Vì sao Microsoft lại thất bại trong thương vụ mua lại TikTok?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Microsoft đã ngỏ lời với ByteDance để mua lại hoạt động của TikTok tại Mỹ, nhưng Oracle mới là người được ByteDance chọn lựa. Các nhà phân tích nói rằng “như thế tốt hơn cho Microsoft”.
(ảnh minh họa: CNET)
(ảnh minh họa: CNET)

Microsoft đã thất bại trong việc mua lại các hoạt động của TikTok tại Mỹ sau khi công ty mẹ ByteDance đạt được thỏa thuận biến Oracle trở thành “nhà cung cấp công nghệ đáng tin cậy” ở Mỹ.

Oracle đã đệ trình một đề xuất lên Bộ Tài chính Hoa Kỳ để được phê duyệt và các chi tiết của thỏa thuận vẫn đang được tập trung xem xét.

Như chúng ta đều thấy, diễn biến các công ty Mỹ tìm cách mua lại TikTok là bất thường và liên tục thay đổi. TikTok là con tin trong căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Các bên đang cố gắng đưa ra một giải pháp nhằm hài lòng chính phủ hai nước cũng như chủ sở hữu TikTok.

Microsoft là công ty có mặt đầu tiên khi ByteDance cần hợp tác với một công ty Mỹ để vượt qua các nỗi lo ngại của chính phủ nước này về vấn đề an ninh, an toàn thông tin. Giới công nghệ đồn rằng Microsoft đề nghị mua loại hoạt động của TikTok tại Mỹ thông qua việc chuyển nhượng cổ phần dịch vụ điện toán đám mây Azure cho ByteDance, biến ByteDance trở thành một trong những khách hàng điện toán đám mây lớn nhất của mình. Hiện tại thì TikTok đang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của Google.

Tuy nhiên, khi áp lực chính trị gia tăng, thỏa thuận giữa Microsoft và ByteDance đã không thể trở thành một vụ mua bán như truyền thống, tức là giá cả phải được đặt lên hàng đầu. Thay vào đó, hai công ty tìm cách đưa ra các điều khoản nhằm thỏa mãn được yêu cầu của Nhà Trắng.

Nhưng đến hôm 13/9, Microsoft tuyên bố rằng họ đã bị ByteDance từ chối.

Nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities tin rằng “nhát kiếm kết liễu” Microsoft là khi chính phủ Trung Quốc sửa đổi quy tắc xuất khẩu công nghệ. Trung Quốc đã cập nhật một danh sách các công nghệ cao bị hạn chế hoặc cấm xuất khẩu. Điều đó đồng nghĩa với việc các công ty Trung Quốc muốn giao dịch công nghệ với nước ngoài đều phải được sự chấp thuận của Bắc Kinh. ByteDance cũng không phải là ngoại lệ khi nhiều công nghệ của hãng, chẳng hạn như thuật toán gợi ý video yêu thích theo từng cá nhân (dùng trong TikTok), được đánh giá rất cao.

“Microsoft sẽ chỉ mua lại TikTok nếu thuật toán và mã nguồn là một phần của thỏa thuận”, Dan Ives nói với phóng viên Business Insider. “Một khi các quy tắc buôn bán thay đổi, về cơ bản nó là một liều thuốc độc cho thỏa thuận giữa Microsoft và ByteDance. Satya Nadella (CEO Microsoft) không bao giờ muốn một thương vụ như thế”.

Thua trong thương vụ TikTok là điều tốt cho Microsoft?

Giám đốc điều hành ByteDance Zhang Yiming (bên trái) và Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella (ảnh: Getty Images)
Giám đốc điều hành ByteDance Zhang Yiming (bên trái) và Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella (ảnh: Getty Images)

Việc Microsoft tham gia vào tiến trình mua lại TikTok đã gây bất ngờ với nhiều người bởi TikTok dường như không liên quan đến hoạt động kinh doanh hiện tại của người khổng lồ Mỹ - vốn chủ yếu tập trung vào điện toán đám mây và phần mềm doanh nghiệp.

Có rất nhiều giả thuyết về lý do Microsoft muốn mua lại TikTok. Ít ai biết được Microsoft cần TikTok để làm gì, nó phù hợp với hoạt động kinh doanh nào của công ty.

Theo lý giải của Dan Ives thì có vẻ như Microsoft đang tìm kiếm một “Next Big Thing” – hướng kinh doanh hay sản phẩm, dịch vụ lớn tiếp theo của hãng.

Mảng kinh doanh phần mềm doanh nghiệp và điện toán đám mây của Microsoft đang hoạt động tốt. Trong khi Microsoft gần đây đã thực hiện cắt giảm lỗ trong một số lĩnh vực hoạt động và ưu tiên các thế mạnh, thì việc mua lại TikTok cho thấy Microsoft mong muốn mua lại người dùng. Có thể hãng muốn nhảy vào lĩnh vực Mạng xã hội.

Nhưng nhà phân tích Patrick Moorhead của Moor Insights & Strategy cho rằng Microsoft nên gắn bó với phần mềm doanh nghiệp. Moorhead nói với Business Insider: “Microsoft đã né được một viên đạn bằng cách không mua TikTok. Họ nên tập trung vào phần mềm cho doanh nghiệp và các ứng dụng cải thiện hiệu suất”.

Nhà phân tích Daniel Newman của Futurum Research cũng đồng tình với ý kiến này. Ông Newman nói rằng thất bại trong thỏa thuận không phải là một tổn thất với Microsoft. Hiện Microsoft đã có các hoạt động kinh doanh khá đa dạng và thành công như điện toán đám mây Azure, ứng dụng video chat Teams, các dòng máy tính Surface cũng như các ứng dụng và sản phẩm dành cho nhà phát triển.

“Microsoft chắc chắn có thể xem xét hoặc theo đuổi các giao dịch giống như với TikTok với mục tiêu là mở rộng quy mô hoặc làm bàn đạp cho lĩnh vực kinh doanh mới. Nhưng tôi không tin rằng bất kỳ giao dịch nào kiểu này Microsoft cũng nhất định phải giành chiến thắng. Thắng trong thương vụ với TikTok có thể mở ra một cánh cửa mới, nhưng Microsoft sẽ tiếp tục con đường của mình vốn đã được chứng minh là hiệu quả. Tôi không thấy đây là điều Microsoft phải hối tiếc”, ông Newman nói.

Nhà phân tích Daniel Elman của Nucleus Research thì nói rằng Microsoft nên tập trung vào mảng kinh doanh đám mây của mình hơn là thực hiện một thương vụ mua lại một mạng xã hội. Elman nói: “Mạng xã hội không phải là một thành phần mà Microsoft cung cấp và họ không thực sự cần phải đầu tư xây dựng một mạng xã hội vì nó có thể sẽ không mang lại lợi nhuận cho họ”.

Theo thông tin mới nhất, ngày hôm qua 18/9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ tuyên bố, kể từ ngày 20/9 TikTok sẽ bị cấm cập nhật và phân phối ở thị trường Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là TikTok sẽ biến mất khỏi các kho ứng dụng Android và iOS tại Mỹ từ thời điểm đó. Lệnh này cũng cấm các công ty Mỹ “cho phép hoạt động hoặc tối ưu hóa ứng dụng TikTok” tại thị trường Mỹ kể từ ngày 12/11 - nhằm ngăn chặn người dùng tiếp tục sử dụng sản phẩm này. Điều đó có nghĩa là nếu không có thỏa thuận nào đạt được giữa ByteDance và Oracle mà được sự chấp thuận của chính phủ Mỹ, thì TikTok sẽ chính thức biến mất tại quốc gia đông dân thứ ba thế giới này.