VNPT và MobiFone không được bán tháo cổ phần khi thoái vốn ngoài ngành

Trước vấn đề khó khăn khi thoái vốn ở các công ty đầu tư ngoài, Bộ TT&TT đã chỉ đạo VNPT, MobiFone không được bán tháo phần vốn của nhà nước khi thực hiện thoái vốn tại các công ty này.
MobiFone vẫn chưa thoái được vốn tại Ngân hàng TPBank.
MobiFone vẫn chưa thoái được vốn tại Ngân hàng TPBank.

Vào sáng ngày 27/4/2016, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT một lần nữa lại nêu ra vấn đề không có nhà đầu tư nào tham gia đăng ký đấu giá mua cổ phần của VNPT khi Tập đoàn này triển khai thoái vốn tại một số công ty cổ phần. Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT đã kiến nghị Bộ TT&TT cho phép VNPT chủ động tìm nhà đầu tư để trực tiếp đàm phán bán cổ phần thay vì phải tổ chức đấu giá 3 phiên như quy định hiện nay.

Ông Hùng cho biết, khó khăn lớn nhất của VNPT hiện nay chủ yếu là việc khó thoái vốn các công ty cổ phần. Theo quy định của Chính phủ, sau khi công bố bán đấu giá công khai mà không có nhà đầu tư nào mua, thì ở mỗi phiên đấu giá sau sẽ giảm giá đi 10%. VNPT đã tổ chức bán đấu giá công khai vốn tại nhiều doanh nghiệp, có nơi tới 3 lần giảm 10% cũng không ai mua.

“VNPT chịu không có hướng xử lý nào khác, đây là khó khăn chung trên toàn quốc, trong khi hiện tại Chính phủ chưa hướng dẫn cách xử lý vấn đề này”, ông Hùng nói.

Mới đây, ông Hùng đã kiến nghị, đề nghị Bộ TT&TT cho phép VNPT sau khi giảm giá 10%  lần 1 mà không ai mua, sẽ giao cho Hội đồng thành viên chủ động lựa chọn để đàm phán với nhà đầu tư. Chỉ cần bắt buộc đấu giá một lần công khai, thay vì phải đợi 3 lần sẽ mất nhiều thời gian.

“Phương án định giá hiện nay tính giá trị doanh nghiệp theo sổ sách, ghi trong sổ sách thì nhiều nhưng mang ra thị trường không thể bán được”, ông Hùng nói.

MobiFone cũng không dễ thực hiện thoái vốn ở hai ngân hàng SeaBank và TPBank, ông Cao Duy Hải, Tổng giám đốc MobiFone cũng cho hay, hiện MobiFone mới chỉ bán được gần 2 triệu cổ phiếu ở SeaBank, còn cổ phiếu TPBank vẫn chưa có người đặt mua.

Liên quan đến việc thực hiện thoái vốn của VNPT và MobiFone, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nói rõ: “Không phải vì khó khăn và bán đổ bán tháo vốn của nhà nước, không được bán lãng phí tài sản của nhà nước. Các doanh nghiệp phải thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ khi thực hiện thoái vốn”.

Thứ trưởng cũng cho hay, tại nhiều cuộc họp của Chính phủ liên quan đến thoái vốn doanh nghiệp nhà  nước. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các doanh nghiệp phải cố gắng thoái vốn ở những phần đã góp vốn không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên không phải thoái vốn bằng mọi giá, không được để lãng phí tài sản của nhà nước.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu các doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện về triển khai nhanh chóng việc thoái vốn, tránh để thất thoát tài sản nhà nước. VNPT phải tuân thủ đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc thoái vốn tại các công ty cổ phần. Nếu khó khăn, VNPT tổng hợp tất cả các khó khăn, báo cáo Bộ TT&TT để kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ cho doanh nghiệp.

“Chính phủ đã xác định năm 2016 nhiệm vụ của các doanh nghiệp rất khó khăn, số lượng các doanh nghiệp phá sản sẽ tăng, do vậy nhà nước phải tìm cách để tháo gỡ thế nào đang là vấn đề đặt ra. Các doanh nghiệp TT&TT phải được tạo điều kiện để phát triển trong bối cảnh khó khăn này”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu.

Theo Đề án tái cơ cấu VNPT, VNPT phải thực hiện thoái vốn tại 63 doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực là bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng. Ngoài việc thực hiện thủ tục thoái vốn của VNPT tại 63 công ty cổ phần, hiện tại VNPT đang làm thủ tục thoái vốn tại hai đơn vị lớn là Ngân hàng TMCP Hàng hải và Công ty Tài chính Bưu điện.

Trong thời gian qua, VNPT đã thực hiện thoái vốn và thu hồi được 701 tỷ đồng/2.213,8 tỷ đồng đối với mảng đầu tư ngoài ngành.

Riêng việc thoái vốn của VNPT tại các công ty cổ phần trong lĩnh vực xây lắp gặp nhiều khó khăn. Nhiều phiên tổ chức đấu giá cổ phần VNPT đã bị hủy do không có nhà đầu tư tham gia.

Trước đây, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cũng cho biết, việc thoái vốn của VNPT tại các doanh nghiệp cổ phần trong lĩnh vực xây lắp nằm rải rác ở các tỉnh gặp nhiều khó khăn do không có nhà đầu tư quan tâm. Tính đến nay VNPT mới chỉ thoái vốn thành công tại 1 doanh nghiệp ở Nghệ An với giá trị cao gấp đôi mệnh giá.

Theo ICTNew