Tham quan tàu sân bay trực thăng Izumo
Tờ Nhật báo Kinh tế Hồng Kông ngày 6/12 cho rằng mặc dù trọng tâm chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được cho là “quay trở lại lãnh thổ Mỹ”, nhưng trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Chính phủ Mỹ khóa này tiếp tục tăng cường quan hệ với Nhật Bản.
Ngày 6/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter ngày 5/12 bắt đầu tiến hành chuyến thăm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đây được cho là chuyến thăm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông. Trạm dừng chân đầu tiên của ông Ashton B. Carter là Nhật Bản.
Còn theo báo chí Nhật Bản, ông Ashton B. Carter ngày 6/12 sẽ tiến hành hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đồng thời thăm căn cứ Yokosuka, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, thị sát tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Qua đây, Mỹ muốn thúc đẩy quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật.
Được biết, tàu sân bay trực thăng Izumo là tàu chiến lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, có thể chở máy bay tuần tra và máy bay trực thăng cứu trợ, có vai trò như một căn cứ trên biển.
Tháng 7/2016, máy bay vận tải cánh xoay nghiêng mới Osprey của Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ từng tiến hành huấn luyện cất hạ cánh trên tàu Izumo.
Chuyến thăm Nhật Bản lần này của ông Ashton B. Carter sẽ còn thị sát tàu khu trục Aegis của Hải quân Mỹ ở căn cứ Yokosuka. Đến ngày 7/11, ông Ashton B. Carter sẽ tiến hành hội đàm với bà Tomomi Inada, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản.
Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ, để thu hẹp phạm vi đối tượng nhân viên Quân đội Mỹ được hưởng quyền xét xử ưu tiên khi phạm tội hoặc xảy ra sự cố, hai bên sẽ triển khai đàm phán về việc xây dựng hiệp định bổ sung của “Hiệp định về quy chế các lực lượng Mỹ” (SOFA).
Trước đó, khi phát biểu tại bang California, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter cho biết đồng minh Mỹ - Nhật sẽ tiếp tục là nền tảng bảo đảm an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng minh Mỹ - Nhật vững chắc hơn bất cứ lúc nào.
Ông Carter nhấn mạnh, tính liên tục là truyền thống của Bộ Quốc phòng. Mong rằng Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tiếp tục chính sách hiện hành, bao gồm coi trọng chiến lược châu Á.
Mỹ hài lòng với đóng góp kinh phí của Nhật Bản
Hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 5/12 cho biết cùng ngày trên chuyên cơ đến Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đã bày tỏ “hài lòng” với hiện trạng chi trả kinh phí của Nhật Bản dành cho Quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản. Tuyên bố này có ý định “kiềm chế” đối với chính quyền Donald Trump trong thời gian tới.
Ông Ashton B. Carter nhấn mạnh: “Dưới sự chi viện của Nhật Bản, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật trở nên mạnh chưa từng có”. Đồng minh Mỹ - Nhật có hai tác dụng lớn đó là Quân đội Mỹ bảo vệ Nhật Bản khi Nhật Bản xảy ra sự kiện bất ngờ, và cung cấp căn cứ cho Quân đội Mỹ triển khai hoạt động khai chiến ở tiền tuyến khu vực châu Á.
Quan chức cấp cao Quân đội Mỹ cho biết, đối với Quân đội Mỹ tại Nhật Bản với khoảng 50.000 quân, mức chi tài chính của Nhật Bản hàng năm khoảng 1,6 tỷ USD, tỷ lệ chi trả như vậy là “rất cao”.
Mặc dù Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump xác nhận sẽ tăng cường đồng minh Mỹ - Nhật trong cuộc gặp không chính thức với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 11/2016, nhưng trong thời gian tranh cử ông Donald Trump chủ trương Nhật Bản phải chi trả toàn bộ kinh phí của Quân đội Mỹ tại Nhật Bản, gây lo ngại cho Nhật Bản.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tỷ lệ chi trả kinh phí của Nhật Bản dành cho Quân đội Mỹ tại Nhật Bản khoảng 74,5%. Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada cũng cho biết, Nhật Bản đã chi đủ cho việc này, sẽ không bỏ thêm tiền.
Mỹ xây dựng cấu trúc an ninh khu vực không bài trừ Trung Quốc
Theo báo chí Mỹ, trong thời gian làm Bộ trưởng Quốc phòng gần 2 năm qua, ông Ashton B. Carter chưa từng đến thăm Trung Quốc. Nhưng, ông cho biết, cấu trúc an ninh Mỹ xây dựng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hoàn toàn không nhằm vào bất cứ nước nào, cũng không bài trừ bất cứ nước nào; Mỹ mời Trung Quốc tham gia diễn tập quân sự liên hợp trên biển Vành đai Thái Bình Dương chính là một minh chứng.
Ngày 17/10/2016, trên tạp chí Ngoại giao Mỹ, ông Ashton B. Carter có bài viết phê phán Trung Quốc cho rằng Trung Quốc có lúc chỉ hành sự theo quy tắc của riêng họ và đã làm tổn hại nguyên tắc bảo đảm thịnh vượng và ổn định của châu Á - Thái Bình Dương.
Bryan McGrath, Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu hải quân, Viện nghiên cứu Hudson cho rằng, Quân đội Mỹ cần có hành động lớn hơn để ngăn chặn các hành vi “xây đảo nhân tạo” và “quân sự hóa” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mỹ sẽ “kiên định” hơn với Trung Quốc
Ngoài chuyến thăm Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter sẽ còn đến thăm Ấn Độ. Ông cho biết chiến lược và hợp tác khoa học công nghệ giữa Mỹ và Ấn Độ đã đưa hợp tác quốc phòng hai nước lên tầm cao.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm châu Á lần này của ông Ashton B. Carter lại không bao gồm Trung Quốc. Theo một số chuyên gia quốc phòng, Chính phủ khóa tới của Mỹ sẽ “áp dụng lập trường kiên định hơn về quân sự để ngăn chặn các hành vi có tính chất khác thường của Trung Quốc”.
Ngày 1/12, tại Washington, Mỹ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho rằng Mỹ cần đưa ra “giới hạn” đối với những đối thủ tiềm tàng đe dọa an ninh quốc gia, đồng thời có các hành động thực tế để ngăn chặn bất cứ hành vi nào vượt qua giới hạn.
Theo hãng CNN Mỹ ngày, tối ngày 1/12 (giờ địa phương), tại Cincinnati, bang Ohio, ông Donald Trump tuyên bố sẽ đề cử cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, Thượng tướng Thủy quân lục chiến, ông James Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông James Mattis từng nhiều năm phụ trách chiến sự Trung Đông của Mỹ.
Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDAA) ngày 5/12 ra tuyên bố cho hay, Thượng tướng về hưu James Mattis có tính cách, kinh nghiệm và phong cách lãnh đạo hầu như hoàn toàn trái ngược với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter, cho thấy chính quyền ông Donald Trump sẽ áp dụng phản ứng khác đối với hành vi của các đối thủ tiềm tàng khi vượt qua “giới hạn đỏ”, đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Cựu quan chức vấn đề Trung Quốc của Lầu Năm Góc, Joseph Bosco cho rằng cuộc gọi điện giữa ông Donald Trump và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 2/12 cho thấy trong tương lai Mỹ có khả năng sẽ áp dụng lập trường “rõ ràng” và “kiên định” hơn đối với Trung Quốc.
Cuộc gọi điện này đã thực sự gây phẫn nộ cho Trung Quốc, bởi vì nó đã phá vỡ thông lệ 37 năm qua, đụng chạm đến chỗ nhạy cảm nhất của Trung Quốc, đi ngược lại chính sách “một nước Trung Quốc” mà Trung Quốc theo đuổi. Điều này gây chú ý đặc biệt cho dư luận quốc tế trong những ngày qua.