BS Phạm Chí Kiên: “Miễn dịch cộng đồng” là vô cảm và chứng tỏ nền y học bất lực

VietTimes – BS. Phạm Chí Kiên từng công tác 25 năm tại BV Ung Bướu (TP.HCM), nay sống tại Pháp. Ông bày tỏ quan điểm không chấp nhận tạo “miễn dịch cộng đồng” vì “nó chỉ chứng tỏ y học bất lực trước con virus này”.
Bệnh viện dã chiến tại Pháp điều trị COVID-19 (Ảnh: France info)

Nếu có chuyện tái phát, thì “miễn dịch cộng đồng” là trò lố

*Việc Chính phủ Anh đang bảo vệ cách tạo “miễn dịch cộng đồng” để đối phó với dịch virus Corona chủng mới (COVID-19) đã làm dấy lên cuộc tranh luận ở nhiều nơi. Xin BS cho biết quan điểm của ông về việc này?

- Tôi hoàn toàn phản đối quan niệm “miễn dịch cộng đồng” một cách tự nhiên , tức là thả cho dịch lây lan tự nhiên. Miễn dịch cộng đồng chỉ có được khi có sự chích ngừa vaccin hàng loạt, đúng cách và đủ số mũi cần thiết cho một số lớn người của một cộng đồng nào đó. Đây là một virus hoàn toàn mới, chưa có cộng đồng nào đã từng tiếp xúc với nó. Tôi nhấn  mạnh chữ "đã từng”, bởi nếu muốn có miễn dich cộng đồng như định nghĩa và giả thuyết thì con virus này phải đạt yêu cầu sau:

Lây nhiễm một số lượng lớn cư dân trong một cộng đồng và những người đó qua khỏi bệnh (không tử vong).

Mỗi thành viên trong số những người nhiễm bệnh của cộng đồng đó sau khi sống sót đều có một lượng kháng thể trong cơ thể của họ, lượng kháng thể đó đủ để chống lại bệnh dịch cho lần sau . Đây mới là vấn đề mấu chốt của "miễn dịch cộng đồng”.

BS Phạm Chí Kiên từng làm việc tại BV Ung Bướu TP.HCM 25 năm, nay đang sống tại Pháp 

Ngay bây giờ tôi và bất cứ ai cũng đều không thể trả lời được rằng liệu những người đã nhiễm bây giờ sẽ không bị nhiễm bệnh lần sau? Nồng độ kháng thể trong cơ thể họ là bao nhiêu để có thể chống bệnh? Cả 2 câu hỏi này đều chưa có câu trả lời thì làm sao có thể chờ đợi có hiện tượng "miễn dịch cộng đồng"?

Có nguồn tin cho rằng ở Trung Quốc có hiện tượng tái phát. Tôi chưa có thông tin chính xác rằng đó là bệnh COVID-19 tái phát, hay đó là biến chứng muộn của bệnh. Nếu đúng là tái phát thì việc “tạo miễn dịch cộng đồng” của chính phủ Anh thật lố bịch bởi vì bệnh nhân không có kháng thể thì bệnh mới tái phát. 

*Quan điểm của ông vẫn là phản đối “miễn dịch cộng đồng”?

- Đúng vậy, theo tôi, mang khái niệm “miễn dịch cộng đồng” ra để ghép vào hoàn cảnh chống dịch bệnh COVID-19 là vô cảm và chỉ chứng tỏ nền y học bất lực trước con virus này.

Tôi khẳng định rằng "miễn dịch cộng đồng" với một căn bệnh truyền nhiễm nào đó chỉ có thể có được thông qua việc chích ngừa đúng cách cho một số lượng lớn dân cư của cộng đồng đó.

Một y tá của Bệnh viện Đại học Bordeaux mang mẫu được lấy từ bệnh nhân vào ngày 9/3. (Ảnh:AFP)


Cư dân thưa thoáng là lợi thế chống dịch

*Thưa ông, tỷ lệ người chết bởi COVID-19 đang diễn biến ở châu Âu, 5-7% số người nhiễm là một con số khổng lồ. Ông nghĩ gì nếu thực tế diến biến xấu đến vậy? 

- Muốn nói đến tỉ lệ tử vong thì  phải nói đến các yếu tố dịch tễ liên quan bao gồm: Tuổi, giới, chủng tộc, điều kiện xã hội, điều kiện săn sóc y tế, văn hóa sống, trình độ dân trí, đặc điểm bệnh lý đi kèm ... rất nhiều yếu tố để khảo sát.

Nhưng có một yếu tố là: Tỉ lệ người già ở châu Âu cao hơn, các bệnh lý đang là gánh nặng của xã hội bao gồm Tiểu đường, Ung thư, Bệnh tim mạch ...

Đó là những căn bệnh mãn tính và đặc biệt thì tiểu đường và ung thư làm suy giảm đáng kể hệ thống miễn dich của những người này.

Tuy nhiên ở đâu tôi không biết nhưng ở Pháp, với cách tổ chức của nền y tế và hỗ trợ xã hội, tôi tin là không  đến mức trầm trọng.

Đặc điểm văn hóa sống của người Pháp cũng vậy, họ thích sống nơi vắng vẻ yên tĩnh cho dù để đi làm họ phải di chuyển xa. Khi bệnh dịch xảy ra, với văn hóa sống đó cũng dễ kiểm soát hơn. Ví dụ một thành phố ở vùng Bretagne chỉ có 18.000 dân, khi có 5 người nhiễm là cả thành phố đó bị cách ly. Việc dân cư ít tập trung cũng là một lợi thế cho chống dịch.

Người dân Pháp bắt đầu có tâm lý dự trữ (France info)
Một chi nhánh ngân hàng tại Paris đã đóng cửa vào ngày 16/3. (Ảnh: AFP)


* Thưa BS, tình hình đời sống người dân Pháp từ đầu dịch bệnh và cho đến hiện tại như thế nào?

- Thoạt đầu mùa dịch thì cho dù báo đài, TV nhắc tới căn bệnh này nhưng theo cảm nhận của tôi, người Pháp khá thờ ơ, nếu có chăng họ chỉ nhìn người Trung Hoa hoặc gốc châu Á với cặp mắt nghi ngại. Có thể nói mọi sinh hoạt bình thường.

Chỉ 2 tuần trở lại đây, khi số ca  nhiễm tăng lên và số người chết tăng lên thì dân chúng mới có sự quan tâm, khi bạn bè gặp nhau không còn ôm hôn, bắt tay ... như mọi khi mà chỉ cụng cùi chỏ vô nhau, mọi sinh hoạt vẫn bình thường chỉ tránh tiếp xúc không cần thiết.

Nhưng đặc biệt từ 3-4 ngày nay, khi lệnh thông báo khẩn cấp mức độ 3 từ Chính phủ đưa ra thì mới có hiện tượng mua sắm tích trữ. Tuy nhiên các siêu thị buôn bán thực phẩm vẫn mở cửa nên không có nạn thiếu hụt lương thực, thực phẩm, dù trên kệ có thể hết hàng, nhưng ngày hôm sau sẽ có trở lại. Điều đó theo tôi là tốt, vì tránh được việc có quá nhiều người khi lựa chọn sản phẩm, tiếp xúc với sản phẩm sẽ làm lây cho người sau nếu mang bệnh.

Bắt đầu từ đêm 16/3 thì mức độ cảnh báo tăng cao, chúng tôi gọi là mức độ 4, tức là mọi người ở yên trong nhà.

Chính phủ Pháp đã nâng mức cảnh báo lên mức độ 4, yêu cầu người dân ở yên trong nhà (Ảnh: TV5 Monde)
Trên đường phố chỉ còn lại các cảnh sát Pháp làm nhiệm vụ (Ảnh: Sputnik France)

Nói như thế nhưng thực tế những cơ quan quan trọng điều hành xã hội, điều hành kinh tế vẫn hoạt động. Người dân được yêu cầu ở trong nhà nhưng vẫn có thể đi mua thức ăn ở gần, mua thuốc lá, mua thuốc chữa bệnh, tuy nhiên phải xếp hàng bên ngoài các cửa hàng chứ không thể vô đầy bên trong như khi chưa có dịch.

Mọi biện pháp vô khuẩn được hướng dẫn kỹ lưỡng, cuối tuần qua người dân Pháp vẫn đi bầu cử. Tuy nhiên, hình ảnh phố phường, nhất là trung tâm các thành phố đúng là buồn bã hơn vì các nhà hàng, quán bar, cà phê, các cửa  hàng thời trang, mỹ phẩm, hoa tươi... đều đóng cửa.

Nhìn chung tôi cho là ổn, dù phải chấp nhận sự thật gò bó này trong tối thiểu là 2 tuần.

* Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho độc giả VietTimes!