Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 24/11 đăng bài viết của nhà nghiên cứu Đát Chí Cương, Trưởng phòng nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Khoa học xã hội tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc.
Bài viết cho rằng Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo quân sự được Hàn Quốc và Nhật Bản ký kết ngày 23/11 sẽ là hiệp định hợp tác quân sự đầu tiên giữa hai nước kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay.
Nếu không tồn tại vấn đề lịch sử thì hai nước đã ký kết hiệp định này vào năm 2012. Cuối năm 2015, sau khi đạt được hòa giải về vấn đề nô lệ tình dục, quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản được cải thiện.
Đặc biệt, tháng 7/2016, Hàn Quốc tuyên bố triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) ở nước này, làm cho quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trở nên căng thẳng. Điều này đã tạo cơ hội cho Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc củng cố hệ thống đồng minh quân sự, Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau về chiến lược.
Hiện nay, Hàn Quốc và Nhật Bản ký kết hiệp định này vừa là cách để chính quyền bà Park Geun-hye chuyển hướng sự chú ý của dư luận khỏi vụ bê bối chính trị trong nước, đồng thời là động thái tăng cường hợp tác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản để ứng phó với tình hình bán đảo Triều Tiên.
Như vậy, việc ký kết thỏa thuận này phát đi tín hiệu gì và gây ảnh hưởng thế nào đối với tình hình xung quanh Trung Quốc cũng như đối với sự ổn định chiến lược của khu vực Đông Bắc Á? Báo Trung Quốc đặt câu hỏi như vậy và đưa ra một số nhận định sau:
Trước hết, việc ký ký hiệp định này cho thấy Hàn Quốc tiếp tục điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia. Mặc dù không loại trừ nhân tố Mỹ gây sức ép phía sau, nhưng bắt đầu từ việc tích cực tuyên bố triển khai hệ thống THAAD, việc điều chỉnh sâu sắc chiến lược an ninh quốc gia của Hàn Quốc đã rất rõ nét.
Việc ký kết hiệp định lần này sẽ làm cho Hàn Quốc và Nhật Bản có thể tiến hành bổ sung ưu thế cho nhau trên các phương diện như công nghệ, địa lý và nhân lực, giảm các khâu phức tạp trong việc truyền tin tình báo quân sự của hai bên, tăng mạnh tính thời hiệu (hiệu quả về thời gian) và tính nhanh chóng của tin tức tình báo.
Điều này không chỉ giúp cho việc truyền và ứng dụng tin tức tình báo giữa Mỹ - Nhật - Hàn có tính mục đích và tính thống nhất hơn, đồng thời cũng đã mở ra chiếc "hộp Pandora" của hợp tác quân sự giữa Hàn Quốc và Nhật Bản vốn luôn bị “cấm kị” kể từ sau Chiến tranh đến nay.
Sự điều chỉnh chiến lược an ninh nói trên và tư thế ngày càng cứng rắn trong tương lai của Hàn Quốc sẽ “phá vỡ” thế cân bằng chiến lược của Đông Bắc Á và sự ổn định chiến lược giữa các nước, rất dễ gây ra chạy đua vũ trang trong khu vực này và cuối cùng ảnh hưởng đến an ninh khu vực.
Thứ hai, gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia và an ninh chiến lược của Trung Quốc. Trước đó Hàn Quốc không ngại "đắc tội" với Trung Quốc, thậm chí Nga để tìm cách triển khai hệ thống THAAD, cho thấy họ đã thoát khỏi chiến lược "mơ hồ" tìm sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, chuyển sang chiến lược an ninh mới nghiêng hẳn về phía Mỹ và Nhật Bản.
Lần này, Hàn Quốc và Nhật Bản tăng cường chia sẻ tin tức tình báo quân sự một mặt cho thấy Hàn Quốc có nhu cầu cấp bách trong việc tăng cường tự chủ quốc phòng và nguồn tổng hợp tình báo, mặt khác cũng làm cho quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc xấu đi.
Triển khai THAAD, Hàn Quốc và Nhật Bản chia sẻ tin tức tình báo quân sự, đồng minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn được củng cố đã hình thành hiệu ứng "tam vị nhất thể", đe dọa nghiêm trọng lợi ích địa - chiến lược và cấu trúc an ninh quốc gia của Trung Quốc, dẫn tới va chạm giữa Trung Quốc và Hàn Quốc được lộ rõ và trở nên thường xuyên, thậm chí kéo quan hệ song phương rơi vào vùng nguy hiểm của nghi ngờ chiến lược.
Trung Quốc buộc phải tập trung thực lực nhất định để ứng phó với các thách thức địa - chiến lược phức tạp xuất hiện bởi sự thay đổi nhanh chóng trong xu hướng chiến lược an ninh của Hàn Quốc.
Thứ ba, ảnh hưởng đến trạng thái tích cực của hợp tác khu vực Đông Bắc Á.
Hàn Quốc trước đây luôn tích cực tham gia hợp tác khu vực Đông Bắc Á, đa lần lượt đề xuất ý tưởng hòa bình Đông Bắc Á, sáng kiến Âu - Á, nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực bị ảnh hưởng bởi quan hệ căng thẳng Trung - Nhật và đối đầu Trung - Mỹ gia tăng, đồng thời đi đầu ký kết hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc.
Hiện nay, Hàn Quốc ký kết Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo quân sự với Nhật Bản đã dấy lên sự chia rẽ trong dư luận Hàn Quốc. Điều này sẽ tiếp tục làm gia tăng tính chất không xác định cho tình hình chính trị bất ổn ở Hàn Quốc, có thể sẽ cản trở Hàn Quốc xây dựng cơ chế hợp tác khu vực.
Hiện nay, vấn đề THAAD đã làm cho hợp tác thương mại và văn hóa giữa Trung Quốc và Hàn Quốc bị ảnh hưởng, dự tính đàm phán khu thương mại tự do Trung - Nhật - Hàn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Đến nay, với việc Hàn Quốc và Nhật Bản ký kết Hiệp định chia sẻ tin tức tình báo quân sự, cơ hội chuyển đổi nâng cấp hợp tác song phương và đa phương ở khu vực Đông Bắc Á có thể sẽ tiếp tục giảm đi.
Bất kể Hàn Quốc và Nhật Bản có những tính toán gì, ảnh hưởng tiêu cực của hiệp định này đối với chiến lược an ninh của Trung Quốc và tình hình địa - chính trị Đông Bắc Á đều sẽ từng bước nổi cộm, kết quả cuối cùng rất có khả năng sẽ vượt dự tính của Hàn Quốc.