất động sản Việt Hưng có chủ trương đầu tư.

Đến năm 2016, đối tác được SRC lựa chọn Tập đoàn Hoành Sơn để cùng thực hiện dự án. Hai bên đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư số 18/2016/HĐHTĐT/SRC-HS để cùng góp vốn thực hiện dự án “Tổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng – Hoành Sơn tại 231 Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội. 

Khoản 2, Điều 8 Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị (Ban hành kèm theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ) quy định: “Trường hợp doanh nghiệp phải di dời liên doanh với nhà đầu tư khác thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng đất thì pháp nhân mới phải đảm bảo đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, đồng thời doanh nghiệp phải di dời phải có phần vốn góp không thấp hơn 26% trong vốn điều lệ của pháp nhân mới”.

Theo đó, một pháp nhân dự án đã được lập ra là Công ty Dự án là Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn với vốn điều lệ tại thời điểm lập là 100 tỷ đồng. Trong đó Hoành Sơn góp 74%, còn SRC góp 26% vốn.

Đầu năm 2017, Sao Vàng – Hoành Sơn đã tăng vốn điều lệ lên thành 500 tỷ đồng. Trong đó, SRC vẫn nắm giữ 26% (tương đương 130 tỷ đồng), còn Hoành Sơn sở hữu 44,5% (tương đương 222,95 tỷ đồng). Đáng chú ý, tham gia góp vốn vào Sao Vàng – Hoành Sơn còn có Hưng Thịnh Phát với tỷ lệ sở hữu 29,4% (tương đương 147 tỷ đồng).

Lưu ý, tỷ lệ góp vốn 26% của SRC là vừa đủ để 6,2 ha đất tại 231 Nguyễn Trãi sẽ không bị đấu giá hay thu hồi. (Đọc thêm: Nhìn lại thương vụ thoái vốn tại Vina Alliance của Vinataba (kỳ 1))

Được biết, để được tham gia Dự án 231 Nguyễn Trãi, Hưng Thịnh Phát đã có những thỏa hiệp với Hoành Sơn về việc mua bán vốn góp vào Sao Vàng – Hoành Sơn. Trong khi để có nguồn vốn đầu tư, Hưng Thịnh Phát đã ký hợp đồng tín dụng có giá trị 400 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) và dùng toàn bộ phần vốn góp tại Sao Vàng – Hoành Sơn để thế chấp cho khoản vay này.

Vậy ông chủ của Hoành Sơn và Hưng Thịnh Phát là ai?

Đón đọc...