Ngày 12.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã họp cho ý kiến về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện ngân sách năm 2015, kế hoạch năm 2016 của Chính phủ.
3 năm chưa tăng lương cơ sở
Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày không thấy đề cập kế hoạch điều chỉnh lương cơ sở theo lộ trình. Do hụt thu vì giá dầu thô giảm sâu, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương không gây áp lực cho ngân sách trung ương về vấn đề tiền lương. Các địa phương cần thắt 5% chi thường xuyên để bảo đảm việc chi lương của địa bàn. “Năm 2016 sẽ giảm số chi ngân sách trung ương cho việc chi tiền lương tương ứng” - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) Phùng Quốc Hiển cũng không nói đến việc tăng lương cơ sở năm 2016.
Trước việc Chính phủ để trống điều chỉnh lương cơ sở năm 2016, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn về: “Nếu tiếp tục không đặt vấn đề tăng lương cho cán bộ, công chức có hệ số từ 2,34 trở lên thì phải cân nhắc cho kỹ vì mức sống tối thiểu của người lao động hiện chưa đạt được”. Bà Ngân cho biết hiện lương tối thiểu đã cao gấp 2 lần lương cơ sở từ 3 năm qua (1.150.000 đồng/tháng). “Tại sao vẫn duy trì mức lương cơ sở thấp như vậy? Chính phủ chưa quyết tăng thì phải có giải trình” - Phó Chủ tịch QH đề nghị.
Bán bớt vốn ở doanh nghiệp
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỉ đồng (tăng 1,8% so dự toán và tăng 7,4% so ước thực hiện năm 2014). Tuy nhiên, theo thẩm tra của Ủy ban TC-NS, tăng thu NSNN chủ yếu từ ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỉ đồng), còn ngân sách trung ương vẫn hụt thu 31.300 tỉ đồng dẫn đến khó khăn trong cân đối.
Để bù hụt thu ngân sách trung ương, Chính phủ đề nghị phương án sử dụng một phần tiền bán bớt cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp (khoảng 10.000 tỉ đồng). Ủy ban TC-NS nhất trí với đề nghị này nhưng yêu cầu làm rõ số hụt thu còn lại (21.300 tỉ đồng) sẽ được xử lý từ nguồn nào.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết mức bội chi năm 2015 là 226.000 tỉ đồng, bằng 5% GDP, trong phạm vi dự toán được QH quyết định. Tương ứng với mức bội chi này, nợ công khoảng 61,3% GDP và vẫn trong giới hạn an toàn cho phép (65% GDP).
Tuy nhiên, Ủy ban TC-NS cho rằng khó giữ mức bội chi này và đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo cụ thể các số liệu giải ngân vốn ODA và các khoản nợ của nhà nước để phản ánh sát số bội chi NSNN và nợ công, báo cáo QH.
Chính phủ cũng đưa ra mức bội chi dự kiến trong năm 2016 là 5% GDP, còn nợ công ước khoảng 63,2% GDP. Mức bội chi này được Ủy ban TC-NS đồng tình song lưu ý Chính phủ cần xây dựng chi tiết lộ trình giảm bội chi và nợ công trong giai đoạn 2016-2020 để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Có thể phát hành 3 tỉ USD trái phiếu Chính phủ
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng trình bày đề án phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020. Theo đó, Chính phủ dự kiến trình QH đề xuất phê duyệt hàng loạt chủ trương nhằm tái cơ cấu các khoản nợ của Chính phủ, trong đó 2 đề xuất chính là đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành TPCP và phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế để tái cơ cấu danh mục nợ của Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ đề xuất sẽ phát hành khoảng 3 tỉ USD để tái cơ cấu các khoản nợ TPCP trong nước đã phát hành trong giai đoạn 2015-2016. Từ năm 2017, lượng trái phiếu này sẽ được bán ra để bù đắp bội chi ngân sách, tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ và bù đắp thiếu hụt nguồn vốn nước ngoài.
Ông Đinh Tiến Dũng khẳng định việc vay mới để đảo nợ vẫn bảo đảm duy trì tỉ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ không quá 50% tổng nợ Chính phủ theo chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn năm 2030. Dự kiến các đợt phát hành sẽ có kỳ hạn dài từ 10-30 năm. Lãi suất phụ thuộc vào điều kiện thị trường vốn quốc tế tại thời điểm phát hành.
Theo Một thế giới