Bộ KHĐT “sốt ruột” với báo cáo BT của các tỉnh

VietTimes – Bộ KHĐT vừa phát văn bản đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải gửi báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện các dự án BT về bộ KHĐT trước ngày 30/8.
Hình minh họa. Nguồn: Dân trí
Hình minh họa. Nguồn: Dân trí

Theo đó, Bộ KHĐT cho biết, ngày 10/5/2018, Chính phủ đã có Nghị quyết số 54/NQ – CP thông qua các chính sách của đề nghị xây dựng dự án Luật Đầu tư công theo hình thức PPP, đồng thời yêu cầu xây dựng, hoàn thiện và trình Quốc hội dự án Luật tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (dự kiến tháng 12/2019).

Theo nhận định của Bộ KHĐT, tiến độ xây dựng Luật được Chính phủ giao là rất gấp. Dù không nói rõ, dường như Bộ KHĐT khá sốt ruột với tiến độ báo cáo này từ các bộ, ban, ngành địa phương.

Từ đây, Bộ KHĐT đề nghị các bộ, ngành và địa phương tổng hợp tình hình thực hiện dự án BT (Xây dựng – chuyển giao) đã ký kết và thực hiện thuộc quản lý của mình để báo cáo về Bộ.

Báo cáo này được yêu cầu phải cung cấp kết quả triển khai dự án BT, và có các đánh giá, nhận xét về tác động của dự án BT đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương và giảm đầu tư ngân sách nhà nước.

Nội dung báo cáo còn bao gồm đánh giá, nhận xét các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, hình thức thanh toán (tiền hoặc quỹ đất), các khó khăn vướng mắc trong thực hiện, quan điểm về duy trì loại hợp đồng BT…

Các ý kiến, nhận xét này sẽ được tập hợp, phân loại để cơ quan soạn thảo đề xuất định hướng xây dựng Luật trong thời gian tới. 

Trước đó, Bộ Tài chính cũng có văn bản đề nghị thành phố Hà Nội tạm dừng việc dùng quỹ đất thanh toán đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT để chờ các quyết định mới với loại hình hợp đồng PPP này. Đồng thời với đó, Bộ Tài chính cũng đã có hướng dẫn về xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công (bao gồm cả đất) từ ngày 28/3/2018.

Sau những bức xúc với loại hình BOT, thời gian gần đây dư luận xã hội và ý kiến các cơ quan chức năng tập trung chú ý nhiều hơn vào việc thực hiện các dự án BT (xây dựng - chuyển giao). 

Đây là loại hình được các tỉnh thực hiện khá phổ biến do có nhiều ưu việt, chẳng hạn như việc thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư giúp địa phương vừa giảm được gánh nặng đầu tư bằng ngân sách, đồng thời cùng lúc có tới 2 dự án được triển khai, với một là công trình BT và thứ hai là dự án bất động sản được thanh toán bằng quỹ đất.

Tuy nhiên, việc tính toán thanh toán bằng quỹ đất hiện khá thiếu rõ ràng, thường giá đất thanh toán là tạm tính ở mức thấp, dẫn tới các nguy cơ về thất thoát tài sản nhà nước qua giá đất thanh toán. Đồng thời, gây tâm lý nghi ngờ từ xã hội về những biệt đãi mà chính quyền địa phương dành cho chủ đầu tư các dự án BT.