Lầu Năm Góc công bố Báo cáo quân lực Trung Quốc 2020, cảnh báo về nguy cơ từ Bắc Kinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 1/9, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đệ trình báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc lên Quốc hội; trong đó ước tính số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới. Đồng thời chỉ rõ Trung Quốc đã bắt kịp hoặc vượt qua Mỹ trong một loạt lĩnh vực quân sự then chốt.
Báo cáo về quân sự Trung Quốc năm 2020 của Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc đã đạt đến hoặc thậm chí vượt qua trình độ của Mỹ trong một số lĩnh vực quân sự (Ảnh: Tân Hoa xã).
Báo cáo về quân sự Trung Quốc năm 2020 của Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc đã đạt đến hoặc thậm chí vượt qua trình độ của Mỹ trong một số lĩnh vực quân sự (Ảnh: Tân Hoa xã).

Theo các trang tin Đông Phương, Hồng Kông và Đa Chiều ngày 2/9, Lầu Năm Góc đã công bố Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc 2020 trên trang web chính thức của họ vào ngày 1/9 theo giờ Washington. Báo cáo dài 200 trang, gồm 6 chương và một số chủ đề. Đáng chú ý, Báo cáo đã tiết lộ số lượng đầu đạn hạt nhân mà Trung Quốc sở hữu và cho rằng Trung Quốc có khả năng hiện đại hóa và đa dạng hóa lực lượng hạt nhân của họ trong vòng 10 năm tới.

Báo cáo tuyên bố, số lượng dự trữ đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc trong 10 năm tới sẽ tăng gấp đôi so với hơn 200 đầu đạn hiện tại; đồng thời chỉ ra rằng số lượng đầu đạn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ đất liền có thể đe dọa nội địa Mỹ sẽ tăng lên đến 200 cái trong 5 năm tới. Bên cạnh sự gia tăng mạnh về số lượng đầu đạn hạt nhân, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc hiện có hơn 1.250 tên lửa đạn đạo đất đối đất và tên lửa hành trình phóng từ đất liền có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Đồng thời khẳng định, tổng số các tên lửa đạn đạo Bắc Kinh phóng thử và huấn luyện thậm chí còn nhiều hơn tổng số tên lửa mà các khu vực khác trên thế giới đã phóng. Đáng chú ý, hiện Trung Quốc đã có thể có kế hoạch phát triển vũ khí chống vệ tinh (ASAT).

Tên lửa liên lục địa DF-41, lực lượng răn đe chiến lược chính của Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).
Tên lửa liên lục địa DF-41, lực lượng răn đe chiến lược chính của Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).

Báo cáo cũng đề cập rằng Trung Quốc đã đạt đến hoặc thậm chí vượt qua trình độ của Mỹ trong các lĩnh vực đóng tàu, tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất, tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và hệ thống phòng không tổng hợp. Đồng thời cũng chỉ ra rằng Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, bao gồm khoảng 350 tàu mặt nước và tàu ngầm, nhiều hơn so với 293 tàu của Mỹ. Báo cáo cũng nêu rõ, Trung Quốc có kế hoạch nâng cấp máy bay tàng hình J-20, tăng số lượng tên lửa không đối không kiểu tàng hình mang theo và lắp động cơ WS-15 để tăng cường khả năng hành trình (tầm hoạt động của máy bay).

Báo cáo chỉ ra rằng, Trung Quốc trong 10 năm tới có thể từng bước hiện đại hóa và đa dạng hóa lực lượng hạt nhân bằng cách tăng số lượng các bệ phóng vũ khí hạt nhân trên đất liền, trên biển và trên không. Trung Quốc hiện đang phát triển các tên lửa đạn đạo phóng từ không gian có khả năng răn đe hạt nhân. Hiện Bắc Kinh đã sở hữu năng lực “nhất thể hóa bộ ba hạt nhân”.

Đối với khoản chi phí quân sự, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các khoản chi liên quan đến quân sự của Trung Quốc đã tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo dữ liệu chính thức, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm ngoái (2019) là 174 tỷ USD, nhìn bề ngoài thì ít hơn con số 685 tỷ USD của Mỹ; tuy nhiên, báo cáo nghi ngờ Trung Quốc đã bỏ qua không đưa vào các khoản chi cho nghiên cứu phát triển và mua sắm vũ khí từ nước ngoài. Dự tính, chi tiêu thực tế của họ vượt quá 200 tỷ USD, cao hơn nhiều so với số liệu họ công bố chính thức, và cũng cao hơn nhiều ngân sách quốc phòng 54 tỷ USD của Nhật Bản và 40 tỷ USD của Hàn Quốc.

Báo cáo về quân sự Trung Quốc năm 2020 của Lầu Năm Góc cảnh báo về nguy cơ của sức mạnh quân sự Trung Quốc đối với an ninh của Mỹ và quốc tế (Ảnh: Sina).
Báo cáo về quân sự Trung Quốc năm 2020 của Lầu Năm Góc cảnh báo về nguy cơ của sức mạnh quân sự Trung Quốc  đối với an ninh của Mỹ và quốc tế (Ảnh: Sina).

Ngoài ra, báo cáo cũng thảo luận về chiến lược phát triển trong tương lai của Trung Quốc, quá trình hiện đại hóa sức mạnh quân sự, sức mạnh quân sự ở các khu vực xung quanh và ảnh hưởng toàn cầu của PLA.

Lầu Năm Góc đã đề cập đến việc Trung Quốc xem xét thiết lập các cơ sở hậu cần quân sự tại nhiều nơi ở Đông Nam Á và châu Phi. Báo cáo nói, Trung Quốc “có thể đã xem xét” thiết lập các cơ sở hậu cần ở nước ngoài có thể hỗ trợ lực lượng hải quân, đất liền và không quân của họ. Các quốc gia và khu vực có thể được xem xét bao gồm Myanmar, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, UAE, Kenya và Seychelles, Tanzania, Angola và Tajikistan.

Vài ngày trước khi báo cáo được công bố, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã đề cập trên Twitter rằng, với việc Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình ít nhất gấp đôi, thì việc Mỹ hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân và duy trì trạng thái sẵn sàng chiến tranh là rất quan trọng đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Hải quân Trung Quốc đã có số lượng tàu chiến vượt xa Mỹ (Ảnh: hotbak).
Hải quân Trung Quốc đã có số lượng tàu chiến vượt xa Mỹ (Ảnh: hotbak).

Về vấn đề này, hãng tin Reuters của Anh chỉ ra rằng đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ tiết lộ số lượng đầu đạn hạt nhân mà Trung Quốc sở hữu, khác với con số mà Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) tiết lộ. FAS cho rằng Trung Quốc hiện có gần 320 đầu đạn hạt nhân, nhưng bất chấp điều này, số lượng đầu đạn hạt nhân Trung Quốc đã có khó có thể so sánh được với Mỹ và Nga, bởi theo số liệu do FAS công bố, Nga sở hữu gần 4.300 đầu đạn hạt nhân, còn Mỹ cũng có gần 3.800 đầu đạn hạt nhân.

Về mưu đồ của Trung Quốc ở Biển Đông; báo cáo viết,mặc dù Trung Quốc đã ngừng các hoạt động lấp biển tạo đảo ở Biển Đông và đã hoàn thành việc xây dựng các cơ sở quân sự chủ yếu trên 3 đảo và bãi đá ngầm, nhưng họ vẫn đang tiếp tục quân sự hóa quần đảo Trường Sa (Spratly Islands), trong đó có việc triển khai các hệ thống tên lửa phòng không, chống hạm, v.v. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thấy Trung Quốc phát động hoạt động không quân quy mô lớn ở khu vực này.

Báo cáo chỉ ra rằng việc quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc đã đi ngược lại lời hứa của nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Nhà Trắng vào năm 2015 là “Trung Quốc không có ý định tiến hành quân sự hóa các đảo và rạn san hô tranh chấp ở Nam Hải (tức Biển Đông)”.

Về tình hình eo biển Đài Loan; giống như trước đây, báo cáo năm nay cũng tập trung vào mối đe dọa quân sự của Trung Quốc đại lục đối với Đài Loan. Theo báo cáo, điểm mấu chốt trong học thuyết quân sự của Trung Quốc là nhắm vào Đài Loan, và Bắc Kinh coi Đài Loan là một “tỉnh chờ được thống nhất”.

Báo cáo đã mô tả một số thủ đoạn tiềm năng mà Trung Quốc có thể sử dụng để thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, bao gồm một cuộc tấn công quy mô toàn diện nhằm buộc Đài Loan phục tùng đối thoại thống nhất hoặc chịu thống nhất.

Tuy nhiên, theo Reuters, bản báo cáo này dường như đã hạ thấp tình huống đổ bộ xâm lược quy mô lớn của Trung Quốc, cho rằng nó có thể khiến PLA quá tải và khiến quốc tế can thiệp.

Báo cáo cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng các cuộc tấn công bằng tên lửa và các cuộc không kích chính xác nhằm vào các hệ thống phòng không của Đài Loan, bao gồm căn cứ không quân, trạm radar, vị trí tên lửa và cơ sở thông tin liên lạc, để làm suy yếu khả năng phòng thủ của Đài Loan và loại bỏ ý chí kháng cự của giới lãnh đạo và dân chúng Đài Loan.

Trung Quốc đã lấp biển tạo đảo nhân tạo ở Biển Đông, xây dựng các căn cứ quân sự, sân bay...thực hiện quân sự hóa, đi ngược cam kết của lãnh đạo nước này tại Nhà Trắng. Trong ảnh: đá Su Bi trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ đã trở thành một căn cứ quân sự hiện đại (Ảnh: Đa Chiều).
Trung Quốc đã lấp biển tạo đảo nhân tạo ở Biển Đông, xây dựng các căn cứ quân sự, sân bay...thực hiện quân sự hóa, đi ngược cam kết của lãnh đạo nước này tại Nhà Trắng. Trong ảnh: đá Su Bi trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ đã trở thành một căn cứ quân sự hiện đại (Ảnh: Đa Chiều).

Theo báo cáo, sức mạnh quân sự của Đài Loan nhỏ hơn nhiều so với của Trung Quốc và khoảng cách này đang tăng lên qua từng năm. Tuy nhiên, Đài Loan đang nỗ lực phát triển các khái niệm và khả năng mới để ứng phó với cuộc xung đột quân sự bất tương xứng này.

Phản ứng về bản báo cáo của Lầu Năm Góc, Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc ngày 2/9 cho rằng phía Mỹ đã cường điệu hóa sức mạnh của PLA nhằm thổi phồng về “mối đe dọa của Trung Quốc”.

Báo này dẫn nhận định của tạp chí Mỹ Forbes cho rằng bản thân thống kê này có phần sai lệch. Ví dụ, mặc dù Hải quân Trung Quốc có nhiều tàu hơn Hải quân Mỹ, nhưng Hải quân Mỹ có các tàu lớn hơn và dẫn đầu về trọng tải, trong đó có tới 11 tàu sân bay có lượng giãn nước hơn 100.000 tấn.

Thời báo Hoàn cầu kết luận: “Trên thực tế, hàng năm quân đội Mỹ đưa ra cái gọi là Báo cáo về sức mạnh quân sự và sự phát triển an ninh của Trung Quốc để thổi phồng Thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc”. Báo này cũng nhắc lại những điều mà giới lãnh đạo và truyền thông Trung Quốc luôn tuyên truyền, như: “Chính phủ Trung Quốc đã nêu rõ trong cuốn "Quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới" đưa ra hồi năm 2019 rằng, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển là những mục tiêu cơ bản của quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới. Những đặc trưng nổi bật của nền quốc phòng Trung Quốc trong thời kỳ mới là: kiên quyết không xưng bá, không bành trướng,không tìm kiếm phạm vi thế lực...”; rằng “Quân đội Trung Quốc thực hiện trung thành khái niệm cộng đồng vì tương lai nhân loại, tích cực hoàn thành trách nhiệm quốc tế của một quân đội nước lớn, thúc đẩy toàn diện hợp tác quân sự quốc tế trong thời kỳ mới, nỗ lực góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hòa bình lâu dài và an ninh cho mọi người”...