Bộ Y tế siết an toàn thực phẩm: Sửa luật, tăng phạt, truy tận gốc hàng giả

Trước tình trạng thực phẩm kém chất lượng, hàng giả tràn lan, Bộ Y tế đang chủ trì nhiều giải pháp mạnh: sửa luật, tăng chế tài, siết quảng cáo và truy tận gốc vi phạm.

Sửa luật, tăng chế tài

Tình trạng thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng, sữa giả, hàng hóa không nhãn mác, không rõ nguồn gốc được bày bán công khai – đặc biệt quanh trường học – đã trở thành mối lo của người dân ở nhiều địa phương. Cử tri đã gửi kiến nghị tới Quốc hội, đề nghị cần có biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng này, bởi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ nhỏ, mà còn phơi bày những bất cập trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay.

Trước kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đang được Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cả về pháp lý, tổ chức và công nghệ, hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân một cách thực chất.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết hàng loạt giải pháp để siết quản lý ATTP

Thông tin vào hôm nay, 10/7, đại diện Bộ Y tế cho biết: Một trong những bước đi quan trọng là Bộ Y tế đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật ATTP (sửa đổi), trình Chính phủ từ cuối năm 2024. Dự án luật này đã được bổ sung vào chương trình lập pháp năm 2025 và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 tới.

Bộ Y tế cũng đang chủ trì sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP – văn bản cốt lõi về quản lý thực phẩm – để khắc phục các bất cập hiện nay. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất sửa đổi Nghị định 115/2018 và 124/2021, nhằm tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP từ 1,2 đến 2 lần hiện tại.

Các hành vi trọng tâm được nghiên cứu để siết chặt gồm: Tự công bố sản phẩm không đúng quy định, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, dùng chất cấm, phụ gia ngoài danh mục, vi phạm điều kiện an toàn trong kinh doanh dịch vụ ăn uống và quảng cáo sai sự thật.

Bên cạnh xử phạt hành chính, Bộ Công an cũng đang đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự nhằm tăng mức phạt tù, phạt tiền đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực thực phẩm, qua đó nâng cao tính răn đe và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Tăng thanh tra, giám sát, truy tận gốc thực phẩm giả

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay: Từ năm 2020 đến nay, ngành y tế đã kiểm tra hơn 1,9 triệu cơ sở, xử lý trên 50.000 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 247 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2025, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương đấu tranh với thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, sữa giả và thuốc giả.

Trong tháng 5, các đoàn kiểm tra đột xuất được thành lập tại nhiều tỉnh để giám sát chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu nguyên liệu thực phẩm.

Bộ Y tế cũng đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ VHTTDL, Bộ Nông nghiệp và Môi trường... để điều tra, làm rõ nguồn gốc, triệt phá các đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm giả.

Một điểm đáng chú ý là việc phân cấp rõ ràng để tăng trách nhiệm quản lý: UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Lực lượng công an đã phát hiện nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng, sữa giả

Ứng dụng công nghệ, siết quảng cáo

Ngành y tế đã tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử lý các vụ thuốc giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả. Trên nền tảng chuyển đổi số quốc gia, Bộ Y tế đang xây dựng đề án ứng dụng CNTT trong giám sát ATTP đến năm 2030, tập trung vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phát hiện sớm nguy cơ ngộ độc và cảnh báo kịp thời đến người dân..

Một trong những nỗ lực đáng chú ý là Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ VHTTDL siết chặt công tác kiểm duyệt, xử lý nhiều cá nhân nổi tiếng quảng cáo sai sự thật về thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhất là trên nền tảng mạng xã hội.

Luật sửa đổi Luật Quảng cáo (có hiệu lực từ 2026) yêu cầu người chuyển tải quảng cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu nội dung không đảm bảo tính xác thực. Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới cũng sẽ phải chịu trách nhiệm gỡ bỏ nội dung sai phạm, khóa tài khoản vi phạm theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Công tác truyền thông và nâng cao nhận thức được coi là giải pháp bền vững. Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục công khai các hành vi vi phạm và hướng dẫn người dân nhận diện thực phẩm kém chất lượng.

Việc cử tri chủ động lên tiếng và được Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời thẳng thắn, chi tiết cho thấy một tín hiệu đáng mừng: Người dân đang quan tâm đúng mức, và cơ quan quản lý cũng đang phản hồi có trách nhiệm.

Tuy nhiên, để thực phẩm sạch thực sự đến tay người tiêu dùng, còn cần thêm quyết liệt trong kiểm tra, minh bạch trong xử lý, và kiên trì trong truyền thông.