Ở Thụy Điển, Volvo cử đi các nhà điều tra hiện trường tai nạn của riêng mình từ đầu những năm 1970. Đội nghiên cứu tai nạn giao thông hoạt động 24 giờ mỗi ngày và tới hiện trường chỉ trong vòng một giờ lái xe từ trụ sở chính ở thành phố Goteborg. Tin tức được báo về từ hệ thống Volvo On Call, giống hệ thống OnStar của General Motors, theo The New York Times.
Ngày nay, một số hãng xe cũng có cách làm tương tự nhằm lượm lặt thông tin thực tế có giá trị về những gì đã xảy ra với những chiếc xe và người trên xe sau tai nạn.
BMW cũng có Chương trình nghiên cứu tai nạn từ năm 1977 và đội này hiện hoạt động tại Trung Quốc, Đức và Mỹ. Chương trình thường nghiên cứu 3.000 điểm dữ liệu trong những tai nạn liên quan tới xe BMW. Thương hiệu Đức cũng sử dụng phần mềm tiên tiến để tái tạo tai nạn và chi tiết về các điểm va chạm. Đó có thể là việc sử dụng dây an toàn, cấp độ thương tích và dữ liệu địa điểm. Tất cả sẽ được gửi về trung tâm phản ứng khẩn cấp.
Subaru cũng lập một đội điều tra hiện trường, trong khi Honda nghiên cứu sau tai nạn trên khắp nước Mỹ. Tesla cũng thường xuyên gửi đội điều tra tới các tai nạn liên quan tới xe của hãng.
Thomas Broberg, cố vấn an toàn cấp cao ở Volvo, luôn đảm bảo rằng các thành viên của đội điều tra không gây cản trở đối với bất cứ hoạt động nào của cảnh sát hay đội cứu hộ, y tế. "Chúng tôi sẽ giúp nếu cần", Broberg nói. Sau đó họ bắt đầu hành động "ngay khi việc cứu hộ đã xong". Chụp ảnh, đo đạc, đánh giá mọi thứ và mọi điểm va chạm của chiếc xe đều được kiểm tra kỹ.
Volvo đôi khi lấy lại những chiếc xe gặp tai nạn để nghiên cứu và có thể hỏi những người trên xe để hoàn thiện cuộc điều tra riêng hoặc tham gia các cuộc phỏng vấn. Ngoài ra, các thiết bị ghi lại các dữ liệu, thứ luôn có trên mọi mẫu xe hiện đại, cung cấp thông tin giá trị về phản ứng và tốc độ. Dữ liệu tai nạn thu thập được giúp Volvo và các hãng xe khác làm ra những sản phẩm tiếp theo an toàn hơn.
https://vnexpress.net/oto-xe-may/cac-hang-oto-lam-gi-o-hien-truong-tai-nan-giao-thong-3929581.html