Các hãng sản xuất vũ khí Mỹ hốt bạc nhờ chiến tranh Nga-Ukraine như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – 2022 là một năm đầy sóng gió, cuộc xung đột Nga-Ukraine trở thành sự kiện quốc tế lớn nhất năm. Tuy nhiên cuộc chiến tranh khốc liệt từ tháng 2 đến nay đã mang lại rất nhiều tiền cho các hãng sản xuất vũ khí Mỹ.
Hơn 30 ngàn quả đạn tên lửa Javelin đã được Mỹ cung cấp cho Ukraine (Ảnh: Sohu).
Hơn 30 ngàn quả đạn tên lửa Javelin đã được Mỹ cung cấp cho Ukraine (Ảnh: Sohu).

Cuộc xung đột Nga-Ukraine mỗi ngày ngốn một số lượng lớn vũ khí của cả hai bên, trong đó NATO chịu trách nhiệm “tiếp máu” cho Ukraine đã cung cấp hàng chục tỉ USD vũ khí cho Kiev trong cuộc đối đầu gián tiếp. Hầu hết các loại vũ khí này đều lấy từ "kho máu" của NATO. Với tư cách là nòng cốt của NATO, khi chứng kiến ​​NATO rơi vào tình trạng "mất máu", đương nhiên chính phủ và giới buôn bán vũ khí Mỹ cũng biết chắc số lượng lượng đơn đặt hàng vũ khí nhiều hiếm có đó sắp đến tay họ.

Theo dữ liệu do Lầu Năm Góc cung cấp, kể từ khi ông Biden lên nắm quyền, Mỹ đã hứa với Ukraine hỗ trợ an ninh tổng cộng hơn 21,8 tỉ USD; đồng thời, kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine ngày 24/2, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 20 tỉ USD viện trợ quân sự. Ngày 15/11, Tổng thống Biden đã đệ đơn lên Quốc hội lần thứ tư, yêu cầu cung cấp gần 15 tỉ USD hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine. Quốc hội Mỹ hiện tại về cơ bản sẽ không phản đối viện trợ vũ khí như vậy, có nghĩa là kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã tới ít nhất 35 tỉ USD.

Con số viện trợ này chỉ tính giá của vũ khí. Nói chung giá mua vũ khí chỉ chiếm 1/3 tổng chi phí, số vũ khí khổng lồ này được vận chuyển đến Ukraine và được cử người tới giúp quân đội Ukraine huấn luyện và sử dụng, lại là những con số không thể đo đếm được, và những con số này cuối cùng chắc chắn do kinh phí quốc phòng của Mỹ và khối NATO gánh chịu.

Chi tiêu cho Quốc phòng của Mỹ đang tăng chóng mặt (Ảnh: Guancha).

Chi tiêu cho Quốc phòng của Mỹ đang tăng chóng mặt (Ảnh: Guancha).

Các tính toán trên chỉ là số viện trợ được của Mỹ. Theo con số mà NATO đưa ra là tính đến ngày 30/11/2022, các đồng minh và đối tác NATO đã cung cấp cho Ukraine 40 tỉ USD viện trợ quân sự, cộng với 15 tỉ USD viện trợ khác, số tiền viện trợ này đã gần bằng ngân sách Quốc phòng một năm của Nga.

Sự hỗ trợ mà quân đội Mỹ và NATO cung cấp cho Ukraine chủ yếu bao gồm các loại pháo, vũ khí phòng không và xe bọc thép, trong khi vũ khí tấn công mặt đất của quân đội Ukraine - xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chiến đấu bộ binh v.v.. về cơ bản đều đến từ các nước Đông Âu như Ba Lan, phần lớn viện trợ quân sự này được thực hiện dưới hình thức "hàng đổi hàng" - Các nước Đông Âu cung cấp xe tăng, thiết giáp cho Ukraine và các nước phương Tây hứa hẹn cung cấp các loại xe tiên tiến hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt của kho dự trữ xe thiết giáp Đông Âu.

Hiện tại, rất khó để tính toán chính xác số tiền mà các hãng sản xuất vũ khí Mỹ kiếm được từ những giao dịch béo bở này, vì khoảng trống về những vũ khí này sẽ được lấp đầy bằng các đơn đặt hàng mới tiếp diễn trong nhiều năm. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, phần lớn hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine là lấy từ kho của Bộ Quốc phòng, và việc sử dụng đạn dược quá mức trong Chiến tranh Nga-Ukraine cũng khiến quân đội Mỹ trải nghiệm cái giá phải trả của chiến tranh hiện đại lần nữa. Trong hoàn cảnh như vậy, quân đội Mỹ đương nhiên sẽ có “nỗi lo đạn dược”. Rõ ràng, người Mỹ đang chuẩn bị cho nhiều hơn một cuộc chiến; các nhà buôn vũ khí Mỹ chắc chắn sẽ nhận được một số lượng lớn đơn đặt hàng để bù đắp cho lượng hàng tồn kho đã tiêu thụ ở chiến trường Ukraine.

Hãng Lockheed Martin phải tăng hết công suất các dây chuyền sản xuất đạn tên lửa Javelin để cung cấp cho Ukraine (Ảnh: Sina).

Hãng Lockheed Martin phải tăng hết công suất các dây chuyền sản xuất đạn tên lửa Javelin để cung cấp cho Ukraine (Ảnh: Sina).

Ví dụ, theo dữ liệu mua sắm quân sự trong 10 năm qua do Lầu Năm Góc công bố, tổng sản lượng của tên lửa "Javelin" là hơn 43.000 quả; Lục quân và Thủy quân lục chiến hiện dùng hơn 2 ngàn ống phóng với hơn 11.000 quả đạn. Theo tỷ lệ này, tính đến ngày 17/12, Ukraine đã nhận được hơn 7.500 bộ ống phóng "Javelin", có thể đã nhận hơn 30.000 quả đạn. Dù ước tính dè dặt thì hơn một nửa kho tên lửa chống tăng "Javelin" của quân đội Mỹ đã bị tiêu hao trên chiến trường Nga-Ukraine và cần được bổ sung gấp.

Cách đây vài ngày, Reg Hayes, Giám đốc điều hành hãng Raytheon đã nói với giới truyền thông rằng trong 10 tháng xung đột Nga-Ukraine, Mỹ đã tiêu hao quá nhiều vũ khí và trang thiết bị do viện trợ quân sự cho Ukraine, các tên lửa phòng không cá nhân "Stinger" do Raytheon sản xuất trong 13 năm đã cạn kiệt. Ông kêu gọi chính phủ Mỹ nhanh chóng "đầu tư vào cơ sở công nghiệp" để tăng sản lượng các loại tên lửa “Stinger”, "Javelin". Lockheed Martin hiện sản xuất 2.000 tên lửa "Javelin"/năm và có kế hoạch tăng con số này lên 4.000. Để đạt được mục tiêu này sẽ mất nhiều năm và thêm tiền đầu tư.

Ngoài việc mở rộng sản xuất các loại vũ khí dẫn đường chính xác đắt tiền, các nhà buôn vũ khí Mỹ còn kêu gọi chính phủ Mỹ đầu tư vào việc tăng cường sản xuất các loại đạn dược thông thường. Sau khi Chiến tranh Iraq kết thúc, quân đội Mỹ đã không mua loại đạn thông thường trên quy mô lớn trong một thời gian dài. Trong "Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2022" (NDAA2002) được lên kế hoạch cho năm 2021, Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ chỉ có kế hoạch mua đạn pháo trị giá 174 triệu USD, bao gồm 75.357 viên đạn M795 không điều khiển, 1.046 viên đạn rocket XM1113 tăng tầm bắn và 426 viên đạn dẫn đường chính xác "Excalibur".

Lầu Năm Góc có kế hoạch mua thêm 700 dàn phóng tên lửa cơ động cao HIMARS (Ảnh: Sina).

Lầu Năm Góc có kế hoạch mua thêm 700 dàn phóng tên lửa cơ động cao HIMARS (Ảnh: Sina).

Trong tình huống gay cấn, số đạn pháo này chỉ đủ cho quân đội Ukraine dùng trong 2-3 ngày trên chiến trường. Theo New York Times, trong cuộc phản công của Ukraine, quân đội Ukraine đã tiêu thụ 6.000 đến 7.000 quả đạn mỗi ngày ở khu vực Donbas, trong khi Mỹ chỉ có thể sản xuất khoảng 15.000 quả đạn mỗi tháng. Điều này có nghĩa là quân đội Mỹ đã gần như "cạn kiệt" số đạn pháo tích lũy trong mười mấy năm qua. Chỉ trong tháng 9/2022, quân đội Hoa Kỳ đã ký một đơn đặt hàng mới trị giá 520 triệu USD Mỹ cho Lockheed Martin để tăng thêm năng lực sản xuất đạn pháo.

Theo kế hoạch do Lầu Năm Góc xây dựng, Bộ Quốc phòng Mỹ dự định mua thêm 700 bệ phóng tên lửa tự hành "HIMARS" và hàng nghìn đạn tên lửa dẫn đường kèm theo trong năm tài chính 2023 và 2024 (Lục quân sẽ mua 4.674 quả đạn trong năm tài chính 2023, Hải quân sẽ mua 834 quả); khởi động lại dây chuyền sản xuất và tiếp tục sản xuất hơn 20.000 viên đạn tên lửa phòng không vác vai "Stinger" và 25.000 viên đạn tên lửa chống tăng "Javelin". Mặc dù cuộc chiến Nga-Ukraine đã tiêu tốn của Liên minh NATO hơn 55 tỉ USD, nhưng các hãng vũ khí Mỹ có thể kiếm được số tiền vượt xa 55 tỉ USD từ "nỗi lo đạn dược" của chính quyền Mỹ.

Chi phí vũ khí hàng chục tỉ USD không phải là số tiền nhỏ đối với bất kỳ chính phủ nào trên thế giới, nhưng so với sự gia tăng chi tiêu quốc phòng của nhiều quốc gia sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, số tiền này chỉ là khoản nhỏ. Xung đột Nga-Ukraine là một trong những sự kiện địa chính trị có ảnh hưởng lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tất cả các nước lớn ở châu Âu đều trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào cuộc khủng hoảng địa chính trị này, đồng thời chịu tác động về chính trị, kinh tế và quân sự.

Hiện nay, trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine sắp kéo dài đến năm 2023, các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là “đồng minh” của Mỹ đang cảm thấy lo lắng về thế trận phòng thủ của mình. Mức tiêu hao khổng lồ và sự tàn khốc của các cuộc chiến tranh hiện đại buộc các nước châu Âu phải tăng chi tiêu quân sự và mua sắm vũ khí để đối phó với các cuộc khủng hoảng. Và phần lớn trong số chi tiêu quân sự gia tăng này sẽ rơi vào túi của những lái buôn vũ khí Mỹ.

Tính đến năm 2021, chỉ có 10 trong số 30 quốc gia thành viên của NATO chi tiêu quân sự chiếm hơn 2% ngân sách. Tuy nhiên, kể từ tháng 3/2022, nhiều nước châu Âu đã tuyên bố tăng chi tiêu quân sự. Trong số đó, Đức tuyên bố thành lập quỹ 100 tỉ euro trên cơ sở chi tiêu tài chính hiện có, sẽ được sử dụng để mua vũ khí mới và phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực, máy bay không người lái thế hệ tiếp theo; ngân sách quốc phòng của Pháp sẽ đạt 43,9 tỉ USD euro năm 2023, tăng khoảng 3 tỉ euro so với năm trước, tăng 7,4% so với năm 2022. Bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị, chi tiêu quân sự của Anh trong năm tài chính 2023 vẫn chưa rõ ràng, nhưng Bộ Quốc phòng Anh có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên khoảng 100 tỉ bảng Anh vào năm tài chính 2029-30 (hiện tại khoảng 48 tỉ bảng). Romania, Ba Lan, Thụy Điển, Phần Lan và các quốc gia NATO khác ở gần với tuyến đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng đã tăng chi tiêu quân sự của họ với mức lớn.

Nói chung, chi tiêu quân sự của NATO trong năm tài chính 2022 đã vượt quá 1 nghìn tỉ USD. Xét việc chi tiêu quốc phòng của các quốc gia thành viên nói chung tăng khoảng 10%, nên tổng chi tiêu quân sự của NATO có thể đạt 1.100 tỉ USD vào năm 2023. Dù tính đến tình trạng lạm phát nghiêm trọng ở các nước châu Âu, chi tiêu quân sự của Liên minh NATO trong năm tài chính 2023 cũng sẽ tăng lên rất lớn.

Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine, các nước châu Âu đã lần lượt bật đèn xanh cho các dự án như Máy bay F-35. Ngày 14/12, Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Đức đã chính thức thông qua kế hoạch F-35 trị giá 8,5 tỉ USD, là một trong 10 dự án mua sắm hàng tỉ USD được Đức phê duyệt. Ngoài Đức, hồi tháng 6 Thụy Sĩ cũng ký với Mỹ hợp đồng mua vũ khí trị giá 6,25 tỉ USD. Theo hợp đồng, Mỹ sẽ cung cấp cho Thụy Sĩ 36 máy bay F-35A từ năm 2027 đến 2030. Hồi đầu năm, Anh, đồng minh truyền thống của Mỹ, cũng khẳng định sẽ tiếp tục mua 74 chiếc F-35 của Mỹ.

Có thể nói, chỉ riêng hãng Lockheed Martin đã giành được hơn 15 tỉ USD cho các đơn đặt hàng hợp đồng và gần 30 tỉ USD cho các đơn đặt hàng có chủ ý. Ngoài ra, do hệ thống trang bị thống nhất của NATO, các nước châu Âu đã tăng cường mua đạn dược do Mỹ sản xuất trong năm nay, chỉ riêng trong tháng 7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua việc bán 1,5 tỉ USD tên lửa không đối không và các loại đạn, thiết bị quân sự cho Estonia, Na Uy.

Dự án Máy bay F-35 mang đến cho Lockheed Martin số tiền khổng lồ từ các đồng minh của Mỹ (Ảnh: Sina).

Dự án Máy bay F-35 mang đến cho Lockheed Martin số tiền khổng lồ từ các đồng minh của Mỹ (Ảnh: Sina).

Với tư cách là quốc gia tuyến đầu của NATO chống lại Nga, Ba Lan đã tiến hành một cuộc mở rộng quân sự cực kỳ lớn. Ngân sách quân sự của Ba Lan năm 2022 là 2,4% GDP, tức khoảng 19 tỉ USD, cao hơn mức trung bình của NATO; chi tiêu quân sự của Ba Lan năm 2023 dự kiến ​​là 3% GDP, khoảng 28 tỉ USD. Đầu năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt mấy thương vụ bán vũ khí cho Ba Lan, bao gồm hai lô gồm 366 xe tăng chiến đấu chủ lực "Abrams", 96 máy bay trực thăng vũ trang AH-64E và 6 tổ hợp tên lửa phòng không Patriot. Năm ngoái, Ba Lan cũng đã mua 32 máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ…

Cuối cùng, "sự lo lắng" do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra cuối cùng đã được phản hồi lại chính Mỹ bằng khoản chi quân sự chưa từng có trong năm tài chính 2023. Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) với tổng trị giá 858 tỉ USD, nhiều hơn 45 tỉ USD so với ngân sách do ông Biden đề xuất. Nó cao hơn 78 tỉ USD so với dự luật NDAA năm ngoái. Nói cách khác, chỉ phần bổ sung so với năm ngoái đã lớn hơn gấp đôi tổng giá trị viện trợ của Mỹ cho Ukraine trong năm nay. Theo kinh nghiệm của Mỹ, ít nhất một nửa số tiền này sẽ rơi vào tay tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ.

Do đó, đối với các nhà buôn vũ khí Mỹ, hàng chục tỉ USD mua đạn dược chỉ đánh dấu sự khởi đầu của một thời kì hỗn loạn, khi Mỹ và các đồng minh bước vào thời kỳ lo lắng “cạnh tranh nước lớn”, mức tăng chi tiêu quân sự hàng năm gần 100 tỉ USD của toàn bộ khối NATO do Mỹ đứng đầu mới là lễ hội thực sự của các nhà buôn vũ khí Mỹ.