Sự thật những cái “nhất quả đất” của Bkav BPhone

"Thật không thể tin nổi!" và nhiều "cái nhất" được dùng trong sự kiện ra mắt BPhone. Để làm sáng tỏ những chi tiết này, sau đây là các chi tiết "nhất quả đất" và "không thể tin nổi" được Bkav nói về BPhone được Blog Công nghệ chọn ra để làm rõ hơn.
BPhone phiên bản màu trắng tại sự kiện ra mắt ngày 26-5 (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh
BPhone phiên bản màu trắng tại sự kiện ra mắt ngày 26-5 (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Đây không phải là bài viết đánh giá trải nghiệm sản phẩm, không soi vào các vấn đề hình ảnh "bươm bướm", so sánh với iPhone 6 Plus hay nhạc chuông, thay vào đó, Blog Công nghệ - Nhịp Sống Số chỉ làm rõ hơn những chi tiết trong phần giới thiệu của Công ty Bkav về chiếc điện thoại BPhone đang gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội và diễn đàn.

Bạn đọc có thể cung cấp thêm những quan điểm trao đổi và góp ý ở phần bình luận bên dưới.

Sau đây là các chi tiết "nhất quả đất" và "không thể tin nổi" được Bkav nói về BPhone được Blog Công nghệ chọn ra để làm rõ hơn.

Hệ điều hành BOS hay Android?

BPhone dùng hệ điều hành BOS, (BOS ở đây có thể hiểu là Bkav Operating System), và được giới thiệu là "trên nền Android 5.1 Lollipop". Điều này tạo luồng tranh luận trên mạng xã hội Facebook, nhiều người cho rằng tại sao không nói là "Android" và gói giao diện của Bkav (hay B Launcher), mà lại gọi BOS?

Phần giới thiệu không nói rõ BOS trên Android là bản Android "thương mại" do Google cung cấp cho các hãng sản xuất điện thoại kèm theo những điều khoản quy định hay phiên bản nguồn mở Android Open Source Project.

Giao diện "hệ điều hành BOS" của BPhone có sự hiện diện các ứng dụng và dịch vụ Google - Ảnh: Nguyễn Khánh
Giao diện "hệ điều hành BOS" của BPhone có sự hiện diện các ứng dụng và dịch vụ Google - Ảnh: Nguyễn Khánh

Để hiểu rõ, bạn đọc có thể biết "Google không cung cấp bữa trưa miễn phí!", bên cạnh Android phiên bản thương mại của Google, còn một phiên bản mã nguồn mở mang tên Android Open Source Project (hay thường được gọi tắt là AOSP) cung cấp bởi liên minh mở Open Handset Alliance (OHA) do Google dẫn đầu cùng nhiều hãng công nghệ cùng nhà mạng viễn thông như: Qualcomm, Broadcom, HTC, Intel, Samsung, Motorola, Sprint, Texas Instruments, NTT Docomo, KDDI... Các tên tuổi lớn không có trong liên minh OHA gồm: Nokia, Symbian, Apple, BlackBerry (RIM), Microsoft, Verizon và Cingular.

Phiên bản Android tuy cung cấp miễn phí nhưng "phải" kèm theo gần 20 chục ứng dụng của Google và ký kết Mobile Application Distribution Agreement (MADA), từ Gmail, bản đồ Maps, "đám mây" Drive, YouTube, HangOuts, công cụ tìm kiếm Google Search... tràn ngập bên trong và xuất hiện lên giao diện chính (Home) của một chiếc smartphone Android khi đến tay người dùng. Miễn phí nhưng không miễn phí!

Lấy ví dụ hai hãng điện thoại Xiaomi có hệ điều hành MIUI và Oppo có ColorOS, cả hai HĐH này đều dựa trên nền Android. Tùy thuộc vào việc ký kết với Google mà Oppo hay Xiaomi có thể can thiệp sâu vào mã nguồn Android tới mức độ nào và thương mại hóa bản Android đã được thay đổi của họ.

Một số nhà sản xuất như Samsung, tuy tự phát triển một hệ sinh thái hùng hậu gồm chợ ứng dụng Samsung Galaxy Apps, "đám mây"... nhưng bị "cái bóng" của MADA đè nặng nên vẫn phải có sự hiện diện của các ứng dụng/dịch vụ Google. Bên cạnh đó, theo điều khoản MADA, các phiên bản hệ điều hành dùng trên thiết bị Android phải "chống phân mảng", tức phải tương thích với các bản phát hành bởi Google. Do đó, Samsung chỉ dừng lại ở mức "hệ điều hành Android và giao diện TouchWiz UI".

Một ví dụ khác về làm điện thoại Android phiên bản "tự do", thoát khỏi các ràng buộc MADA của Google cần nhắc đến Amazon với chiếc smartphone Fire Phone dùng hệ điều hành Fire OS trên nền Android. Amazon loại hết các ứng dụng và dịch vụ của Google bao gồm cả chợ ứng dụng Google Play, thay vào bằng hệ sinh thái của mình.

Trải nghiệm BPhone tại sự kiện ra mắt ngày 26-5 tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Trải nghiệm BPhone tại sự kiện ra mắt ngày 26-5 tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trở lại với Bkav, BPhone có tích hợp sẵn các ứng dụng của Google như Ch Play (Google Play), Maps, Google Apps... nên có lẽ BPhone vẫn "lệ thuộc" vào MADA, dù ông Nguyễn Tử Quảng tuyên bố Bkav phát triển hệ điều hành BOS.

Ghi nhận ban đầu về BOS ở mức: thay đổi giao diện (UI) so với giao diện gốc của Android, thay đổi trải nghiệm người dùng (UX) tập trung vào sử dụng bằng "một ngón cái" để thêm "30% sướng" (theo Bkav), tích hợp sẵn một số ứng dụng gồm tường lửa, ứng dụng bảo mật... bên cạnh ứng dụng Google.

Công nghệ truyền tải Transfer Jet

BPhone không tích hợp công nghệ giao tiếp-tầm gần NFC hiện có trong hầu hết các smartphone tầm trung - cao cấp trên thị trường, thay vào đó là công nghệ Transfer Jet. Theo Bkav thì Transfer Jet có tốc độ truyền tải nhanh gấp 500 lần so với NFC.

Phần giới thiệu về Transfer Jet so sánh với NFC, Bluetooth và Wi-Fi Direct - Ảnh: Tấn Ba
Phần giới thiệu về Transfer Jet so sánh với NFC, Bluetooth và Wi-Fi Direct - Ảnh: Tấn Ba

Bkav nói không sai về tốc độ truyền tải. 

Để dễ phân biệt, sự khác biệt giữa Transfer Jet và NFC với Bluetooth và Wi-Fi Direct đó là khoảng cách. Transfer Jet và NFC buộc hai thiết bị phải "cọ xát" vào nhau, tức phải ở rất gần nhau mới truyền dữ liệu được. Trong khi đó, Bluetooth và Wi-Fi Direct cho phép hai thiết bị có thể truyền dữ liệu ở một khoảng cách nhất định.

Vậy vì sao các hãng không dùng Transfer Jet cho các smartphone hiện có, mà chỉ tích hợp NFC, Bluetooth và Wi-Fi Direct?

Transfer Jet là công nghệ hoàn toàn mới, tập trung vào truyền tải dữ liệu tốc độ rất cao do Sony và Toshiba phát triển (Sony giới thiệu Transfer Jet lần đầu tiên tại Triển lãm CES 2008) và được hậu thuẫn bởi các công ty công nghệ "đồng hương" như Hitachi, JVC-Kenwood, Nikon, Olympus, Panasonic, Pioneer, Seiko Epson. Tốc độ truyền tải của Transfer Jet ở mức 375 Megabit/giây (Mbps) ở khoảng cách 3 - 4cm giữa hai thiết bị.

Các ứng dụng truyền tải dữ liệu tốc độ cao qua công nghệ Transfer Jet - Nguồn: Toshiba
Các ứng dụng truyền tải dữ liệu tốc độ cao qua công nghệ Transfer Jet - Nguồn: Toshiba

Trong khi đó, NFC có tốc độ truyền tải 424 Kbps/giây ở khoảng cách dưới 20cm. NFC được phát triển từ công nghệ nhận dạng tần số radio (RFID), hướng tới việc giúp thiết bị di động, đặc biệt là smartphone có thể giao tiếp với nhiều thiết bị khác, như thanh toán di động (quẹt trả tiền), hay chuyển nhạc lên loa (quẹt smartphone vào loa). Google đã tận dụng NFC từ Android 4.0 (Ice Cream Sandwich) thành một chức năng truyền tải dữ liệu như hình ảnh, video, danh bạ... cho điện thoại Android qua tên gọi Android Beam. iPhone cũng tích hợp NFC nhưng chỉ áp dụng thanh toán di động Apple Pay.

NFC phát triển theo các tiêu chuẩn chuẩn hóa của ngành công nghiệp phù hợp với thị trường tiêu dùng, nên có mặt trên khắp các sản phẩm thiết bị di động như Sony, Google, Samsung, LG, HTC, iPhone cùng các máy quẹt thẻ, máy thanh toán di động...

Trong khi đó, Transfer Jet phát triển từ công nghệ riêng biệt, dù muốn thay thế NFC nhưng độ phủ của Transfer Jet chưa rộng, hay có thể nói là "chưa có gì trong tay". Ngay cả Sony thử nghiệm đưa Transfer Jet vào máy tính xách tay Vaio trước đây cũng trở nên "đơn độc", và dòng smartphone gần đây nhất là Xperia Z4 tích hợp NFC thay vì Transfer Jet.

Việc Bkav tích hợp Transfer Jet là một bước đi tiên phong đáng khen, nhưng loại hết các công nghệ kết nối còn lại thay vì dùng song song gây ra hạn chế rất lớn về độ tương thích để truyền tải dữ liệu với những thiết bị khác. 

Người dùng chỉ có thể truyền tải dữ liệu không dây giữa BPhone và BPhone qua Transfer Jet ở thời điểm hiện tại. Truyền tải dữ liệu không dây với các thiết bị khác như smartphone, máy tính... thì cần đến một thiết bị chuyển đổi (dongle hay adapter)

Các yếu tố khác

BPhone còn có các điểm nhấn là chụp ảnh trước lấy nét sau, tuy nhiên, hiện chưa rõ đây là yếu tố "phần mềm" tức ứng dụng chụp ảnh (camera) hay kết hợp cả phần mềm và phần cứng từ cảm biến ảnh của OmniVision.

Về ứng dụng, chưa thể nói thêm điều gì khi chưa có trải nghiệm thực tế về trình duyệt BChrome, tường lửa, ứng dụng bảo mật... 

Theo Tuổi trẻ