Ngày 2/9,Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố sẽ áp đặt các hạn chế đối với hoạt động của các nhà ngoại giao Trung Quốc như Trung Quốc đối xử với các nhà ngoại giao Mỹ (Ảnh:Reuters). |
Ngày 2/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong cuộc họp báo, chính quyền Donald Trump đang thực hiện hành động cần thiết để khôi phục tính đối đẳng trong quan hệ Mỹ - Trung. Ông tuyên bố sẽ áp đặt những hạn chế mới đối với hoạt động của các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ.
Ông Mike Pompeo nói: “Hôm nay, tôi thông báo Bộ Ngoại giao đã thiết lập một cơ chế, yêu cầu các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc tại Mỹ phải xin phép trước khi đến thăm các trường đại học hoặc gặp gỡ các quan chức chính quyền địa phương. Các sự kiện được đại sứ quán, lãnh sự quán Trung Quốc tổ chức bên ngoài ranh giới của phái đoàn và có hơn 50 người tham dự cũng phải được Mỹ cho phép. Ngoài ra, chúng ta phải thực hiện các biện pháp khác để đảm bảo rằng tất cả các tài khoản mạng xã hội của đại sứ quán và các lãnh sự quán Trung Quốc được đánh dấu là tài khoản của chính phủ Trung Quốc”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagu: "các nhà ngoại giao của chúng ta ở Trung Quốc cũng phải được tự do hành động như các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ”.(Ảnh: AFP).
|
Đồng thời, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố nhân danh ông Pompeo. Tuyên bố nói, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã đặt ra những trở ngại lớn vượt xa các quy phạm ngoại giao đối với các nhà ngoại giao Mỹ làm việc tại Trung Quốc. Ngược lại, tại Mỹ, các nhà ngoại giao Trung Quốc được tiếp xúc cởi mở trong xã hội Hoa Kỳ. Đáp lại những hạn chế lâu dài của Trung Quốc đối với các nhà ngoại giao Mỹ và việc nước này từ chối tiếp xúc thiện chí trên vấn đề cơ bản là có đi có lại và tôn trọng lẫn nhau, Bộ Ngoại giao Mỹ buộc phải áp đặt một số yêu cầu mới đối với các nhà ngoại giao Trung Quốc.
Tuyên bố chỉ ra rằng Bộ Ngoại giao Mỹ từ nay sẽ yêu cầu các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc tại Mỹ phải được phê chuẩn mới được đến thăm các cơ sở đại học của Mỹ và gặp gỡ các quan chức chính quyền địa phương. Các hoạt động văn hóa với hơn 50 người tham gia do các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc tổ chức bên ngoài lãnh thổ của cơ quan đại diện cũng phải có sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao Mỹ. Bộ Ngoại giao cũng sẽ hành động để đảm bảo rằng tất cả các tài khoản mạng xã hội chính thức của đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc phải được gắn nhãn chính xác là tài khoản của chính phủ Trung Quốc, vì đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc bị cấm tự do sử dụng mạng xã hội Trung Quốc và công dân Trung Quốc bị cấm sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Twitter và Facebook.
Tuyên bố kết luận, nếu Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đối với các nhà ngoại giao Mỹ, Mỹ sẽ ngay lập tức đáp ứng theo nguyên tắc có đi có lại (đối đẳng).
Sau khi ông Mike Pompeo công bố những hạn chế mới đối với hoạt động của các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus cho biết trong một cuộc phỏng vấn với VOA cùng ngày, Mỹ không cho rằng đây là một sự leo thang, mà chỉ là cho phép các nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc được hưởng các quyền lợi, tự do và tiếp cận như các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ.
Từ nay hoạt động của các nhà ngoại giao Trung Quốc bên ngoài lãnh thổ của cơ quan đại diện cũng phải có sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao Mỹ (Ảnh: AP).
|
Bà cũng cho biết: “Trợ lý Ngoại trưởng David Stilwell và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã trải qua một quá trình mạnh mẽ cố gắng đối thoại với Trung Quốc. Chúng ta đã nói, lắng nghe, chúng ta tin tưởng vào một mối quan hệ đối đẳng. Điều chúng ta muốn là mọi người đều có quyền tự do và cơ hội tiếp cận. Yêu cầu của chúng ta rất đơn giản, chỉ là các nhà ngoại giao của chúng ta ở Trung Quốc cũng được tự do hành động như các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ”.
Bà cũng nhấn mạnh: "Sau nhiều nỗ lực, chúng ta đã cố gắng để Trung Quốc cho phép các nhà ngoại giao Mỹ của chúng ta cũng có quyền tự do và tiếp cận. Sau nhiều lần bị từ chối, chúng ta nói, được thôi, bây giờ chúng tôi sẽ đưa ra các yêu cầu với các nhà ngoại giao của các ông giống như các nhà ngoại giao của chúng tôi ở Trung Quốc. Đây là sự đối đẳng và là sự công bằng”.
Theo trang tin Đa Chiều, trước đó, ngày 26/8, Đại học Bắc Texas của Mỹ bất ngờ thông báo chấm dứt quan hệ với các lưu học sinh Trung Quốc nhận học bổng của Quỹ Học bổng quốc gia Trung Quốc, đồng thời hủy bỏ visa của những nhà nghiên cứu này, yêu cầu họ phải rời khỏi Mỹ trong vòng một tháng. Sau khi sự việc lan truyền, nhà trường và các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có ý kiến riêng.
Lưu học sinh Trung Quốc chiếm tới một phần ba tổng số sinh viên nước ngoài học tập tại Mỹ (Ảnh: Tân Hoa xã).
|
Theo cơ quan truyền thông Texas Denton Chronicle ngày 2/9, người phát ngôn của Đại học Bắc Texas tuyên bố rằng trường đã hành động sau khi nhận được thông tin từ các cơ quan thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi nhà trường tiết lộ vụ việc liên quan đến các cơ quan thực thi pháp luật, nhiều cơ quan pháp luật tuyên bố rằng họ không liên quan gì đến vấn đề này hoặc từ chối bình luận.
Dữ liệu liên quan của Hoa Kỳ cho thấy sinh viên Trung Quốc học tập tại Hoa Kỳ chiếm khoảng một phần ba tổng số sinh viên học tập tại Hoa Kỳ.
Người phát ngôn của Đại học Bắc Texas, Jim Berscheidt, ngày 2/9 nói với Denton Chronicle: “Nhà trường dựa trên thông tin cụ thể và đáng tin cậy. Sau khi nhận được thông báo chi tiết từ các cơ quan thực thi pháp luật liên bang và địa phương, chúng tôi áp dụng hành động này”.
Jim Berscheidt từ chối nói rõ những cơ quan nào liên quan đến vấn đề này, cũng như không giải thích lý do tại sao ông không thể trả lời thêm các câu hỏi. Ông nói rằng việc có công bố thông tin hay không và khi nào được công bố sẽ phụ thuộc vào các cơ quan pháp luật liên quan.
Liên quan đến tuyên bố của Đại học Bắc Texas, một số cơ quan thực thi pháp luật liên bang và địa phương đã tuyên bố không liên quan gì đến vấn đề này hoặc từ chối bình luận. Ngoài ra, người phát ngôn của văn phòng Cục Điều tra Liên bang (FBI) tại Dallas cũng từ chối bình luận.
Chính phủ Mỹ gần đây thường xuyên áp đặt các hạn chế đối với sinh viên và học giả Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump ngày 29/5 tuyên bố rằng “để cải thiện sự an toàn của nghiên cứu đại học trọng điểm”, một số công dân Trung Quốc sẽ bị đình chỉ nhập cảnh vào Mỹ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sau đó thông báo họ sẽ cấm nhập cảnh các sinh viên và học giả Trung Quốc “có liên quan đến quân đội Trung Quốc” được cấp visa du học và visa thăm thân.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 1/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đã phản hồi về vấn đề này. Bà nói, trong thời gian gần đây, một số thế lực cực đoan chống Trung Quốc ở Mỹ đã cố tình ngụy tạo những lời dối trá để bêu xấu và ma quỷ hóa các sinh viên Trung Quốc du học vì tư lợi chính trị cá nhân và nhu cầu chiến lược nhằm trấn áp và kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc; sử dụng những cáo buộc không chính đáng và thậm chí sử dụng lực lượng tư pháp để đàn áp một cách ác ý sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Mỹ.
Bên trong một Viển Khổng Tử trong trường đại học ở Mỹ (Ảnh: Tân Hoa xã).
|
Trong một diễn biến khác, theo Deutsche Welle ngày 2/9, hôm thứ Ba (1/9) Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói ông cho rằng tất cả các Viện Khổng Tử trong khuôn viên các trường đại học của Mỹ sẽ bị đóng cửa vào cuối năm 2020. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News, ông nói: “Mọi người dần dần hiểu được nguy cơ do các Viện Khổng Tử gây ra”.
Ông cáo buộc chính phủ Trung Quốc tuyển dụng “gián điệp và đối tác” trong các trường đại học Mỹ thông qua các Viện Khổng Tử, đồng thời nhắc lại ông cho rằng các trường đại học Mỹ có Viện Khổng Tử đã nhận ra điều này, vì vậy ông hy vọng rằng các trường đại học này sẽ đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử vào cuối năm nay.
Tháng trước, ông Pompeo thông báo coi Trung tâm Viện Khổng Tử Hoa Kỳ như một cơ quan đại diện nước ngoài, nhấn mạnh rằng nó “truyền bá mệnh lệnh chính trị và ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh” tại Mỹ. Vào thời điểm đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell cho biết các Viện Khổng Tử hiện vẫn đang hoạt động trong khuôn viên các trường đại học Mỹ sẽ không bị buộc phải đóng cửa, nhưng các trường đại học Mỹ cần giám sát chặt chẽ hoạt động của các Viện Khổng Tử trong khuôn viên trường.