Năm 2016 Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đăng ký với Bộ GTVT thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 21 thủ tục. Tuy nhiên, từ đầu năm đến tháng 10, Cục đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin, Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở và dịch vụ FDS và Công ty Hợp danh tàu thủy STC triển khai xây dựng phần mềm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho 32 thủ tục, bao gồm các lĩnh vực như Cảng bến (7 thủ tục), vận tải (6 thủ tục), quản lý kết cấu hạ tầng (19 thủ tục).
Đánh giá về việc đường thủy nội địa áp dụng công nghệ để giải quyết các thủ tục công được nhanh, gọn hơn, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Thủ tục hành chính đang là rào cản lớn nhất của doanh nghiệp và người dân. Chính vì thế, Cục Đường thủy nội địa dẫn đầu trong cải cách thủ tục hành chính là việc đáng hoan nghênh.
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, trong năm 2015 Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã cung cấp, giải quyết 4 thủ tục trực tuyến thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia và 21 thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4, đơn giản hóa hàng loạt các thủ tục.
Vì vậy vừa qua, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải xếp thứ 2 trong số các đơn vị trong ngành về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, quản lý điều hành và phục vụ doanh nghiệp, người dân.
Cùng với 25 dịch vụ công trực tuyến năm 2015, thì tính đến tháng 10 năm 2016, toàn bộ 57 thủ tục hành chính (gồm 64 quy trình) thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục đã được xây dựng đạt mức độ 3 và 4 (54 thủ tục mức 3, 3 thủ tục mức 4) cho 4 lĩnh vực là Quản lý phương tiện và thuyền viên (19 thủ tục), quản lý cảng, bến thủy (11 thủ tục), kết cấu hạ tầng (19 thủ tục) và vận tải-an toàn giao thông (8 thủ tục).
Dự kiến trong năm 2017, Cục Đường thủy nội địa sẽ tiếp tục cung cấp thêm các thông tin quản lý lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ GTVT và Cục nhằm thúc đẩy hoạt động quản lý Nhà nước tại cục theo hướng công khai minh bạch, hiện đại đem lại nhiều lợi ích cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, tiết kiệm về thời gian, công sức, chi phí, hạn chế nguy cơ phát sinh tiêu cực, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.