Bộ Y tế đề nghị các tỉnh chưa tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh ngoài bảo hiểm y tế

VietTimes -- Sáng 8/5, Bộ Y tế cho biết đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, thành phố tạm thời chưa điều chỉnh giá dịch vụ khám,, chữa bệnh ngoài bảo hiểm y tế (BHYT). 

7 tỉnh ban hành quyết định tăng giá dịch vụ

Trước đó, có 7 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của HĐND điều chỉnh giá dịch vụ không do BHYT chi trả, gồm Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa, Hưng Yên, Đồng Tháp và Hà Nội.

Bác sĩ khám bệnh cho người dân
Bác sĩ khám bệnh cho người dân

Tại Hà Nội, Nghị quyết của HĐND TP quy định cụ thể về giá 10 dịch vụ khám, chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm của các hạng bệnh viện không được BHYT chi trả.  Phần lớn các dịch vụ tăng giá, các mức giá áp dụng theo Thông tư số 37/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lý giải việc tăng giá các dịch vụ y tế là do mức lương cơ sở hiện đã điều chỉnh lên 1.390.000 đồng. Bên cạnh đó, việc tăng giá dịch vụ y tế lần này phù hợp với quy định chung, nhằm tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ; tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, người dân sẽ thấy lợi ích của BHYT để tham gia và càng rõ hơn tầm quan trọng, ý nghĩa của việc tham gia BHYT, đảm bảo chủ trương tiến tới BHYT toàn dân, làm Quỹ BHYT bền vững hơn

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Hà Nội có 86,7% dân số trên địa bàn đã tham gia BHYT. Chỉ có 13,3% chưa tham gia BHYT do thuộc các đối tượng có mức sống ổn định và thuộc nhóm tham gia BHYT tự nguyện.

“Với tỷ lệ người chưa tham gia BHYT không cao (khoảng 13,3%), việc tăng giá dịch vụ y tế có thể được kiểm soát an toàn, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của thành phố cũng như không tạo sự biến động quá lớn về thị trường và giá cả trên địa bàn", ông Hiền nói. 

Bộ Y tế đề nghị xem xét thời điểm phù hợp điều chỉnh giá

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, mặc dù thực hiện mức giá theo Thông tư số 37/2018 chỉ tác động tới khoảng 12% dân số chưa tham gia BHYT và chỉ số giá tiêu dùng (CPI), song trong bối cảnh giá xăng dầu và giá điện đang được điều chỉnh tăng, việc tăng giá dịch vụ không do BHYT chi trả sẽ gây ảnh hưởng tới tâm lý của người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chưa có Nghị quyết của HĐND cân nhắc tạm thời chưa quyết định mức giá theo Thông tư, cũng như điều chỉnh ở thời điểm phù hợp, trong trường hợp giá dịch vụ y tế làm tăng CPI.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm rõ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế chỉ áp dụng cho người không có thẻ BHYT; thực hiện chủ trương xóa bỏ bao cấp qua giá, tính giá thị trường đối với các dịch vụ công có kiểm soát của Nhà nước; Ngân sách nhà nước chuyển từ chi thường xuyên, trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh, thành hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Bộ Y tế mong muốn người dân hiểu rằng, tuy nhiều dịch vụ tăng giá, nhưng mức tăng rất thấp, trong khi đó các dịch vụ giảm giá lại có tỷ lệ sử dụng nhiều và mức giảm sâu.

Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

Đặc biệt, do giá dịch vụ ngày giường bệnh đã bao gồm các chi phí điện, nước, vệ sinh buồng bệnh của người nhà bệnh nhân, nên Bộ đề nghị không thu tiền đối với người nhà vào thăm nuôi người bệnh dưới các hình thức như tiền áo vàng, tiền quần áo người nhà bệnh nhân.