Bộ TT&TT giữ vị trí số một trong các hoạt động triển khai văn bản điện tử và chữ ký số

VietTimes -- Chiều ngày 11/4/2019, phát biểu tại buổi làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ về triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định: Bộ TT&TT là Bộ tiên phong, giữ vị trí số một trong các hoạt động triển khai văn bản điện tử và chữ ký số.
Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ TT&TT
Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ TT&TT

Được biệt, hiện nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến đang được Bộ TT&TT cung cấp là 197 dịch vụ, trong đó có 57 dịch vụ công mức độ 3 và 14 dịch vụ công mức độ 4. Theo kế hoạch năm 2019, Bộ phải triển khai 23 DVCTT mức độ 3 và phải cung cấp ít nhất 30% số DVCTT mức độ 4. Để thực hiện được chỉ tiêu này, Bộ sẽ phải cung cấp thêm ít nhất 46 DVCTT mức độ 4.

Theo báo cáo, hiện nay mới chỉ có khoảng 15-20% DVCTT của Bộ phát sinh thủ tục trên mạng, khoảng 80% còn lại vẫn được thực hiện trực tiếp hoặc qua đường bưu chính. Nguyên nhân vì nộp trực tiếp, qua đường bưu chính thuận tiện hơn, đã trở thành thói quen, người dân, doanh nghiệp không muốn thay đổi hoặc công tác truyền thông về tiện ích của các dịch vụ này còn chưa tốt.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hưng khẳng định về ứng dụng CNTT hiện nay Bộ TT&TT là Bộ tiên phong, giữ vị trí số một trong các hoạt động triển khai văn bản điện tử và chữ ký số.

Thứ trưởng chỉ đạo chủ trương đối với vấn đề thanh toán trực tuyến các DVC là thanh toán tập trung. Do vậy, Cục Tần số vô tuyến điện và Trung tâm Thông tin phối hợp xây dựng các giải pháp cho vấn đề này. Thứ trưởng cũng đã giao nhiệm vụ xây dựng giải pháp kỹ thuật trong định danh và xác thực điện tử cho Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia, bổ sung vào nhiệm vụ phải triển khai của đơn vị này trong năm 2019.

Đối với việc phải cung cấp ít nhất 30% số DVCTT ở cấp độ 4 trong năm 2019, Thứ trưởng chỉ đạo việc cung cấp DVCTT là nhằm đạt tới mục tiêu tạo sự thuận tiện, nhanh chóng trong việc cung cấp DVC cho người dân, quy trình cung cấp dịch vụ minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên không nên quá cứng nhắc phải đạt bằng được mục tiêu 30%. Các đơn vị cần có văn bản phân tích, đánh giá những dịch vụ nào nên thực hiện và không nên thực hiện và nêu rõ lý do.  Trung tâm Thông tin sẽ tổng hợp  phân tích các nội dung trên để trình lên lãnh đạo Bộ để Bộ báo cáo Văn phòng Chính phủ.