Chỉ vài ngày sau khi có thông tin Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden sẽ rút lui khỏi cuộc đua, bà Kamala Harris đã nhận được sự tán thành của nhiều đảng viên Dân chủ cấp cao, bao gồm cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cựu Tổng thống và đệ nhất phu nhân Bill và Hillary Clinton, cùng nữ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez.
Tuy nhiên, trước khi được đề cử, bà Harris vốn đã làm nên lịch sử với tư cách là người da đen đầu tiên và người gốc Nam Á đầu tiên giữ chức vụ Phó Tổng thống Mỹ. Vậy cha mẹ bà, những người đã giúp bà đến nước Mỹ và đạt được những thành tựu này, là ai?
Năm 1962, ông Donald J. Harris, gốc Jamaica, và bà Shyamala Gopalan, đến từ Ấn Độ, gặp nhau khi còn là sinh viên tại Đại học California, Berkeley và nhanh chóng có cảm tình với nhau. Cả hai đều đến với tư cách là người nhập cư, tạo dựng sự nghiệp đầy đột phá và trở thành những nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực của họ. 60 năm sau, ở thời điểm hiện tại, con gái đầu lòng của cặp đôi thành đạt này có cơ hội trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.
Chỉ trong vài tuần nữa, mọi con mắt sẽ đổ dồn về thành phố Chicago khi nơi đây đăng cai tổ chức Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ vào tháng 8. Trọng tâm sẽ đổ dồn vào Harris khi bà vận động để được đảng đề cử chính thức làm ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, sẵn sàng đối đầu với cựu Tổng thống Donald Trump đến từ đảng Cộng hòa.
Sau đây là những thông tin cần biết về những người đã giúp hình thành nên bà Kamala Harris như ngày nay.
Rời quê hương để theo học ở Mỹ
Theo tờ New York Times, bà Gopalan có tham vọng trở thành nhà hóa sinh và chữa khỏi bệnh ung thư. Nhưng là một phụ nữ ở Ấn Độ thời hậu thuộc địa, bà bị giới hạn trong việc học “khoa học gia đình” tại trường Lady Irwin College do Anh thành lập.
Khi nghe anh trai nói rằng phụ nữ có thể đăng ký học ngành hóa sinh ở Mỹ, bà đã nghĩ ra kế hoạch theo đuổi ước mơ của mình. Mặc dù chưa bao giờ rời Ấn Độ trước đây nhưng bà vẫn nộp đơn vào ĐH California. Khi bà nhận được thư chấp nhận, cha của bà, một công chức, mặc dù rất bất ngờ nhưng đã đồng ý dùng tiền tiết kiệm hưu trí của mình để trả học phí năm đầu tiên cho bà, theo People.
Ở bên kia thế giới, ông Donald J. Harris đã quyết định theo học tiến sĩ với sự hỗ trợ của một học bổng danh giá. Hầu hết những người nhận học bổng này đều học ở Anh vì khoản tài trợ này do chính quyền thuộc địa Anh quản lý. Nhưng nhờ thấm nhuần nền văn hóa Anh, Donald bị thu hút bởi một nước Mỹ đa dạng và phức tạp hơn.
Ông đặc biệt quan tâm đến việc học tại ĐH California, Berkley vì đã xem một bản tin về các sinh viên trong trường đi đến miền Nam nước Mỹ để vận động cho dân quyền.
Cha mẹ của bà Kamala Harris gặp nhau như thế nào?
Tại ĐH California, cả Donald và Gopalan đều đến với một nhóm nghiên cứu trí tuệ Da đen mà sau này sẽ trở thành Hiệp hội người Mỹ gốc Phi, “tổ chức nền tảng nhất trong phong trào Quyền lực của người da đen”, tờ New York Times đưa tin.
Cặp đôi này đã gặp nhau tại một trong những cuộc họp của nhóm vào năm 1962. Lúc bấy giờ, ông Donald đã có bài phát biểu về những điểm tương đồng giữa quê hương Jamaica của mình và Mỹ, điều mà bà Gopalan thấy rất hấp dẫn. Tò mò muốn biết thêm, Gopalan đã tự giới thiệu mình với Donald sau bài phát biểu của ông.
Cha mẹ của bà Harris kết hôn khi nào?
Theo tạp chí People, bà Gopalan luôn có kế hoạch quay trở lại Ấn Độ sau khi lấy được bằng cấp, nhưng việc gặp Donald đã khiến cuộc đời bà rẽ sang một hướng khác.
Ông trở thành bạn trai đầu tiên của bà và vào năm 1963, một năm sau khi gặp nhau, cặp đôi kết hôn. Chẳng bao lâu, họ có hai con - Kamala, sinh ra ở California vào tháng 10/1964 và em gái Maya, sinh năm 1967.
Đột phá trong nghiên cứu ung thư và lý thuyết kinh tế
Sau khi lấy bằng tiến sĩ về dinh dưỡng và nội tiết, bà Gopalan bắt đầu thực hiện ước mơ chữa khỏi bệnh ung thư của mình.
Bà bắt đầu sự nghiệp trong phòng thí nghiệm nghiên cứu ung thư thuộc khoa động vật học của ĐH California và tiếp tục trở thành một nhà khoa học nghiên cứu xuất sắc, từng làm việc tại một số tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới. Theo tổ chức Hành động về Ung thư Vú, “công việc của Gopalan trong việc phân lập và mô tả gen thụ thể progesterone đã làm thay đổi sự hiểu biết của cơ sở y tế về khả năng đáp ứng hormone của mô vú”.
Trong khi đó, ông Donald, một nhà kinh tế học thành đạt, từng là giáo sư tại ĐH Stanford từ năm 1972 đến năm 1998. Theo tiểu sử tại Đại học Stanford, “nghiên cứu và các ấn phẩm của ông tập trung vào việc khám phá quan niệm phân tích về quá trình tích lũy vốn và ý nghĩa của nó đối với một lý thuyết tăng trưởng của nền kinh tế, với mục đích đưa ra lời giải thích về bản chất nội tại của tăng trưởng là một quá trình phát triển không đồng đều”.
Cặp đôi ly hôn
Theo tạp chí People, đến năm 5 tuổi, bà Kamala Harris bắt đầu nhận ra rằng cuộc hôn nhân của cha mẹ mình có trục trặc.
Cặp đôi cuối cùng đã ly hôn vào năm 1972 - 8 năm sau đám cưới của họ. Nhiều thập kỷ sau, trong cuốn hồi ký “The Truths We Hold: An American Journey” xuất bản năm 2018, bà Kamala kể lại rằng cha mẹ của bà “trở nên giống như dầu và nước”. Bà Gopalan nuôi Kamala và em gái Maya “chủ yếu một mình”.
Trong một bài viết cho tờ Jamaica Global, ông Donald nói rằng cặp đôi đã có một "cuộc chiến giành quyền nuôi con cam go", nói rằng "việc giải quyết ly hôn theo lệnh của tòa án là dựa trên giả định sai lầm của bang California rằng các ông bố không thể đảm đương việc nuôi dạy con cái”.
Mối quan hệ của bà Kamala Harris với mẹ như thế nào?
Bà Kamala Harris khá cởi mở về mối quan hệ thân thiết của bà với mẹ, thường xuyên viết về cách mà bà Gopalan khuyến khích bà theo đuổi ước mơ của mình. Trong một bài đăng trên Facebook năm 2022, bà cho biết mẹ mình thường nói: “Con có thể là người đầu tiên làm nhiều việc. Hãy chắc chắn rằng con không phải là người cuối cùng”.
Trên Instagram, bà Kamala Harris đã ca ngợi mẹ mình vì đã dạy bà tầm quan trọng của việc phấn đấu để trở nên tốt hơn. “Bà ấy đã dạy chúng tôi giá trị cổ xưa của sự chăm chỉ…Bà ấy dạy chúng tôi không chỉ ước mơ mà còn phải hành động”.
Bà Gopalan đã qua đời vì ung thư ruột kết vào năm 2009.
Ông Biden nghi ngờ vào khả năng giành chiến thắng của bà Harris trước ông Trump
Bà Kamala Harris nhận được sự ủng hộ quan trọng của bà Nancy Pelosi
Tổng thống Joe Biden chính thức rút lui, ủng hộ cấp phó Kamala Harris
Theo SCMP