|
Việc "loạn" SIM di động gây khó khăn cho công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. |
Thực tế, việc mua bán thông tin cá nhân, việc mua, bán, lưu thông SIM thuê bao di động sai quy định vẫn tiếp tục phổ biến. Đồng thời, nhiều đại lý bán sim di động cố tình phớt lờ các quy định của cơ quan quản lý về đăng ký thông tin thuê bao, nhất là thuê bao trả trước. Chính việc này đang gây bức xúc ngày càng tăng trong xã hội và gây khó khăn cho công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, nguyên nhân của thực trạng này một phần là do các tổ chức, trong đó có các doanh nghiệp viễn thông chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật thông tin riêng của khách hàng, một phần nữa là do sự thiếu ý thức trong việc tự bảo mật thông tin cá nhân và trách nhiệm đăng ký chính xác thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Theo đó, để tăng cường các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ, ngăn chặn việc mua bán, lưu thông SIM thuê bao di động sai quy định, nhằm tiếp tục hạn chế việc phát tán tin nhắn rác, Bộ trưởng TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông và các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an để kiểm tra, xác minh, xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông di động cần xử lý nghiêm các tổng đại lý, đại lý bán SIM, đại lý bán SIM, các điểm đăng ký thông tin thuê bao và các cá nhân thuộc doanh nghiệp có hành vi kích hoạt SIM chưa đăng ký thông tin thuê bao, mua bán, lưu thông trên thị trường SIM sai quy định; mua bán, trao đổi, tiết lộ thông tin thuê bao trái pháp luật.
Về việc phát triển mạng 4G, Bộ TT&TT đã có báo cáo gửi Chính phủ và đang trong quá trình hoàn thiện công tác cấp phép triển khai dịch vụ 4G. Cụ thể, đầu năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển băng rộng quốc gia đến năm 2020. Chương trình có mục tiêu xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, an toàn, dung lượng lớn và có tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ đa dạng rộng khắp cả nước. Ngoài ra, chương trình cũng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng băng rộng di động 3G/4G phục vụ 95% dân số vào năm 2020.
Ngoài ra, qua theo dõi và đánh giá, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy năm 2016 đã hội tụ tương đối đầy đủ các điều kiện để Việt Nam có thể triển khai thành công 4G. Hiện nay, nhu cầu sử dụng các dịch vụ đòi hỏi băng rộng xuất hiện ngày càng nhiều; các chủng loại, thiết bị 4G (cả thiết bị mạng và đầu cuối) đa dạng và giá ngày càng giảm; các doanh nghiệp đã sẵn sàng kế hoạch đầu tư triển khai 4G.
Hiện nay một số doanh nghiệp viễn thông đã được cấp phép thử nghiệm 4G LTE-A sẽ có báo cáo kết quả, trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét cấp phép chính thức.
Đánh giá chung về tình hình hoạt động trong tháng 7-8/2016, Bộ TT&TT đã chủ động hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới và các văn bản hướng dẫn Luật An toàn thông tin mạng, xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Báo chí và các đề án trong Chương trình công tác trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ 6 tháng cuối năm 2016.
Cũng trong thời gian này, Bộ đã tổng hợp danh sách tên miền cần bảo vệ, ban hành danh mục từ khóa, tên miền nhạy cảm và rà soát giữ chỗ tên miền theo yêu cầu từ các cơ quan nhà nước. Tổ chức Hội nghị giao ban thành viên địa chỉ IP, Hội thảo Bảo vệ thương hiệu Việt với tên miền “.vn”. Tháng 7, 8/2016, đã phát triển thêm 20.770 tên miền “.vn”, tổng số tên miền “.vn” đang duy trì là 375.372 tên miền; có 35.479 tên miền tiếng Việt đăng ký mới, tổng số tên miền tiếng Việt hiện đang tồn tại trên hệ thống là 934.053 tên miền; có 14 khối /22 địa chỉ IPv4 được cấp mới, tổng số địa chỉ IPv4 của Việt Nam là 15.829.760; có 01 khối /48 và 01 khối /32 địa chỉ IPv6 được cấp mới, tổng số các vùng địa chỉ IPv6 của Việt Nam là 40 khối /48 và 23 khối /32.