Người Việt ở nước ngoài muốn về lại sợ mang họa về quê

VietTimes – Dịch bệnh COVID-19 hoành hành dữ dội, rất nhiều người Việt ở nước ngoài muốn về nhưng lại sợ mang họa về quê. Từ London (Anh), Nguyễn Quỳnh Trang – tốt nghiệp MBA, phụ trách marketing ở một công ty nội thất, nguyên giảng viên ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, đã dành cho VietTimes một cuộc phỏng vấn.
Dịch bệnh hoành hành dữ dội nhưng đeo khẩu trang trên tàu điện ngầm và nơi công cộng ở Anh vẫn bị kỳ thị. Nhân vật được phỏng vấn là người duy nhất đeo khẩu trang (Ảnh: NVCC)
Dịch bệnh hoành hành dữ dội nhưng đeo khẩu trang trên tàu điện ngầm và nơi công cộng ở Anh vẫn bị kỳ thị. Nhân vật được phỏng vấn là người duy nhất đeo khẩu trang (Ảnh: NVCC)

Thứ trưởng Bộ Y tế dương tính, đang cách ly và điều trị tại nhà

*Từ khi dịch bệnh càng lúc càng nóng lên tại nhiều nước, trong đó có vương quốc Anh, cuộc sống của Trang và gia đình có bị xáo trộn nhiều không?

- Hiện tại ở Anh điều đáng lo là suốt thời gian từ khi có dịch COVID-19 tới giờ mọi hoạt động, sinh hoạt, công việc, đi lại, vui chơi giải trí vẫn diễn ra bình thường, không hề có xáo trộn gì. Tất cả mọi người ở đây vẫn đi làm, ra đường, ăn nhậu, trẻ con vẫn đi học.

Chỉ tới mấy ngày gần đây mới bắt đầu có sự thay đổi, đường phố vắng hơn, một số công ty cho nhân viên nghỉ làm tại nhà. Hồi trước chỉ có China Town là ít người qua lại, nhưng hiện này rất nhiều nhà hàng đã trở nên vắng khách.

Nguyên nhân do số lượng bệnh nhân ở châu Âu tăng đột biến, số lượng người chết nhiều hơn, đặc biệt việc Thủ tướng Ý đã ra lệnh đóng cửa, phong tỏa cả nước, Tổng thống Mỹ đã cấm người từ châu Âu tới Mỹ trong vòng 30 ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế của Anh cũng đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Vì thế mọi người bắt đầu sợ hơn.

*Thứ trưởng Bộ Y tế Anh đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vẫn đang tự cách ly tại nhà, đúng không?

- Đúng vậy. Ở Anh việc xét nghiệm bệnh nhân không được vào viện hay qua trung tâm y tế mà gọi qua đường dây nóng 111. Tuy nhiên vì số lượng người gọi gần đây quá nhiều nên nếu bây giờ gọi 111 sẽ phải cả tiếng mới có người nghe máy.

Bạn sẽ được chọn lựa nút ở độ tuổi nào, khi trả lời các triệu chứng bệnh, nếu thấy chỉ là cúm thông thường, hoặc ít biểu hiện, hoặc độ tuổi của người đăng ký vẫn còn trẻ, họ sẽ khuyên tự cách ly tại nhà, theo dõi tiếp.

Nếu thấy nặng và có nguy cơ mắc bệnh thật, họ sẽ đồng ý cho xét nghiệm. Nhưng đồng ý nghĩa là bạn phải vào waiting list (danh sách đợi). Phải vài ngày sau mới được xét nghiệm. Lấy mẫu xét nghiệm xong 3 ngày sau mới có kết quả.

Nếu kết quả dương tính, họ sẽ xét tùy mức độ nặng nhẹ để bạn được điều trị tại nhà hay cho vào viện. Không có phong tỏa, xịt khử trùng, và chỉ định cách ly đều phụ thuộc vào ý thức bệnh nhân.

Chỉ trường hợp nào cao tuổi, hoặc có tiền sử bệnh mới được vào viện điều trị. Một phần do điều kiện y tế không đáp ứng nổi, cũng có thể là do quan niệm rằng cứ để dịch tự lây lan cho người dân có kháng thể tự nhiên, bệnh viện còn phải giành chỗ cho các bệnh nhân khác.

Hàng hóa trên các quầy hàng ở Anh bắt đầu được mua hết rất nhanh
Hàng hóa trên các quầy hàng siêu thị ở Anh bắt đầu được mua hết rất nhanh, nhưng không ai đeo khẩu trang ở nơi công cộng (Ảnh: NVCC)

Đeo khẩu trang chống dịch sẽ bị kỳ thị

*Như nhiều người sống ở Anh cho biết thì người Anh không đeo khẩu trang phòng dịch. Thậm chí ai đeo khẩu trang còn bị kỳ thị. Điều đó có đúng không?

- Ở đây, ai đeo khẩu trang có nghĩa là người đó bị bệnh, bước lên tàu điện sẽ bị nhìn kiểu khó chịu hoặc xa lánh vì họ nghĩ bạn đã nhiễm bệnh.

Bác sĩ còn khuyên không nên đeo khẩu trang, không ngăn được virus, dễ bị nhiễm hơn. Không ai đeo khẩu trang nhưng vẫn không có mà mua, hoặc rất là đắt nếu mua online.

Vẫn biết khẩu trang không phải là tất cả nhưng vẫn phải phòng dịch. Đeo chiếc khẩu trang mà thấy cuộc sống thật mong manh.

Thống kê tới hôm 12/3, ở Anh có 10 người thiệt mạng vì COVID-19 trên tổng số 590 người nhiễm. Nhưng có thể là số người nhiễm ở Anh không phải con số chính xác vì người dân chưa được kiểm tra, nếu xét nghiệm toàn bộ, có thể con số dương tính cũng không quá chênh lệch so với Ý.

Chính phủ Việt Nam đang làm thực sự rất tốt. Nếu ai không sống ở Anh hoặc không thật sự cần thiết, hãy hết sức cân nhắc việc sang Anh lúc này, và cả Châu Âu nữa, đặc biệt là những nước bùng phát dịch cao như Ý, Pháp, Đức.

Nhiều quầy hàng tại các siêu thị ở Anh trống trơn nếu đi mua vào cuối ngày (Ảnh: NVCC)
Nhiều quầy hàng tại các siêu thị ở Anh trống trơn nếu đi mua vào cuối ngày (Ảnh: NVCC)

Cần kit test COVID-19 trước khi lên máy bay

*Rất nhiều gia đình sống tại tâm dịch Hàn Quốc đã phải chọn giải pháp gửi con nhỏ về quê trước để nhờ người thân chăm sóc. Người Việt ở Đức cũng vậy. Còn với chị thì sao, chị và gia đình có ý định về Việt Nam lúc này?

– Thấy việc chữa trị và cách ly an toàn ở Việt Nam, tôi cũng muốn trở về nhưng tôi muốn được xét nghiệm chắc chắn rằng mình có mắc bệnh hay không, chứ sợ nhỡ mang mầm bệnh lên máy bay, lây cho người khác thì khổ, ảnh hưởng cả nước.

* Như trường hợp lưu học sinh Việt từ London nhập cảnh Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN50 sáng 12/3, muốn về nhưng không may đã bị sốt, ho, lên chuyến bay rồi mới thông báo vì sợ bị từ chối vận chuyển thì đến lúc dư luận lật lại lên án cũng không phải là vô lý. May mà cô gái đó có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Gia đình chị đã hỏi Đại sứ quán VN tại Anh xem các trường hợp công dân Việt muốn về mà chẳng may bị sốt thì thế nào chưa?

- Hiện nay vẫn có chuyến bay từ Anh về Việt Nam nên công dân muốn bay về là cứ bay thôi. Nhưng đó là các trường hợp bình thường. Nếu bị sốt, có thể hãng hàng không sẽ từ chối vận chuyển. Những ngày này, rất nhiều sinh viên đã được bố mẹ giục về nước. Nhiều người có con nhỏ ở Anh cũng đã gửi con về trước.

Vì nhìn thấy những trường hợp như Nguyễn T, bệnh nhân số 32 thuê máy bay riêng về Việt Nam cũng chưa được xét nghiệm tại Anh và bác sĩ ở Anh chỉ kết luận cúm thông thường, về nhà theo dõi. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện bỏ gần 10 tỷ đồng thuê một chuyến máy bay riêng để trở về quê hương, vẫn phải sử dụng các dịch vụ công cộng.

Ở đây tốc độ xét nghiệm chậm, trong khi dịch đã lan rất nhanh do không có chiến lược khoanh vùng. Tôi có 2 con nhỏ nên rất muốn về nhưng vẫn phải cân nhắc. Vì chúng ta là nước nghèo, vẫn phải nghĩ đến cho quốc gia. Không sốt, không ho vẫn có thể mang mầm bệnh trong người. Kể cả về đến nơi, được đưa đi cách ly thì vẫn có nguy cơ lây lan những người bay cùng chuyến bay.

Hơn nữa, câu hỏi đặt ra là sẽ phải ứng xử thế nào với dòng người Việt từ châu Âu trở về khi tình trạng hiện nay như Ý đã không đủ khả năng đối phó với COVID-19.

Nguyễn Quỳnh Trang và hai con đang sống tại London (Ảnh: NVCC)
Nguyễn Quỳnh Trang và hai con đang sống tại London (Ảnh: NVCC)

Tôi đề nghị giải pháp Nhà nước có chính sách gửi bộ kit test COVID-19 sang Đại sứ quán các nước và có chuyên gia y tế xét nghiệm trước cho những người muốn trở về.

Việc phân loại người nhiễm giúp chúng ta có biện pháp an toàn khi đưa từng nhóm đối tượng trở về và cách ly đầy đủ thì sẽ an toàn hơn cho cả đoàn bay, nhân viên hàng không, hành khách và cả quê nhà.

*Cảm ơn và chúc Trang cùng gia đình mạnh khỏe!

Hình ảnh: Được nhân vật gửi về từ London