Hai bước "Bắc tiến" của chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng

VietTimes -- Chủ đầu tư của siêu đô thị Phú Mỹ Hưng đã quyết định "Bắc tiến", không phải vừa mới bây giờ mà đã là âm thầm từ ít năm nay. Khá bất ngờ khi doanh nghiệp vốn Đài Loan này không chọn Hà Nội, hay các đô thị lớn để đầu tư, mà lại về Hòa Bình và Bắc Ninh.
Khu Thương Mại Tài Chính Quốc Tế tâm điểm của đô thị Phú Mỹ Hưng (Nguồn: Phú Mỹ Hưng)
Khu Thương Mại Tài Chính Quốc Tế tâm điểm của đô thị Phú Mỹ Hưng (Nguồn: Phú Mỹ Hưng)

Ngày 30/8/2018, hãng tin Finance Asia thông tin cho biết nhóm ngân hàng Đài Loan, Trung Quốc và Hồng Kông đã thỏa thuận thu xếp cho Công ty TNHH Phát triển Phú Hưng Khang (Phú Hưng Khang) vay 400 triệu USD, tương đương khoảng 9.300 tỷ đồng.

Khoản vay này nhằm mục đích “thực hiện đáo hạn một số khoản nợ hiện tại, hoạt động tài chính và phục vụ nhu cầu vốn lưu động” – tờ Finance Asia cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Phú Hưng Khang là một doanh nghiệp còn “non trẻ” khi mới chỉ được thành lập cách đây 1 năm (ngày 29/8/2017), đăng ký địa chỉ trụ sở tại tỉnh Hòa Bình. Đáng chú ý, vốn điều lệ của công ty này chỉ là 100 tỷ đồng, một con số “nhỏ bé” và tiềm ẩn nhiều rủi ro so với khoản vay nợ kể trên.

Tất nhiên, các chủ nợ, ở đây là các ngân hàng, không hề mạo hiểm đến thế.

Phú Hưng Khang thực chất là thành viên thuộc “hệ sinh thái” của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (Phú Mỹ Hưng), một chủ đầu tư bất động sản có tiếng trong khu vực miền Nam. Cụ thể, dự án ghi đậm dấu ấn và làm nên tên tuổi của Phú Mỹ Hưng là hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển 5 cụm đô thị có tổng diện tích tới 750 ha, bao gồm Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và bốn khu hỗn hợp khác dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Linh, TP Hồ Chí Minh.

Thương vụ “khủng” của Phú Hưng Khang cũng hé lộ về hai dự án có diện tích lên tới hàng trăm hecta mà Phú Mỹ Hưng âm thầm thâu tóm từ năm 2016. Trong đó, có dự án đã hoàn thành những bước thủ tục pháp lý cuối cùng, chỉ chờ Phú Mỹ Hưng triển khai mà thôi.

Hồi sinh dự án “treo” tại tỉnh Hòa Bình

Tại tỉnh Hòa Bình, Phú Mỹ Hưng hoàn tất thâu tóm hơn 99% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư San Nam Hòa Bình (Sannam Park) - chủ đầu tư của Dự án khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ Sannam Hòa Bình (Dự án Sannam), vào giữa năm 2016.

Mục tiêu ban đầu của dự án là xây dựng khu trồng, chế biến rau quả xuất khẩu theo công nghệ sạch, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, diện tích quy hoạch hơn 405,7 ha và có thời gian dự kiến thực hiện từ năm 2004 – 2007. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án, cả chủ đầu tư (Sannam Park) và cơ quan quản lý đều bộc lộ những hạn chế và yếu kém dẫn đến tình trạng dự án “treo” tới hơn 10 năm.

Tình hình triển khai dự án có sự chuyển biến rõ rệt sau khi Phú Mỹ Hưng thâu tóm Sannam Park. Cụ thể, ngày 11/4/2017, Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình đã có buổi làm việc với Tập đoàn về dự án này.

Chia sẻ tại buổi làm việc, đại diện Phú Mỹ Hưng cho biết Tập đoàn này hướng tới đầu tư phát triển dài hạn, xây dựng một khu đô thị bền vững tạo ra giá trị lâu dài, góp phần khai phá tiềm năng và môi trường tự nhiên để xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn du khách cùng với nhiều hoạt động thương mại và dịch vụ.

Phú Mỹ Hưng cũng dự kiến tạo dựng một resort tiêu chuẩn quốc tế cũng như khu nghỉ dưỡng thân thiện môi trường với mức giá hợp lý để thu hút khách du lịch đến với tỉnh Hòa Bình, bên cạnh việc đào tạo lao động và quảng bá nông sản địa phương.

Vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện tại thời điểm đó, theo đại diện của Phú Mỹ Hưng là việc giải phóng mặt bằng liên quan tới 10 hộ dân đang trồng cây trên đất dự án có diện tích tới 33 ha, mặc dù Tập đoàn đã nỗ lực thương lượng đền bù nhưng vẫn chưa giải quyết được và mong muốn sự ủng hộ của địa phương nhằm sớm có được quỹ đất sạch. 

Tiếp nhận các ý kiến của Phú Mỹ Hưng và các sở, ngành của tỉnh, ông Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao dự án và cam kết sẽ tạo điều kiện, hợp tác với Công ty triển khai dự án trên các lĩnh vực: kết nối hạ tầng, giao thông thủy, điện, giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, ông Ninh cũng đề nghị Phú Mỹ Hưng lập thủ tục đầu tư lại theo quy định của pháp luật; đảm bảo các yếu tố về môi trường đặc biệt là nguồn nước; đảm bảo tiến độ dự án; phát huy, khai thác có hiệu quả nét văn hóa dân tộc của địa phương; sử dụng lao động địa phương để tạo được sự phát triển hài hòa trong khu vực.

Chưa rõ sau buổi làm việc, lời đề nghị trên đã được Phú Mỹ Hưng thực hiện ra sao. Nhưng cũng cần lưu ý, Phú Hưng Khang được thành lập ngay sau buổi làm việc không lâu và đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại địa phương nên cũng rất có thể khoản vay nghìn tỷ mới đây chính là nguồn tài chính để Phú Hưng Khang (hay chính là Phú Mỹ Hưng) thực hiện dự án này.

Tuy nhiên, Phú Mỹ Hưng cũng còn một dự án khác trên diện tích hàng trăm hecta cũng cần nguồn vốn để đảm bảo tiến độ.

Khu vực cầu Ánh Sao thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Nguồn: Phú Mỹ Hưng)
Khu vực cầu Ánh Sao thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Nguồn: Phú Mỹ Hưng) 

Và tỉnh Bắc Ninh

Phú Mỹ Hưng cho thấy sự thâm nhập thị trường tại tỉnh Bắc Ninh thông qua việc thâu tóm Công ty cổ phần Đầu tư Công đoàn Ngân hàng Công thương (thành lập ngày 25/9/2009) là chủ đầu tư dự án Khu đô thị (KĐT) sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm.

Trước khi được Phú Mỹ Hưng mua lại, Công ty cổ phần Đầu tư Công đoàn ngân hàng Công thương đã có những sự chuyển dịch quan trọng trong cơ cấu cổ đông.

Cụ thể, trước ngày 20/5/2015, Công ty này có ba cổ đông sáng lập là Công đoàn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (75% vốn điều lệ), Công ty CP đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 36 – Handico 36 (5% vốn điều lệ) và Công ty CP đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội – Hateco (25% vốn điều lệ). Tuy nhiên, hai công ty Handico 36 và Hateco đã tiến hành thoái vốn.

Do đó, từ ngày 20/5/2015, cơ cấu cổ đông của công ty bao gồm Công đoàn Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chiếm áp đảo với 98,9% và cổ đông khác nắm giữ 1,1% vốn điều lệ.

Nhưng đến ngày 23/3/2016, cơ cấu cổ đông cho thấy Công đoàn Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã không còn nắm giữ cổ phần, thay vào đó, cổ đông khác lại chiếm tới 100% vốn điều lệ. Một căn cứ khác cho thấy đã có sự chuyển giao điều hành là việc công ty thay người đại diện theo pháp luật mới là bà Nguyễn Mai Hoa, sinh năm 1969. 

Nên biết, bà Nguyễn Mai Hoa - người đại diện mới của  Công ty cổ phần Đầu tư Công đoàn ngân hàng Công thương - là một trong những nhân sự kỳ cựu, gắn bó với Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) từ tháng 1/2007, từng đảm nhiệm vị trí  Trợ lý cao cấp của Chủ tịch Tập đoàn về nhân sự (năm 2016). Bên cạnh đó, bà Hoa cũng là Thành viên HĐQT của một số công ty thành viên của Tập đoàn này.

Chưa rõ Phú Mỹ Hưng và nhóm bà Hoa đã có sự thương lượng và thỏa thuận ra sao về về việc chuyển nhượng cổ phần của chủ đầu tư dự án KĐT sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm.

Chỉ biết rằng, sau khi UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý chủ trương chuyển nhượng cổ phần của công ty chủ đầu tư thực hiện dự án, cơ cấu cổ đông của Công ty cổ phần đầu tư Công đoàn ngân hàng Công thương mới có sự xuất hiện rõ ràng của nhóm cổ đông của Phú Mỹ Hưng.

Cụ thể, ngày 27/4/2016, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đồng ý về chủ trương Công ty cổ phần đầu tư Công đoàn ngân hàng Công thương chuyển nhượng cổ phần thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm, huyện Thuận Thành.

Dữ liệu từ phòng Đăng ký Kinh doanh tỉnh Bắc Ninh cho thấy, ngày 23/6/2016, cơ cấu cổ đông của Công ty cổ phần Đầu tư Công đoàn ngân hàng Công thương đã được thay đổi, bao gồm 3 pháp nhân thuộc “nhóm” Phú Mỹ Hưng là: Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (99,68%), Công ty TNHH Nam Sài Gòn Residences (0,16%) và Công ty TNHH Tân Thuận (0,16%).

Bên cạnh đó, vị trí người đại diện theo pháp luật (kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị) được thay thế bằng ông TSENG FAN CHIH, sinh năm 1967, có quốc tịch Đài Loan. Ông TSENG FAN CHIH, lưu ý, cũng là người đại diện của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng.

Dự án KĐT sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm có gì hấp dẫn các nhà đầu tư phát triển bất động sản đến vậy?

Khung cảnh toàn thể dự án KĐT sinh thái Hồng Hạc - Xuân Lâm (Nguồn: KCX Bắc Ninh)
Khung cảnh toàn thể dự án KĐT sinh thái Hồng Hạc - Xuân Lâm (Nguồn: KCX Bắc Ninh) 

Theo giới thiệu trên website của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – Mã CK: CTG) thì đây là dự án xây dựng khu đô thị sinh thái cao cấp, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hệ thống công trình công cộng, dịch vụ đầy đủ và tiện nghi, do Công ty tư vấn quốc tế Surbana (Singapore) lập quy hoạch, đã được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt và cấp phép đầu tư.

Dự án có tổng diện tích quy hoạch là 198 ha, trong đó có 72 ha là đất ở, còn lại là diện tích dành cho các công trình công cộng, thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục và công trình giao thông, cây xanh, mặt nước. Đây là một trong những dự án Khu đô thị sinh thái có diện tích lớn, đẹp và hiện đại bậc nhất tại tỉnh Bắc Ninh cũng như trên toàn quốc.

Trên thực tế, dự án này đã được khởi động từ năm 2011 với quyết định về việc thu hồi đất và giao đất cho chủ đầu tư của dự án này được UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành. Nhưng cũng như dự án Sannam tại tỉnh Hòa Bình, dự án này vẫn chưa thể triển khai như đúng kế hoạch.

Gần đây, ngày 26/7/2018, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra Quyết định số 396/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất ở dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm, huyện Thuận Thành (đợt 1) của Công ty cổ phần đầu tư công đoàn ngân hàng Công thương.

Đây là tín hiệu tích cực cho thấy dự án này đã được Phú Mỹ Hưng hồi sinh trở lại./.