Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tại cuộc họp chiều 14/5 thừa nhận, đúng là thời gian qua đã có doanh nghiệp kinh doanh sữa thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm, thay đổi trọng lượng, chất lượng… nhằm đẩy giá bán cao hơn so với sản phẩm cũ.
Cùng với đó, nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều được nhập khẩu do đối đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định và có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Do đó, cơ quan quản lý đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa.
“Qua tờ khai hải quan thì không thấy việc giảm giá nguyên liệu sữa, trong khi đúng là thực tế trên thị trường thế giới giá nguyên liệu đã giảm. Vì thế, chúng tôi đã đặt ra nhiều nghi vấn về việc doanh nghiệp chuyển giá trước khi nhập khẩu vào trong nước” – ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, để xác định đây có đúng là chuyển giá hay chỉ là “nghi vấn” như rất nhiều lần cơ quan quản lý giá đặt ra trước đây, vị Cục trưởng Cục Quản lý Giá chia sẻ, dù nghi vấn chuyển giá được đặt ra, song để xem xét đây có đúng là hiện tượng chuyển giá thật sự hay không thì là cả một quá trình thanh tra, xác minh, đánh giá và có thông tin cụ thể.
Liên quan tới việc áp trần giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong vòng 1 năm qua, cơ quan quản lý giá đánh giá, về cơ bản giá sữa đã được đặt trong tầm quản lý kiểm soát. Tính đến thời điểm này, đã có 708 dòng sản phẩm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được đăng ký, kê khai giá. Giá bán lẻ giảm bình quân từ 0,1-34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa. Mức giảm giá các dòng sữa phổ biến nhất từ 10-15%.
Qua kiểm tra, các cơ quan đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp, cá nhân thực hiện không đúng về kinh doanh sữa và bình ổn giá sữa với tổng số tiền trên 519 tỷ đồng; giá trị sữa bị tịch thu, tiêu hủy là gần 42 tỷ đồng.
Đối với quy định cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, đã có 5 doanh nghiệp thực hiện kê khai lại giá với 50 dòng sản phẩm sữa. Mức giá kê khai lại của các sản phẩm nêu trên giảm từ 0,4 – 14% so với mức kê khai liền trước đó.
Tuy nhiên, do các công thực hiện kê khai giá tại Bộ Tài chính chỉ thực hiện khâu bán buôn, không bán lẻ nên mức giá kê khai có hiệu lực từ ngày 20/4 chỉ là giá bán buôn. Đây cũng chính là nguyên nhân có tình trạng dù giá kê khai bán buôn có hiệu lực từ 20/4 nhưng thực tế giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng không giảm bao nhiêu, nơi giảm, nơi không với lý giải “không nhận được thông báo từ doanh nghiệp”…
“Việc triển khai đến khâu bán lẻ có độ trễ do các công ty thực hiện thông báo, điều chỉnh lại thệ thống”- ông Tuấn thừa nhận.
Dù vậy, Cục Quản lý Giá cho biết, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn sẽ tiếp tục được áp giá trần tới hết năm 2016.
Theo: InfoNet