Tuy nhiên, kết thúc chương trình, không ít khách mời và dự khán buổi lễ đã cùng phải nhìn nhận, công tác chuẩn bị, tổ chức của BKAV có “quá nhiều hạt sạn”, dẫn đến những phản cảm nhất định từ cộng đồng quan sát, dù các thông tin về “siêu phẩm” BPhone được ghi nhận là tích cực.
Sản phẩm chất lượng?
Đây là điểm được đánh giá cao từ cộng đồng công nghệ và những ai quan tâm đến sản phẩm của BKAV, suốt trong mấy tháng qua. BPhone, với các thông tin, dữ kiện được tập đoàn công nghệ này trình diễn suốt gần 2 giờ đồng hồ, trên sân khấu, và trong các phòng trải nghiệm, thể hiện một đẳng cấp thật sự, tầm nhìn phát triển hợp lý.
Theo một số chuyên gia công nghệ, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV và những cộng sự của mình, đã có sự chuẩn bị khá tốt suốt hơn 4 năm trời đầu tư vào định hướng sản xuất BPhone. Có lẽ, do đây là lựa chọn mang tính tất yếu, đúng thời điểm phải thay đổi sản phẩm, chiến lược cạnh tranh thị phần mà tập đoàn BKAV đặt ra, nếu muốn đi xa trong thời gian tới.
Một chuyên gia CNTT đến từ TP.HCM (đề nghị không nêu danh) nhận xét: Từ một đơn vị chuyên về quản trị an ninh mạng, với những “gói thầu” gắn kết với hành chính công, đầu tư công, bối cảnh của BKAV sau năm 2009 đã là phải thay đổi, cần tìm hướng đi vào các ngách thị trường công nghệ có “sản phẩm chất xám”. Do đó, việc tập đoàn này quyết tâm chọn mảnh đất “điện thoại di động” để đầu tư, tạo sản phẩm cạnh tranh thực sự, là tất nhiên. Nhất là, nhằm tạo cho được thế mạnh nối kết các sản phẩm, dịch vụ đã từng có lợi thế, BKAV phải làm được sản phẩm “hơn người”.
Ngay tại lễ ra mắt, BPhone đã bị vấp nhiều lỗi "kỹ thuật" do khâu chuẩn bị kém.
Cho nên, việc Bphone có thiết kế chặt chẽ, khoa học, chính xác hơn, ứng dụng các thành tựu công nghệ xuất sắc hơn, đi trước thời cuộc, đánh đúng vào các mục tiêu công nghệ mà các hãng thiết bị khác đang cùng nghĩ đến, thật sự thể hiện quyết tâm thành công cũng như lựa chọn đúng hướng của tập đoàn BKAV.
Những tính năng “khác biệt” như công nghệ trao đổi dữ liệu tầm gần Transfer Jet có tốc độ “nhanh gấp 500 lần NFC”, ứng dụng công nghệ âm thanh chất lượng 24 bit 192 kHz, hình ảnh 4K có khả năng ghi 120 hình trên giây..., hay hệ điều hành 5.0 xử lý riêng biệt tên gọi BOS thân thiện hơn, bảo mật tốt hơn..., là những điểm sáng nổi bật mà BPhone, với vị thế khát khao trở thành một “smartphone đẹp hơn các smartphone hàng đầu trên thế giới” đã làm tốt.
Xét toàn cục về kỹ thuật, sự có mặt của Bphone trên thị trường, đối diện với những quá khứ chưa từng làm được của công nghệ Việt, là BKAV có điểm thắng!
Bất cập thái độ
Tuy nhiên, ngay trong buổi trình diễn đầu tiên, BKAV đã thể hiện một thái độ bất cập, gây dị ứng với cộng đồng và qua đó khiến cảm nhận về Bphone bị giảm sút nặng nề.
Phóng viên công nghệ nước ngoài trải nghiệm BPhone tại lễ ra mắt.
Trước hết, BKAV đã có một buổi trình diễn đơn điệu, với kiểu cách “lấn át người xem” với phong cách diễn thuyết “na ná lãnh đạo Apple” (ý kiến của một số thành viên giới công nghệ TP.HCM) không mấy tế nhị.
Ngôn ngữ, động tác, thông tin... của các thành viên lãnh đạo BKAV thể hiện một thái độ “xuất sắc”, nổi trội, trong khi các khâu tổ chức lại... không hề được điểm.
Mạng wifi hỗ trợ đứt quãng, giới công nghệ truyền thông phải tự bật 3G để làm việc suốt buổi. Khâu truyền hình trực tiếp qua kênh eMeeting, một sản phẩm được quảng bá rầm rộ của BKAV, cũng “bị sập”.
Không dưới 3 lần, ông Nguyễn Tử Quảng cùng cộng sự đã bị "ngẩn tò te” khi cố thể hiện điểm xuất sắc của BPhone, nhưng trình diễn game không được, trình diễn âm thanh “rất giống với hát nhép”, và truyền dữ liệu tầm gần... quá khó khăn.
Thậm chí theo cộng đồng công nghệ, những đoạn phim, âm thanh... được trình chiếu, là dễ được "dàn dựng cắt ghép", càng thể hiện sự nghi vấn của cộng đồng về thực chất chất lượng BPhone.
Hơn thế nữa, các phần đoạn làm thủ tục, bố trí chỗ ngồi cho quan khách, tổ chức trải nghiệm chen lấn trong những phòng ốc chật chội..., đã khiến buổi lễ ra mắt Bphone đầy những hạt sạn, không thoải mái cho người xem.
Bphone, được công nhân là có chất lượng tốt, nhưng sẽ chưa thực sự thuyết phục thị trường.
Thứ hai, việc BKAV liên tục so sánh trực tiếp sản phẩm với các tên tuổi cạnh tranh, như Apple, Samsung, đã dẫn đến sự phản cảm của người nghe. Không ít thành viên yêu thích công nghệ lập tức bày tỏ thái độ trên mạng xã hội khi theo dõi buổi lễ, rằng họ không nghĩ đó là một lựa chọn thông minh, của một tập đoàn có các quan hệ kinh doanh quốc tế. Việc so sánh để nổi bật hơn với sản phẩm khác, trong khi thông tin phản hồi từ chính đối thủ truyền thông ấy lại không có, đã khiến cộng đồng dị ứng với BKAV.
Thứ ba, BKAV đã công bố những mức giá bán ra của BPhone, thấp hơn các dự báo đồn đoán, nhưng... vẫn vượt hơn khả năng. Điều này, được khá nhiều nhà báo, cá nhân truyền thông tham gia trải nghiệm nhìn nhận. Phóng viên báo điện tử Một thế giới nhận xét thẳng: “Một sản phẩm chưa có tên tuổi, chưa giúp khách hàng trải nghiệm được lô đầu tiên, mà vẫn so sánh và đặt ra mức giá xấp xỉ các sản phẩm đã bán chạy hàng triệu chiếc, có thương hiệu nổi tiếng, là nên cân nhắc lại. Một cách khôn ngoan hơn, BKAV nên có động thái “giảm giá trải nghiệm”, chỉ còn khoảng 60 – 70% mức giá mà mình mong bán được, mới hy vọng được cộng đồng đón nhận”.
Với những bất cập trong thái độ đó, kết thúc sự kiện ra mắt Bphone, BKAV tiếp tục là thương hiệu “bị đánh giá”, và sản phẩm vì vậy bị chiếu xét dưới những góc nhìn chưa thực sự thắng lợi, như mong muốn của tập đoàn công nghệ này. Giới công nghệ nhìn nhận khả năng tiêu thụ của sản phẩm vì vậy sẽ chưa thể cao, và nếu không cải thiện thái độ trong thời gian đến, Bphone rất dễ “bị trượt dài”.
Theo Bizlive