|
Báo cáo công tác tháng 5 của Bộ TT&TT cho biết, Bộ TT&TT đã hoàn thiện các thủ tục xác định giá trị doanh nghiệp và triển khai các bước công việc tiếp theo của kế hoạch cổ phần hóa Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Bộ TT&TT cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất vận dụng cơ chế tiền lương của Viettel cho MobiFone.
Cơ chế tiền lương đặc thù của Viettel được áp dụng từ tháng 1/1/2011 theo Nghị định 65/2011/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý tiền lương đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) giai đoạn 2011-2013.
Theo Nghị định này, Quỹ tiền lương thực hiện hàng năm của Viettel được xác định trên cơ sở đơn giá tiền lương và chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có lương thực tế thực hiện. Trường hợp Viettel không bảo đảm chỉ tiêu lợi nhuận và năng suất lao động theo quy định trên thì phải giảm trừ quỹ tiền lương để bảo đảm các điều kiện theo quy định.
Căn cứ quỹ tiền lương thực hiện, Viettel có trách nhiệm xây dựng quy chế trả lương đối với người lao động bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, gắn tiền lương với mức độ hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, khuyến khích được người lao động có tài năng, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, năng suất lao động cao, đóng góp nhiều cho Viettel.
Nghị định quy định rõ, khi xây dựng quy chế trả lương, Viettel phải lấy ý kiến Ban Chấp hành công đoàn của Tập đoàn, báo cáo Bộ Quốc phòng có ý kiến trước khi thực hiện và phổ biến đến từng người lao động.
Tại Hội nghị Triển khai Nhiệm vụ Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 2014 - 2015 diễn ra ngày 18/2/2014, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho rằng: "Tái cấu trúc ngoài việc thay đổi chiến lược kinh doanh thì cơ chế vận hành cũng hết sức quan trọng. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu một cơ chế mang tính đột phá để doanh nghiệp Nhà nước phát triển, đặc biệt là cơ chế lương. Hiện tại, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước đều phải tuân theo cơ chế thị trường nhưng lương lại không theo. Chính phủ có thể cân nhắc phương án thưởng cho cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước trên tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận sau thuế".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Viettel có năng suất lao động đạt tới 6,5 tỷ đồng/người/năm. Từ khi áp dụng cơ chế tiền lương mới, doanh thu bình quân mỗi năm tăng gần 20% nhưng số lượng nhân sự không tăng. Viettel đang thực hiện cơ chế khoán lương trên doanh thu trừ chi phí trước lương; khoán 50% quỹ lương dựa trên giá trị tăng thêm nhằm khuyến khích các đơn vị, chi nhánh hạch toán phụ thuộc phải liên tục tạo ra giá trị mới. Viettel cũng đang xin Chính phủ cho áp dụng cơ chế khoán về nghiên cứu theo sản phẩm cuối cùng và tăng cường tự động hóa bằng các công cụ CNTT để tăng năng suất lao động.
Đánh giá nguyên nhân phát triển vũ bão của Viettel trong thời gian qua từ doanh nghiệp nhỏ bé với số vốn ban đầu chỉ 3,4 tỷ đồng, nhưng sau hơn 10 năm Viettel đã đứng số 1 tại Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi QuangVinh cho rằng do Viettel đã chủ động sử dụng nguồn nhân lực tốt.
“Viettel đã dùng người tài, loại người kém. Đây là điều cơ bản nhất để làm được một Viettel hôm nay… Khoán quỹ lương là mấu chốt để Viettel sử dụng người tài. Vì vậy, tôi đề nghị chính thức khoán quỹ lương cho Viettel để tập đoàn này chủ động thu hút đào tạo sử dụng người một cách hiệu quả nhất”, ông Bùi Quang Vinh nói.
Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đồng ý cho phép Viettel tiếp tục thực hiện cơ chế khoán quỹ lương, tự chủ về tiền lương nhằm thu hút và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hiện Viettel là doanh nghiệp có mức thu nhập cao nhất trong tất cả các doanh nghiệp viễn thông. Trong thời gian qua, nhiều nhân lực của VNPT, FPT, CMC, Bkav… thậm chí từ các tập đoàn công nghệ nước ngoài như Samsung, Toshiba… đã đầu quân cho Viettel
Khi VNPT và MobiFone bắt đầu thực hiện tái cơ cấu, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son từng phát biểu: Khi VNPT và MobiFone kinh doanh đạt hiệu quả hơn nữa, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu trình Chính phủ cho 2 doanh nghiệp này được hưởng cơ chế tiền lương đặc thù như Viettel, điều này nhằm tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp viễn thông trong ngành.
Theo ICT News