Ngay sau khi nhận được thông báo của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức đối thoại trực tiếp với tác giả bộ SGK công nghệ giáo dục, trao đổi với PV VietTimes, tối nay, PGS. TSKH. Nguyễn Kế Hào cho biết: “Theo tôi, trong buổi gặp gỡ trực tiếp lần này, Bộ GD&ĐT nên công nhận bộ SGK công nghệ giáo dục như những bộ sách khác đã được bộ thông qua, để các địa phương lựa chọn và được triển khai rộng rãi tại các cơ sở giáo dục. Bởi bộ SGK công nghệ giáo dục là thành tựu và niềm tự hào của ngành giáo dục Việt Nam.”
Trước những ý kiến cho rằng bộ SGK công nghệ giáo dục bị loại ngay từ vòng đầu thẩm định do kiến thức quá khó, không phù hợp với học sinh lớp 1, PGS. TSKH. Nguyễn Kế Hào cho hay: “Tôi cho rằng nếu bộ sách quá khó đối với học sinh tiểu học, thì không thể triển khai đại trà tại nhiều địa phương trên cả nước như thời gian qua. Bộ SGK công nghệ giáo dục không chỉ giúp học sinh học đến đâu biết đến đó, mà còn chống tái mù chữ từ miền núi đến nông thôn và thành thị.”
Thông tin về quá trình thẩm định bộ SGK công nghệ giáo dục, TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT - cho biết: Trong quá trình thẩm định SGK, Hội đồng thẩm định đã đối thoại với GS. Hồ Ngọc Đại 2 lần.
Lần đầu tiên, tác giả trình bày nội dung bản thảo SGK, Hội đồng đã trao đổi về quan điểm, phân tích bộ sách.
Lần thứ hai, Hội đồng tiếp tục mời tác giả lên để thông báo kết quả thẩm định bộ sách. Khi được thông báo kết quả thẩm định, tác giả không có ý kiến gì thêm.
Do đó, quá trình thẩm định diễn ra công khai, minh bạch theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của tác giả.