Bộ Công thương lập Ban chỉ đạo thoái vốn tại Sabeco và Habeco

VietTimes -- Bộ Công thương vừa thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thoái vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco. Ban chỉ đạo này có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng giao, lựa chọn tư vấn bán cổ phần cho Sabeco và Habeco.
Bộ Công thương vừa quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thoái vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco
Bộ Công thương vừa quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thoái vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco

Ban chỉ đạo được sử dụng con dấu của Bộ Công Thương khi thực hiện nhiệm vụ. Trưởng ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên. Ban chỉ đạo cũng tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ.

Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, chủ nhiệm Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ cho biết: “Thủ tướng yêu cầu 2 DN này phải niêm yết ngay trên thị trường chứng khoán, để tạo minh bạch về tài chính, có sự giao dịch ở trên sàn, lấy giá giao dịch dẫn chiếu để xem xét nghiên cứu đấu giá, đồng thời, thể hiện khả năng bán cũng như sức mua của doanh nghiệp. Đây là chuyện bắt buộc phải niêm yết, không phải chuyện có hay không nữa”.

Cũng tại cuộc họp này, đại diện Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói: “Do quy mô vốn tại Habeco và Sabeco khác nhau nên chúng tôi cũng đã trình lộ trình thoái vốn của từng DN khác nhau. Dự kiến cụ thể, đối với Habeco sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu nhà nước là 81,79% tương đương 9.000 tỷ đồng trong năm 2016, thứ hai, với Sabeco, do quy mô lớn nên Bộ Công thương đề nghị thoái vốn thuộc sở hữu nhà nước theo lộ trình là 2 đợt: Đợt 1 là bán 53,59% vốn điều lệ tương đương với 24000 tỷ đồng trong năm 2016, đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại tương đương với 16.000 tỷ đồng trong năm 2017 sau khi Sabeco thực hiện niêm yết”.

Tuy nhiên, chỉ sau một tháng, tại họp báo Chính phủ Thường kỳ tháng 9/2016, khi phóng viên hỏi về vấn đề Sabeco, Habeco có kịp lên sàn trong năm 2016 để nhà nước thoái vốn hay không, đại diện Bộ công thương cho biết việc niêm yết 2 DN này trên sàn trong năm 2016 đang gặp nhiều khó khăn. Đại diện Bộ Công thương trần tình: “Mặc dù Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo quyết liệt, cố gắng trong năm 2016 để đưa 2 doanh nghiệp lên sàn, nhưng khi triển khai thực hiện mất rất nhiều thời gian, riêng thủ tục lên sàn hiện nay theo quy định cũng đã mất 12-14 tuần. Trong khi đó, đối với Habeco, đang có nhiều vướng mắc cần giải quyết với NĐT chiến lược lược là Carlsberg nên cũng rất mất nhiều thời gian. Việc lên sàn của hai doanh nghiệp trong năm 2016 đang gặp nhiều khó khăn. Và nếu có chậm thì cũng chỉ quý I năm 2017”.

Cũng trả lời câu hỏi này, Chủ nhiệm Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh “Việc thủ tướng đã giao cho 2 DN này là phải niêm yết trên sàn chứng khoán và thực hiện trong năm 2016, nếu như thực hiện chậm Bộ Công thương có trách nhiệm kiểm điểm trước Thủ tướng Chính phủ, hai DN Sabeco và Habeco có trách nhiệm kiểm điểm trước Bộ Công thương”

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng là Trưởng ban cùng 10 thành viên là lãnh đạo các phòng ban của Bộ Công thương. Cụ thể, thành viên ban chỉ đạo gồm ông Phan chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ; Ông Vũ Quốc Anh, Vụ trưởng Vụ Tài chính; Ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng, Thường trực Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp; Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ kế hoạch; Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco; Ông Lê Hồng Xanh, Phó giám đốc phụ trách Ban điều hành Sabeco; Ông Đỗ Xuân Hạ, Chủ tịch HĐQT Habeco; Ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng giám đốc Habeco.