|
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. |
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khoá XV, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) đã dẫn thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về các vụ bạo lực học đường.
Bình quân một năm học cả nước đã xảy ra hơn 1.500 vụ việc học sinh đánh nhau trong và ngoài nhà trường. Trung bình cứ 5.200 học sinh có một vụ đánh nhau và 9 trường có một trường có học sinh đánh nhau.
Đại biểu Xuân cho rằng, vấn đề này phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các đoàn thể, các tổ chức chính trị. Trong đó có đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ là trách nhiệm của toàn xã hội và mỗi gia đình phải quan tâm để cùng nhau ngăn chặn và tiến tới để chấm dứt tình trạng bạo lực học đường.
Trao đổi với đại diện cử tri tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đưa ra nhiều giải pháp, nhưng quan trọng nhất là cần phải áp dụng loạt giải pháp có tính chất tổng thể đồng bộ với sự vào cuộc của toàn thể xã hội.
Trong các việc cần ưu tiên, Bộ trưởng Sơn cho rằng, đầu tiên là cần tăng cường kỹ năng để xử lý các vấn đề phát sinh đối với bản thân của học sinh. Đây là vấn đề trang bị kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh, kỹ năng ứng xử với mạng xã hội hay giao tiếp xã hội,... Xử lý được vấn đề này là góp phần giảm nguy cơ phát sinh bạo lực từ chính bản thân học sinh.
"Nhiều em rất ngần ngại khi cần phải thông tin, cần phải trao đổi và lúng túng trong xử lý, đó cũng là do các em còn thiếu kỹ năng xử lý" - Bộ trưởng Sơn nêu.
Thứ hai, đối với giáo viên chủ nhiệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường tập huấn về kỹ năng để xử lý các vấn đề phát sinh đối với học sinh.
Theo Bộ trưởng Sơn, tới đây sẽ có thêm một vị trí chuyên về tư vấn tâm lý học đường, thay vì sử dụng cán bộ chuyên trách như trước đây. Hiện nguồn nhân lực của ngành được đào tạo trong các trường sư phạm khoảng gần 9.000 nhân lực mỗi năm.
Vị trí thứ hai là vị trí giáo vụ cũng đã được xác định trong nhà trường cũng sẽ hỗ trợ thêm cho các vấn đề có liên quan đến phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường. Bên cạnh đó, trong nhà trường việc đưa thêm và tăng cường các hoạt động mang tính tích cực như các hoạt động tập thể, hoạt động đoàn, đội, vui chơi giải trí, đọc sách, v.v.. tăng cường thêm nhiều những hoạt động tích cực cũng sẽ giảm khả năng sa vào những hoạt động tiêu cực.
Đồng thời, Bộ trưởng Sơn cũng cho rằng cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường. Đặc biệt, "khâu quan trọng tạo nền tảng gốc rễ để giải quyết được vấn đề này đó là triển khai thật tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển con người, nâng cao nhân cách đạo đức con người Việt Nam..." - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Không cào bằng tỷ lệ giảm biên chế giáo viên
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) nêu: Hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên các cấp học, nếu vẫn tiếp tục giảm 10% viên chức theo trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong phiên chất vấn ngày 7/11.
Tuy nhiên, các địa phương vùng sâu, vùng xa không có điều kiện thực hiện tự chủ thì việc thiếu giáo viên càng thiếu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào giải quyết thiếu giáo viên trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, để giải quyết được vấn đề này, cần có giải pháp đồng bộ. Việc thiếu giáo viên thường xảy ra ở bậc mầm non và tiểu học, ở các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Bộ trưởng cho rằng, dù 5 năm qua, ngành giáo dục các địa phương đã bố trí, sắp xếp được nhiều điểm trường, nhưng công tác này vẫn cần được tiếp tục ở nhiều khu vực.
Với việc giảm biên chế 10%, Bộ trưởng Sơn cho biết, qua trao đổi với các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên, thì tỷ lệ này không nên đặt ra một cách cào bằng, máy móc, giống nhau ở các địa phương. Theo đó, ở các nơi tỷ lệ biên chế viên chức giáo dục lớn hơn, thì cần cân nhắc việc giảm này để đảm bảo đủ giáo viên. Với những vùng có điều kiện kinh tế khá hơn, có khả năng xã hội hóa tốt hơn, cần có giải pháp chia sẻ với các tỉnh miền núi và khó khăn.
Ngoài ra, cũng cần có những giải pháp về nguồn tuyển, chuẩn bị nguồn tuyển, để khi các tỉnh miền núi, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn tiến hành tuyển thì sẽ sẵn có nguồn ứng tuyển.
Về giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trong thực tế, giá sách giáo khoa khi xã hội hóa chưa rẻ như mong muốn, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thẩm định về mặt chuyên môn, còn vấn đề tài chính thì duyệt giá trên cơ sở kê khai của các nhà xuất bản.
Về vấn đề biên soạn sách giáo khoa của Nhà nước, Bộ trưởng cho biết đã bày tỏ đầy đủ quan điểm về vấn đề này trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp.