Bộ Công Thương, Sabeco, Habeco trong “tầm ngắm” trọng tâm kiểm toán 2017

Ngoài việc kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại Bộ Công Thương và Sabeco, Habeco, kế hoạch kiểm toán 2017 của Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội cũng sẽ tập trung kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của 2 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng là Ocean Bank và GP Bank.
Cùng với hai doanh nghiệp lớn ngành bia thì một loạt các "ông lớn' Nhà nước cũng lọt tầm ngắm kiểm toán 2017
Cùng với hai doanh nghiệp lớn ngành bia thì một loạt các "ông lớn' Nhà nước cũng lọt tầm ngắm kiểm toán 2017

Kiểm toán Nhà nước vừa trình Quốc hội báo cáo dự kiến kế hoạch năm 2017, nội dung kiểm toán sẽ bao gồm việc kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2016, trong đó, Bộ Công Thương là đơn vị được đề cập đến đầu tiên.

Ngoài ra, trong kế hoạch kiểm toán 2017 của Kiểm toán Nhà nước, dự kiến cơ quan này cũng sẽ kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2016 của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Theo kế hoạch của Bộ Công Thương thì trong năm 2016, Sabeco và Habeco sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước. Hôm qua (28/10), cổ phiếu BHN của Habeco đã chính thức giao dịch trên sàn UPCoM tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Trong khi đó, về phía Sabeco, ông Lê Hồng Xanh, Tổng giám đốc công ty này cho biết khả năng có thể sẽ niêm yết vào cuối tháng 11, đầu tháng 12. Vào năm 2017, dự kiến cổ đông Nhà nước sẽ hoàn tất thoái toàn bộ 82% vốn tại Habeco và 89% vốn tại Sabeco.

Ngoài hai doanh nghiệp trên, kế hoạch kiểm toán cũng đề cập tới Vinamilk, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP cùng một loạt các ngân hàng: VietinBank, BIDV, Vietcombank, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Bảo hiểm tiền gửi và DATC...

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, dự kiến 2017, cơ quan này sẽ tập trung kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 của 2 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

Hai ngân hàng này là Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân Hàng TM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GP Bank).

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2015, việc Ocean Bank được mua lại với giá 0 đồng năm 2015 là nguyên nhân khiến khoản đầu tư của PetroVietnam tại ngân hàng này bị mất trắng, ảnh hưởng đến kết quả thoái vốn chung của các doanh nghiệp Nhà nước.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 115 báo cáo kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2016 trình xét duyệt cho thấy, số kiến nghị xử lý tài chính lên tới gần 14.800 tỷ đồng (trong đó tăng thu hơn 3.000 tỷ đồng; giảm chi trên 2.500 tỷ đồng; xử lý tài chính khác gần 9.200 tỷ đồng), kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 34 văn bản, gồm 1 Nghị định, 4 Quyết định và 29 văn bản khác.

Một số lỗ hổng chính sách đã được phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời từ hoạt động kiểm toán 2016, gồm có quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng; việc quản lý và sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ năm 2015; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; cơ chế quản lý thực hiện các dự án BOT; việc đầu tư thiếu hiệu quả, lãng phí tại một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước...

Theo Dân Trí