|
Một góc của khu đô thị Phú Mỹ Hưng tại Quận 7, Tp. HCM (Nguồn: Internet) |
Theo tìm hiểu của VietTimes, Phú Mỹ Hưng đã sớm tìm đến các địa phương "thứ cấp" sau khi dành nhiều năm đầu tư xây dựng và phát triển khu đô thị cùng tên tại Quận 7, Tp. HCM. Một trong những địa phương mà Phú Mỹ Hưng nhắm tới, và để lại nhiều dấu ấn là tỉnh Hòa Bình.
Năm 2016, Phú Mỹ Hưng đã hoàn tất thâu tóm hơn 99% cổ phần của CTCP Đầu tư San Nam Hòa Bình - chủ đầu tư dự án Khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ Sannam Hòa Bình (Sannam Hòa Bình).
Dự án này có quy mô hơn 405,7 ha, ban đầu được quy hoạch xây dựng khu trồng, chế biến rau quả xuất khẩu theo công nghệ sạch, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.
Tại buổi làm việc ngày 11/4/2017 với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, đại diện Phú Mỹ Hưng cho biết sẽ định hướng tập trung dài hạn, “chuyển hướng” dự án này trở thành một khu đô thị bền vững tạo ra giá trị lâu dài. Đồng thời, Phú Mỹ Hưng cũng muốn xây dựng một khu resort tiêu chuẩn quốc tế, khu nghỉ dưỡng, để thu hút khách du lịch tới Hòa Bình.
Trong một động thái khác, tháng 8/2017, Phú Mỹ Hưng thành lập công ty con đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại tỉnh Hòa Bình là Công ty TNHH Phát triển Phú Hưng Khang (Phú Hưng Khang). Sau đó 1 năm, nguồn tin của Finance Asia cho biết Phú Hưng Khang đã vay 400 triệu USD, tương đương khoảng 9.300 tỷ đồng, từ nhóm ngân hàng Đài Loan, Trung Quốc và Hồng Kông.
Khoản vay này nhằm mục đích “thực hiện đáo hạn một số khoản nợ hiện tại, hoạt động tài chính và phục vụ nhu cầu vốn lưu động” của Phú Hưng Khang.
Tới ngày 25/9/2019, Công ty tài chính quốc tế IFC, thành viên của Ngân hàng thế giới (World Bank Group), cho biết đã đăng ký mua 1.700 tỷ đồng (khoảng 75 triệu USD) trái phiếu do Phú Mỹ Hưng phát hành.
Số tiền này sẽ được dùng để phát triển Khu đô thị Phú Hưng Khang tại tỉnh Hòa Bình trong vòng 15 - 20 năm tới.
Dự kiến, khi hoàn thành, Phú Hưng Khang sẽ cung cấp hơn 1.000 căn hộ, 2 trường học và 1 bệnh viện. Bên cạnh đó, 1 khách sạn 75 phòng cũng sẽ được xây dựng để khai thác tiềm năng du lịch của địa phương.
Dự án cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra hơn 1.000 việc làm cho người dân địa phương, bao gồm cả các dân tộc thiểu số, nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập ngoài nông nghiệp.
"Với khoản đầu tư này, giờ đây chúng tôi hoàn toàn có thể tập trung phát triển những khu đô thị phức hợp ở một số tỉnh, khởi đầu với khu đô thị Phú Hưng Khang, như một phần của mô hình tăng trưởng bền vững"- ông Gary Tseng, Tổng Giám đốc Phú Mỹ Hưng chia sẻ.
|
IFC công bố khoản đầu tư 1.700 tỷ đồng vào trái phiếu do Phú Mỹ Hưng phát hành (Nguồn: IFC)
|
Được biết, ngày 4/9/2019, Phú Mỹ Hưng đã phát hành thành công 800 tỷ đồng trái phiếu (đợt 1) có kỳ hạn đến ngày 15/6/2026, lãi suất cố định 8,17%/năm. Phú Mỹ Hưng cho biết trái chủ của lô trái phiếu này là nhà đầu tư nước ngoài nhưng không tiết lộ danh tính cụ thể.
Tuy nhiên, căn cứ trên những điều kiện và điều khoản trái phiếu mà Phú Mỹ Hưng công bố, nhiều khả năng trái chủ chính là IFC.
Mặt khác, Phú Mỹ Hưng cũng sẽ chia 3 đợt để thanh toán khoản nợ gốc trái phiếu đã phát hành, vào ngày 15/6/2022, 15/6/2024 và tại ngày đáo hạn (ngày 15/6/2026).
Bên cạnh thương vụ trái phiếu với IFC, ngày 1/8/2019, Phú Mỹ Hưng cũng đã phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 7 năm, lãi suất 8,8%/năm cho nhà đầu tư tổ chức trong nước. Danh tính trái chủ cũng không được tiết lộ.
Lô trái phiếu này được đảm bảo bằng các lô “đất vàng” có ký hiệu “M1” và “M4” với diện tích lần lượt là 13.750 m2 và 26.134 m2 nằm tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7, Tp. HCM)./.