|
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu có lộ trình, và nhóm lao động- (Ảnh minh họa). |
Bộ LĐ-TB&XH vừa hoàn thành và lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012. Đáng chú ý trong lần sửa đổi này, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
Theo như phương án hai mà Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi nhưng cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi.
Tuy nhiên, theo Bộ này đối với phương án này, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định.
Hiện tại, Việt Nam hiện đang trong quá trình già hóa dân số, vì vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp tận dụng tốt hơn nguồn nhân lực, đảm bảo việc làm và vấn đề an toàn về quỹ bảo hiểm xã hội.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tăng tuổi nghỉ hưu là một nội dung lớn đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo luật nhưng chưa được Quốc hội thông qua. Lần sửa đổi này, tiếp tục có nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu vì sáu lý do.
Thứ nhất, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng nhiều so với giai đoạn trước đây và khoảng cách giữa tuổi thọ bình quân với tuổi nghỉ hưu bình quân là rất dài. Nên thực tiễn nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm, và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp.
Thứ hai, dân số Việt Nam đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số, trong tương lai lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt; Thứ ba, nếu cứ giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí, tử tuất không đảm bảo trong dài hạn.
Thứ tư, bảo đảm sự không phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước Cedaw, công ước của ILO.... Thứ năm, tận dụng được nguồn nhân lực động có trình độ, kỹ thuật cao và có kinh nghiệm. Thứ sáu, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi hưu, có nước lên tới 67 tuổi.