Bộ Tư pháp Mỹ gọi người sáng lập TikTok là “cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Tư pháp Mỹ vừa đưa ra phản hồi về kiến nghị của TikTok muốn trì hoãn thời hạn lệnh cấm của Tổng thống Trump.
(ảnh minh họa: Getty Images)
(ảnh minh họa: Getty Images)

Hôm 23/9, TikTok đã đệ trình một kiến nghị sơ bộ lên tòa án Mỹ, yêu cầu Thẩm phán Liên bang ra án lệnh trì hoãn lệnh cấm của Tổng thống Trump đối với công ty này. Lệnh cấm của Tổng thống sẽ có hiệu lực một phần vào ngày 27/9 và có hiệu lực hoàn toàn vào ngày 12/11.

Theo tài liệu phản hồi của Bộ Tư pháp Mỹ được đệ trình vào thứ Bảy (26/9), các luật sư của Bộ Tư pháp đã cáo buộc Zhang Yiming (Trương Nhất Minh) - Giám đốc điều hành ByteDance  - có vai trò như một “cơ quan ngôn luận” cho nhà nước Trung Quốc. Ông Trương Nhất Minh đã có những phát biểu trước công chúng cho thấy ông “cam kết quảng bá cho các chương trình và phát ngôn của nhà nước Trung Quốc”.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng tuyên bố rằng “Trong trường hợp TikTok, dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trữ bên ngoài nước Mỹ gây ra rủi ro đáng kể”.

Người đứng đầu bộ phận bảo mật của TikTok trước đây đã tuyên bố rằng chính phủ Trung Quốc không thể truy cập dữ liệu người dùng vì các máy chủ TikTok được đặt tại Mỹ và do đó mọi hoạt động truyền dữ liệu đều phải thông qua chính phủ Mỹ.

Hồi cuối tháng 8, TikTok đã đệ đơn kiện chính phủ Mỹ, trong đó tuyên bố rằng lệnh hành pháp của Tổng thống Trump cấm ByteDance buôn bán với các công ty của Mỹ đã bỏ qua quyền của TikTok với “các thủ tục tố tụng theo quy trình hợp lệ”. Đơn kiện này cũng lập luận rằng các tuyên bố của chính phủ Mỹ về nguy cơ an ninh quốc gia là không có cơ sở.

Đầu tháng này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo sẽ ban hành lệnh cấm một phần việc tải xuống ứng dụng TikTok bắt đầu từ ngày 20/9. Lệnh cấm đó đã được hoãn đến ngày 27/9 và chính phủ Hoa Kỳ đã đe dọa cấm hoàn toàn ứng dụng vào ngày 12/11.

Cũng trong đầu tháng này, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã chấp nhận một thỏa thuận trong đó Oracle và Walmart trở thành đối tác trong thương vụ mua lại cổ phần TikTok. Oracle thông báo họ sẽ nắm giữ 12,5% công ty TikTok Global với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ bảo mật đám mây, trong khi Walmart cũng thông báo rằng họ đã được chấp thuận mua lại 7,5% cổ phần.

Các quan chức Mỹ được cho là đang “lăn tăn” với câu hỏi liệu thương vụ Oracle và Walmart nắm giữ cổ phần TikTok Global có giúp giảm đi các mối quan ngại về ăn ninh quốc gia hay không. Nó sẽ quyết định đến việc thỏa thuận này có được thông qua chính thức không.

Trong khi đó, chính phủ Mỹ đã tạm thời đồng ý với giá thầu của Oracle với TikTok; theo thông tin từ Bloomberg và Reuters.