Tại sao các nhà sản xuất giả mạo kết quả benchmark?
Bài thử benchmark luôn được coi là hệ quy chiếu chuẩn để so sánh hiệu năng trên smartphone. Mặc dù điểm số không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác cách smartphone hoạt động nhưng, phần lớn bởi sự phổ biến, người dùng thường dựa vào kết quả của bài thử này để đánh giá hiệu suất tối đa mà thiết bị có thể đạt được.
Đáng tiếc, nhiều nhà sản xuất smartphone đã lợi dụng niềm tin vào kết quả benchmark để đạt điểm cao hơn đối thủ cạnh tranh, nhằm lôi kéo người dùng bỏ tiền mua sản phẩm của họ.
Ứng dụng AnTuTu và 3DMark cài đặt sẵn khiến nhiệt độ của thiết bị Huawei tăng lên đáng kể so với khi kiểm tra bằng ứng dụng tải về từ Play Store. Nguồn: FirstPost
|
Gần đây, nhóm các nhà phân tích First Post đã hiện thử nghiệm trên nhiều mẫu điện thoại Huawei (bao gồm dòng Honor), OPPO (và mẫu smartphone của nhà sản xuất Ấn Độ - Realme) thông qua ứng dụng benchmark (AnTuTu và 3D Mark) thông thường và ứng dụng benchmark (AnTuTu và 3D Mark) được cài đặt sẵn trên máy, để tìm ra điểm số chuẩn.
Kết quả thu được cho thấy smartphone Huawei và OPPO sử dụng phương thức tối ưu hóa phần mềm benchmark được cài đặt sẵn để đạt được điểm tối ưu. Nhờ đó, điểm số trên ứng dụng benchmark có sẵn cao hơn hẳn so với kết quả do bằng ứng dụng benchmark thông thường tải về từ Google Play Store.
Qua nhiều bài thử benchmark khác nhau, Anandtech cho rằng phần lớn các nhà sản xuất smartphone đều từng gian lận để đạt điểm số cao hơn. Ảnh: Anandtech
|
Công bố của First Post là bằng chứng mới nhất cho việc các hãng sản xuất smartphone gian lận kết quả benchmark. Trước đó, trang Anandtech đã tố cáo Huawei cố tình làm giả điểm số bài thử 3DMark trên P20, thậm chí thông tin đã được chính Huawei thừa nhận. Công ty giải thích rằng hành động này thực sự không được coi là gian lận vì họ chỉ muốn hệ thống duy trì trạng thái tốt nhất trong suốt quá trình thử nghiệm nên đã thiết kế chip AI tự động chuyển sang chế độ hiệu suất cao (GPU Turbo), khi nhận biết máy đang thực thi tác vụ nặng. Tuy nhiên, máy sẽ nhanh rơi vào tình trạng quá nhiệt nên người dùng sẽ gần như không thể trải nghiệm hiệu năng siêu thực này khi sử dụng hằng ngày.
Trong lịch sử phát triển smartphone đã xảy ra không ít vụ gian lận kêt quả benchmark đã xuất hiện. Danh sách sở hữu “tiền án” từ năm 2013, bao gồm hầu hết các nhà sản xuất tên tuổi như: Samsung, LG, Asus, OnePlus... Khi những con số này là phương pháp dễ dàng nhất để người dùng có thể định lượng sức mạnh của các mẫu smartphone khác nhau thì chúng bắt đầu trở thành nỗi ám ảnh của các nhà sản xuất. Họ cố gắng đẩy hiệu năng hệ thống vượt quá giới hạn để đạt điểm số cao hơn.
Có nên tiếp tục tin vào kết quả benchmark?
Trang Gizmochina cho rằng thay vì quan tâm quá nhiều đến điểm số cụ thể, người dùng nên hiểu điểm số này theo cách chính xác. Ví dụ: Một mẫu smartphone đạt 250.000 điểm trên ứng dụng nổi tiếng AnTuTu, có nghĩa nó sở hữu chip xử lý cực mạnh và dễ dàng đảm đương tất cả các tác vụ. Và nếu nó có thể vượt qua một ngưỡng hiệu năng cụ thể thì cho dù điểm số là 273.000 hay 290.000 trên AnTuTu cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới khả năng hoạt động thực tế. Nói cách khác, điện thoại có hiệu năng 273.000 chưa chắc đem lại trải nghiệm kém hơn.
Rõ ràng những người đam mê công nghệ thật khó bỏ ngoài tai những số liệu cụ thể. Nhưng nếu bạn có thể nhìn nhận một cách công bằng thì smartphone tích hợp chip Snapdragon 835 có thời lượng pin dài, chụp ảnh đẹp chắc chắn sẽ đem lại trải nghiệm tuyệt vời hơn hẳn, so với smartphone tích hợp chip Snapdragon 845 không hoàn thiện.
Nói về trường hợp của Apple, công ty sở hữu dòng chip di động tự sản xuất đang đứng đầu thế giới. Mặc dù tốc độ vượt trội nhưng năm ngoái công ty đã dính vào bê bối bóp hiệu năng. Động cơ mà Apple cung cấp là nếu duy trì hiệu suất, các mẫu iPhone cũ với viên pin tuổi thọ cao sẽ sập nguồn đột ngột.
Bởi vậy, đứng trên khía cạnh người dùng, nếu chúng ta quan trọng hóa điểm mà thiết bị đạt được qua các bài kiểm tra benchmark, và liên tục nâng cấp flagship thì chẳng khác nào làm giàu cho các nhà sản xuất smartphone. Khi tham khảo thông số kỹ thuật của bất kỳ mẫu smartphone nào hãy tự hỏi nó hoạt động thế nào ngoài đời thực.
Theo Gizmochina