Xung quanh những dư luận về kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, có nhiều ý kiến nói: "không cần thiết phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT khi tỉ lệ trượt chỉ chiếm 2 – 3%”. Nhưng nếu không tổ chức kỳ thi này, tỉ lệ trượt không chỉ có 2 – 3%. Điều chúng ta mong chờ là 100% em đỗ tốt nghiệp chứ không phải 97 – 98% như hiện tại.
|
Bộ GD-ĐT cho rằng thí sinh đạt 27 điểm trở lên không đỗ nguyện vọng nào chỉ chiếm 2%, không thể nói đề thi dễ |
"Việc này cũng tương tự như việc chúng ta nói, nếu chỉ có 1 người vượt đèn đỏ trong số 100 người, vậy cần phải có đèn đỏ hay cảnh sát giao thông để làm gì?", ông Sơn nói.
Về việc có nhiều thí sinh đạt điểm từ 27 điểm trở nên nhưng không đỗ nguyện vọng nào, ông Sơn cho rằng, kỳ thi không chỉ để phục vụ mục đích xét tốt nghiệp mà qua đó còn đánh giá quá trình dạy và học của các địa phương, từ đó sẽ có những điều chỉnh, đổi mới về chính sách để phù hợp với từng địa phương ấy.
Bên cạnh đó, kỳ thi còn là cơ sở để nhiều trường đại học xét tuyển.
Theo ông Sơn, việc các trường đại học liên kết, tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực cũng từng có phương án nhưng do dịch bệnh nên "kỳ thi tập trung như thi tốt nghiệp THPT sẽ rất tốt, bởi lẽ, nếu tổ chức kỳ thi riêng, không phải địa phương nào cũng có thể tham gia trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi và công bằng cho thí sinh”.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng không thể nói đề thi năm nay dễ. Ông Sơn giải thích, số học sinh đạt từ 27 điểm trở lên (chưa tính điểm cộng) chỉ có 20.000 em, chiếm khoảng 2%.
“Điều này giống như một lớp học có 50 học sinh, nhưng chỉ có 1 em đạt điểm 9-10. Do đó, không thể nói đề thi dễ. Chúng ta cần phải nhìn một cách khách quan chứ không thể nhìn vào một vài trường hợp điểm cao nhưng không trúng tuyển mà đánh giá đề thi này dễ quá”, vị Thứ trưởng khẳng định.
Cần thay đổi
Trong khi đó, khi bàn luận về điểm thi và cách thức tuyển sinh của nhiều trường đại học năm nay, các chuyên gia đều cho rằng đề thi dễ, tính phân hóa không cao, không thể làm cơ sở để xét tuyển đại học.
Trao đổi với Đất Việt, TS. Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT nói thằng: "Những vấn đề bất hợp lý mà chúng ta đang nhìn thấy, cụ thể là việc thí sinh đạt điểm cao mà vẫn trượt đại học có thể được nhìn từ nhiều góc độ: Góc độ thí sinh chọn nguyện vọng chưa đúng; góc độ đề ra chưa tốt, chưa có tính phân loại cao và góc độ quan trọng nhất là phương pháp tuyển sinh của các trường đại học thế nào, chọn thí sinh kiểu gì mà lại gây ra những băn khoăn như vậy?"
Nói thêm về kỳ thi tốt nghiệp, vị TS cho rằng, việc các trường căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp chỉ là nên coi là một tiêu chí.
Theo ông Tùng, thi tốt nghiệp THPT chỉ là thước đo để đánh giá chất lượng giáo dục trên cả nước, qua đó đưa ra chiến lược phát triển giáo dục chung cho phù hợp. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chung không nên là kỳ thi phục vụ tuyển sinh đại học.
Vì điều này, yêu cầu xét tuyển đại học mỗi trường phải có chiến lược riêng. Cụ thể là chiến lược về chất lượng.
Để thay đổi thực trạng trên, ông Tùng đề xuất nên thành lập trung tâm khảo thí, các trường đại học sẽ căn cứ vào đánh giá của các trung tâm để tuyển sinh.
Trao đổi trên Zing, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá điểm chuẩn năm 2021 có 2 vấn đề nổi cộm.
Một là, số ít ngành có điểm chuẩn trúng tuyển trên 30 điểm. Hai là, số thí sinh điểm rất cao nhưng trượt hết các nguyện vọng. Hai vấn đề này đều có nguyên nhân sâu xa từ chất lượng đề thi.
Ông Nghĩa cho biết, năm 2021 là năm có số lượng thí sinh tốt nghiệp đông nhất trong 5 năm trở lại đây, dẫn tới việc số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng 150.000 em so với năm 2020. Số học sinh giỏi, điểm thi cao chỉ tập trung đăng ký vào một số ngành "hot" của một số trường. Đó là những nguyên nhân khiến điểm chuẩn tăng và nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt tất cả các nguyện vọng.
Mặc dù vậy, ông vẫn cho rằng đề thi là nguyên nhân lớn dẫn tới việc này. Theo vị chuyên gia, việc chuẩn hóa và ổn định chất lượng đề thi là vấn đề cần cải thiện nếu kết quả thi tốt nghiệp còn tiếp tục là cơ sở quan trọng để các trường đại học sử dụng để tuyển sinh.
Về việc xét tuyển, các trường đại học cũng cần chuẩn bị thay đổi phù hợp chương trình giáo dục phổ thông, ví dụ thay đổi tổ hợp môn xét tuyển thế nào khi không còn điểm của từng môn riêng biệt (Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục Công dân…) trong học bạ THPT và trong kỳ thi tốt nghiệp; có các phương thức xét tuyển khác thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh của trường hay không.
"Tôi nghĩ vấn đề cốt lõi là đề thi phải thật ổn định", ông Sơn nói.
Theo Dân Việt