Các công ty công nghệ Mỹ dẫn đầu trong sử dụng năng lượng gió và mặt trời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các công ty công nghệ cao Mỹ đã ký hợp đồng theo năm mua đến 48% công suất năng lượng tái tạo, tiếp theo là các công ty thuộc lĩnh vực năng lượng, viễn thông, thực phẩm và các ngành khác.
Logo tại trụ sở chính của Google ở Mountain View, California, Mỹ ngày 26/9/2022. Ảnh Tayfun Coskun/Anadolu.
Logo tại trụ sở chính của Google ở Mountain View, California, Mỹ ngày 26/9/2022. Ảnh Tayfun Coskun/Anadolu.

Amazon, Meta công ty mẹ của Facebook và Google, thuộc sở hữu của công ty mẹ Alphabet là ba công ty mua năng lượng gió và mặt trời hàng đầu, theo báo cáo ngày 18/1 từ Hiệp hội Năng lượng sạch Mỹ (ACP).

Theo báo cáo của ACP, Amazon đã ký hợp đồng mua 12,4 gigawatt năng lượng mặt trời và gió sạch ở Mỹ cho đến tháng 9/2022, Meta ký hợp đồng 8,7 gigawatt và Google ký hợp đồng 6,2 gigawatt. Tổng số lượng mua sắm này là kể từ lần đầu tiên các công ty này ra thông báo mua năng lượng gió và mặt trời trong thập kỷ trước.

Hiệp hội Năng lượng Sạch Mỹ (ACP) là tổ chức của ngành năng lượng sạch đang cung cấp năng lượng cho tương lai của Mỹ, cung cấp các giải pháp hiệu quả về chi phí cho cuộc khủng hoảng khí hậu đồng thời tạo ra việc làm, thúc đẩy đầu tư lớn vào nền kinh tế Mỹ và đổi mới công nghệ cao trên toàn quốc.

Lĩnh vực công nghệ chắc chắn đang vượt xa các ngành khác trong việc mua năng lượng sạch, nhưng hoạt động mua năng lượng tái tạo đang gia tăng trong tất cả các ngành. Từ năm 2012 đến năm 2022, lượng năng lượng gió và mặt trời mà các công ty mua tăng trung bình 73% mỗi năm. Số lượng mua sắm đã vượt qua 1 gigawatt vào năm 2015, 8 gigawatt vào năm 2018 và gần 20 gigawatt vào năm 2022.

Các doanh nghiệp ngành công nghệ mua năng lượng gió và mặt trời theo năm. Biểu đồ Hiệp hội năng lượng sạch Mỹ.

Các doanh nghiệp ngành công nghệ mua năng lượng gió và mặt trời theo năm. Biểu đồ Hiệp hội năng lượng sạch Mỹ.

Việc chuyển đổi nguồn điện không chỉ được thúc đẩy bởi mong muốn cứu thế giới khỏi biến đổi khí hậu mà còn do giá điện sạch liên tục giảm. Theo bản báo cáo của ACP, trong thập kỷ qua, chi phí điện sạch đã giảm lần lượt là 71% và 47%.

Lĩnh vực công nghệ đang dẫn đầu trong mua năng lượng sạch. Các doanh nghiệp ngành công nghệ cao đã ký hợp đồng mua đến 48% trong tổng số các hợp đồng mua năng lượng gió và mặt trời. Các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, thực phẩm và đồ uống là những doanh nghiệp mua lớn tiếp theo, đã ký hợp đồng lần lượt là 9, 8 và 7% trong tổng số các hợp đồng mua điện gió và mặt trời.

Tổng hợp đồng năng lượng gió và mặt trời theo nhóm ngành. Biểu đồ Hiệp hội năng lượng sạch Mỹ.

Tổng hợp đồng năng lượng gió và mặt trời theo nhóm ngành. Biểu đồ Hiệp hội năng lượng sạch Mỹ.

Tổng cộng đã có 326 công ty ký hợp đồng cung cấp 77,4 gigawatt năng lượng gió và mặt trời vào cuối năm 2022, đủ năng lượng để cung cấp điện năng cho 1000 trung tâm dữ liệu hoặc 18 triệu ngôi nhà ở Mỹ .

Trong số hơn 77 gigawatt năng lượng gió và mặt trời được ký hợp đồng, 36 gigawatt hay 47% hiện đang hoạt động, hơn một nửa tổng số hợp đồng vẫn đang trong quá trình phát triển. Phát ngôn viên của Năng lượng Sạch Mỹ (American Clean Power) cho biết, thời gian cần thiết để một công ty mua năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời được tính chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng này phụ thuộc vào thời gian dự án được kết nối vào lưới điện quốc gia, nhưng hầu hết các dự án được mua dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động trong 3 năm tới.

Các công ty đại diện cho một phần quan trọng trong toàn cảnh khai thác sử dụng năng lượng gió và mặt trời: 16% năng lượng gió và mặt trời được chuyển đến các tập đoàn vào cuối năm 2022. 84% còn lại dành cho nhóm mua sắm năng lượng khác như các công ty phân phối điện cho người tiêu dùng.

Khi các công ty tăng cường mua điện gió và mặt trời, Texas đang được hưởng lợi nhiều hơn bất kỳ tiểu bang nào khác. Báo cáo cho thấy, các công ty đã mua năng lượng sạch từ 540 dự án trên 49 tiểu bang, Washington DC và Puerto Rico, nhưng 35% công suất theo tổng số hợp đồng mà các công ty mua đến từ Texas.

Theo CNBC