Các thương hiệu điện thoại di động trong nước đã xuất hiện từ những năm 2008 và đặc biệt trong khoảng thời gian từ 2009 đến năm 2010, các thương hiệu nội có khi đã chiếm tới 30% thị trường sân nhà.
Nhưng đấy là chuyện ngày xưa, hiện nay điện thoại Việt được người dùng nhắc đến điện thoại thương hiệu Việt là những mẫu máy ở phân khúc thấp. Chất lượng chỉ là máy không tên tuổi.
Điều gì đã mang đến định kiến này?
Khi các thương hiệu trong nước mới bắt đầu sản xuất điện thoại tung ra thị trường. Khi đó các thương hiệu lớn từ nước ngoài như Nokia hay Samsung lại không có nhiều mẫu máy ở phân khúc bình dân. Smartphone lúc đó mới xuất hiện và giá còn khá cao so với mặt bằng chung.
Điện thoại phổ thông của các nhà sản xuất trong nước xuất hiện để lấp vào chỗ trống trên thị trường với những mẫu máy đầy đủ các chức năng cần thiết với mẫu mã đa dạng và giá cả hợp lý.
Để có được nhiều mẫu mã với giá thành rẻ, các nhà sản xuất trong nước đã thực hiện bằng cách mua một mẫu máy tại Trung Quốc. Sau đó dán thương hiệu của mình lên để phân phối.
Trên thế giới, kể cả nổi tiếng như iPhone cũng là “Made in China” vậy điện thoại Việt cũng của Trung Quốc sản xuất thì có vấn đề gì không?
Thực tế thì điện thoại của các thương hiệu lớn đều ở dạng OEM, tức là các hãng đó tự thiết kế mẫu điện thoại của mình sau đó thuê một nhà sản xuất khác gia công mẫu điện thoại.
Chiếc điện thoại đến tay khách hàng chỉ có được sản xuất tại Trung Quốc mà toàn bộ thiết kế phần cứng và phần mềm được cài đặt đều là của thương hiệu nổi tiếng.
Ở trong nước, các thương hiệu điện thoại Việt trước đây thường sản xuất theo hình thức ODM, tức là doanh nghiệp mang yêu cầu của mình tới một đơn vị sản xuất điện thoại khác. Họ sẽ thiết kế và hoàn thiện các sản phẩm theo yêu cầu “đề bài ban đầu”.
Các doanh nghiệp yêu cầu sản xuất sẽ không mất bất kỳ chi phí nào cho việc phát triển sản phẩm ban đầu. Nhưng điều hạn chế của những sản phẩm này đó chính là chất lượng phần cứng và nâng cấp về phần mềm sau này hoàn toàn phụ thuộc vào đơn vị sản xuất.
Tự lắp ráp hay đặt hàng?
Việc tự đầu tư khép kín để có được một sản phẩm từ khâu thiết kế đến hoàn thiện sản phẩm đòi hỏi các doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí khổng lồ.
Trên thị trường hiện nay, hầu như rất ít các sản phẩm được doanh nghiệp trong nước đầu tư từ khâu thiết kế đến lắp ráp như Vivas Lotus S2 Eco của VNPT hay BPhone của BKAV sắp ra mắt.
Tấm chống nhiễu điện từ của Vivas Lotus S2 đầy dấu tay. Như vậy quy trình đảm bảo vệ sinh khi lắp ráp đã không được thực hiện đúng (ảnh: Vnreview)
Trong khi BKAV vẫn chưa có một thông tin chi tiết gì lộ ra ngoài thì những gì Vivas Lotus 2 đã được người dùng đã nắm rất rõ với cảm ứng ở góc màn hình không nhạy. Phần kính bảo vệ cách quá xa màn hình. Camera lồi lên so với vỏ máy. Chưa kể khi tháo máy ra sẽ phát hiện các linh kiện được lắp ráp rất ẩu.
Mới đây, dư luận rộ lên câu chuyện các doanh nghiệp trong nước còn không sản xuất nổi một con ốc đáp ứng cho Samsung lắp vào điện thoại của họ.
Thế nhưng trong một số hình ảnh khác về chiếc Bphone của BKAV, lần đầu xuất hiện tại triển lãm CES 2015, chiếc điện thoại này đã được đặt trong một hộp trưng bày rất chuyên nghiệp giống như các mẫu thử khác từ các hãng tên tuổi.
Bên cạnh đó hình ảnh về dây chuyền lắp ráp chiếc điện thoại này cũng cho thấy đây là một quy trình khá cẩn thận, phù hợp với một sản phẩm cao cấp.
Vậy là chuyện gia công tốt hay kém phụ thuộc trực tiếp vào sự lựa chọn của mỗi doanh nghiệp.
Người dùng cần gì?
Nếu so sánh điện thoại của thương hiệu nôi với các tên tuổi lớn thì rõ ràng các thương hiệu ngoại có chất lượng hoàn thiện tốt hơn. Phần cứng cũng vận hành tốt hơn, chưa kể đến những tối ưu về phần mềm được cài đặt sẵn.
Như vậy cái người dùng cần là một thiết bị được thiết kế tốt, đáp ứng được các yêu cầu trên chứ không hoàn toàn là việc thiết bị được lắp ráp trong nước hay từ một quốc gia nào đó.
Theo Bizlive